More
    HomeẢnh - VideoBánh cuốn Bình Định: Dân dã nhưng đầy cuốn hút

    Bánh cuốn Bình Định: Dân dã nhưng đầy cuốn hút

    Nhắc đến đặc sản Bình Định, không thể nào quên một món ăn dân dã, nhưng rất cuốn hút, đó là món bánh cuốn. Đặc biệt là món bánh cuốn Tây Sơn. Món ăn là sự kết hợp độc đáo giữa các loại nguyên liệu như thịt nướng lụi, chả ram chiên giòn, trứng luộc, đậu hũ,… được cuốn cùng với các loại rau sống; đặc biệt hơn bánh cuốn được chấm với nước mắm có vị rất đặc trưng, khiến cho bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều khó lòng quên được.

    Gọi là bánh cuốn nhưng món bánh cuốn Tây Sơn khác hoàn toàn với bánh cuốn ở nhiều nơi khác: không phải làm từ bột gạo tráng mỏng trực tiếp bên trong có nhân  mà được làm từ bánh tráng. Nói đúng hơn, bánh cuốn ở đây hiểu là bánh tráng cuốn thì đúng hơn. Nó được cuốn tương tự như món gỏi cuốn của người miền nam, nhưng nguyên liệu cuốn thì phong phú đa dạng hơn. Đặc biệt, nó “siêu to khổng lồ” hơn. Mỗi cuốn to ú ù bằng cổ tay, bên trong rất nhiều topping như: nem, chả lụa, chả ram giòn rụm, trứng vịt, xoài, dưa leo, rau thơm, xà lách…được cuộn trong bánh tráng gạo xứ Nẫu.

    Món bánh cuốn to bằng cổ tay, kết hợp với nước chấm đặc trưng đem lại cho thực khách sự khó quên khi thưởng thức

    Bánh cuốn Tây Sơn Bình Định còn được gọi với tên gọi khác, rất đặc biệt khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Hai sống một chín. Sở dĩ có tên gọi vậy vì món bánh cuốn này với tên gọi hai sống một chín là bởi từng chiếc bánh đều được tạo ra bởi hai chiếc bánh tráng sống được nhúng vào nước, kèm theo đó là một miếng bánh tráng đã nướng chín có độ giòn rụm ở bên trong.

    Mặc dù món ăn này quen thuộc và dân dã là vậy, nhưng để chế biến được ra những chiếc bánh cuốn hấp dẫn, ngon miệng, đậm đà thì người làm cũng cần phải trải qua những bước làm tỉ mỉ và công phu.

    Những nguyên liệu được gói gọn lại trong những chiếc bánh tráng. Rồi khi ăn, người ta sẽ chấm cùng với nước chấm đậm đà. Tất cả mọi nguyên liệu sẽ tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn và khó lẫn cho thực khách khi thưởng thức món bánh cuốn Tây Sơn này. Khi ăn vào, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của bánh đa nem, vị giòn rụm của chả ram, vị thơm của thịt nướng, trứng vịt cùng với vị chua cay, beo béo của nước chấm đậu phộng.

    Bên trong món bánh cuốn rất đa dạng topping.

    Ngoài một chiếc bánh cuốn hấp dẫn với đủ các loại “topping” thì nước chấm cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Với thành phần phải có bơ đậu phọng, cùng tỉ lệ vàng gia vị nước mắm đường chanh tỏi và hành phi. Trộn chung với ớt xào để ra loại nước chấm sệt sệt, cay cay, thơm ngon. Nhờ vậy mà khi ăn khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà, vừa có vị thơm của nước mắm, chua chua ngọt ngọt của chanh và đường, béo béo của đậu phộng. Món bánh cuốn này có ngon không, ăn “cuốn” miệng hay không, phụ thuộc 50% vào cách pha nước chấm.

    Nhiều năm trở lại đây, món bánh cuốn Tây Sơn, Bình Định cũng được bày bán rất nhiều tại TP. HCM. Cửa hàng có, bán vỉa hè cũng có. Tùy sở thích và điều kiện, thực khách có thể tha hồ lựa chọn cho mình những chiếc bánh cuốn ăn tại chỗ hoặc mang về. Với nhiều người con xứ Nẫu xa quê, được thưởng thức một chiếc bánh cuốn ngay giữa lòng Sài Gòn là một điều ấm lòng, vơi bớt nỗi buồn xa quê. Còn với những thực khách tứ xứ, được thưởng thức một chiếc bánh cuốn đặc sản vùng miền tại nơi đô hội, một cảm giác vừa mới lạ và hay ho. Sẽ khiến thực khách khó quên và sẽ quay trở lại tìm mua để thưởng thức.

    Đình Hảo/Ban Phóng viên Chuyên đề

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img