Cổ nhạc Nam phần có rất nhiều bài bản: Xàng Xê, Nam Ai, Văn Thiên Tường, Nam Xuân, Sương Chiều, Tú Anh, v.v. nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài Vọng Cổ. Và “Dạ cổ hoài lang” là một bản nhạc có sức sống mãnh liệt diệu kỳ. Không phải tự nhiên mà có câu nói: “Về Bạc Liêu nghe Dạ cổ hoài lang”. Bởi bản nhạc đã kết nối, chinh phục biết bao trái tim người hâm mộ. Bản nhạc đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương con người và tình yêu quê hương đất nước.
“Nghe Vọng Cổ”, “ca Vọng Cổ,” “Làm vài câu Vọng Cổ” trở thành ngôn ngữ thông dụng cho cách thưởng thức một bộ môn nghệ thuật đại chúng của dân miền Nam. Trong một đám tiệc, hay trong một chương trình ca hát nào đó của người Nam bộ, những ông, những chú, những bà, những cô có trong mình “máu” nghệ thuật, có một chút thiên phú về chất giọng đều không ngần ngại trổ tài ca một bài vọng cổ cho quan khách cùng thưởng thức. Và Dạ cổ hoài lang luôn là bài vọng cổ đuuợc yêu thích, nghe hoài không chán. Bản nhạc được xem là “bài ca vua” của sân khấu cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ.
Nói về Dạ cổ hoài lang của tác giả Cao Văn Lầu, bài vọng cổ này có một sức sống thật mãnh liệt. Đã 105 năm ngày bản vọng cổ ra đời. Thế nhưng nó vẫn được người nghe yêu thích, được người hát lựa chọn để trình diễn. Ngày nay, bản nhạc đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương con người và tình yêu quê hương đất nước.
Trong cuộc đời sáng tác, nhạc sỹ Cao Văn Lầu đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, mở đường cho nền nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương đến ngày nay. Nhưng nổi tiếng nhất lại là bản Dạ cổ hoài lang sáng tác năm 1919, là tiền thân của bài Vọng cổ ngày nay. Cái gốc của bài Vọng cổ là Dạ cổ hoài lang được ông viết theo nhạc dân tộc: Hò, xự, xang, xê, cống.
Nội dung của bài Dạ cổ hoài lang nói về việc nghe tiếng trống trong đêm mà thương nhớ chồng. Có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của bản nhạc này, nhưng đa số đều cho rằng xuất phát từ tấm lòng yêu thương người vợ của mình mà ông viết nên bản nhạc này. Theo truyền thuyết, ông Sáu Lầu cưới vợ đã lâu, gia đình đầm ấm nhưng không có được một mụn con. Cha mẹ ông buộc ông phải cưới vợ khác để có cháu nối dõi tông đường. Ông Sáu buồn rầu, không biết xử sao cho vẹn cả đôi bên hiếu và tình. Sống xa người vợ thương yêu nhưng nào đâu quên bỏ được. Tuy xa mặt nhưng lòng không cách, tình yêu càng làm nỗi nhớ thương tăng thêm dào dạt. Lòng tâm sự của người chồng gởi cả vào bản nhạc mới được đặt ra, đó chính là bài Dạ cổ hoài lang bất hủ. Tuy bị cấm cản, ông vẫn lén lút lui tới với vợ. Sau đó bà có mang, vợ chồng lại sum họp.
Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên. Bản Dạ Cổ Hoài Lang ngày nay chúng ta thường nghe đã là bản biến thể về ca từ lẫn nhịp của bài ca. Bài cổ nhạc này lúc đầu được viết và tấu ở nhịp 2. Rồi khi được đưa lên sân khấu cải lương, nó được biến thể thành nhịp 4 ( năm 1924), nhịp 8 (năm 1934-1944), nhịp 16 (năm 1944-1954), nhịp 32 (năm 1955-1964) và thành nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.
Về lời ca thì cũng một ít ca từ đã thay đổi. Do ngày xưa điều kiện bảo quản chưa tốt, đặc biệt là với gia cảnh khó khăn của mình thì ông Cao Văn Lầu đã không thể bảo quản tốt những ghi chép của mình. Nhưng may mắn đến gần cuối đời, năm 1972, ông đã chép lại bản nhạc với ca từ gốc và được gia đình ông lưu giữ đến nay đang được bảo quản trong Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.
Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nói: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thể kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.
Đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo được diễn ra nhằm nhìn nhận cao giá trị nghệ thuật, tính phổ cập và sức sống trường tồn của bản Dạ cổ hoài lang trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa, với lời ca của nó, Dạ cổ hoài lang chắc chắn sẽ tiếp tục trường tồn, phát triển. Bản nhạc này và nghệ thuật vọng cổ cải lương sẽ mãi là “báu vật” của nền nghệ thuật Việt Nam ta.
Chí Nguyện/Phó Trưởng Ban Phóng viên Chuyên đề