“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” do vậy, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các cấp, các ngành để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước cũng như ở từng địa phương.
Công tác khuyến học luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng
Từ xa xưa, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ nhằm vun trồng nguyên khí quốc gia. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11 CT/TW năm 2007, khẳng định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lực chấn hưng và phát triển giáo dục nước ta”.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam được giao trọng trách làm nòng cốt phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các Ban, ngành, đoàn thể… để triển khai thực hiện phong trào này.
Trải qua vài chục năm hình thành và phát triển, đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, với 100% quận, huyện, thị xã và hầu hết xã, phường thị trấn đã có tổ chức Hội. Nhiều tổ dân phố, cụm, dân cư, bản, làng, các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp đã có các tổ chức như chi hội hoặc ban khuyến học để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và Chính quyền, các tổ chính trị- xã hội cũng như sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân cả nước đối với chủ trương đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước ta.
Dựa theo tình hình thực tiễn, điều kiện sinh hoạt của từng địa phương, Hội đã chủ động và sáng tạo xây dựng các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập một cách sâu rộng trong nhân dân. Với các mô hình tiêu biểu như: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học, các Quỹ phát triển tài năng và nhân tài đất nước ngày một phát triển và có chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo.
Quỹ khuyến học của Trung ương Hội và của các Hội khuyến học ở mỗi địa phương đã phát huy tác dụng tốt và có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng các mô hình học tập cần thiết trong cấu trúc xã hội học tập ở nước ta. Từ đó, vận động, xây dựng và hình thành được hàng triệu gia đình, dòng tộc, thôn bản, tổ dân phố hiếu học.
Không những vậy, Hội đã tạo ra hàng triệu học bổng cho học sinh nghèo, hàng chục ngàn phần thưởng cho học sinh giỏi, hàng nghìn khoản trợ cấp cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ, khuyến khích, động viên các hoạt động dạy và học trong hệ thống các nhà trường. Đã có hàng ngàn Trung tâm học tập cộng đồng; nhà văn hoá, câu lạc bộ ở xã, phường; thư viện hoặc tủ sách trong các thôn, làng, các phường và thị trấn vv… được xây dựng với sự chung tay, góp sức của Hội Khuyến học tại các địa phương.
Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục – đào tạo được nâng lên rõ rệt. Mỗi cá nhân, hộ gia đình cũng như cộng đồng dân cư đều thấy được trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp xây dựng, phát triển công tác giáo dục – đào tạo huyện nhà theo tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Thông qua Hội khuyến học, chất lượng giáo dục – đào tạo của các địa phương trên cả nước đã không ngừng được nâng lên, tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể, số lượng học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Cơ sở vật chất cho giáo dục tiếp tục được quan tâm, đầu tư nâng cấp, cải thiện. Đội ngũ học sinh giỏi, có tài được kịp thời phát hiện, bồi dưỡng.
Hiện nay, công tác khuyến học khuyến tài được thực hiện theo phương châm “giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội”, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên được phát huy cao nhất, kết hợp với mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục, từng bước xây dựng một xã hội học tập.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng chia sẻ: “Nếu không có Hội Khuyến học Việt Nam và các phong trào khuyến học khuyến tài thì các chỉ số liên quan đến con người, đến giáo dục khoa học Việt Nam không thể có”.
Trong Lễ Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã khẳng định, Hội sẽ tiếp tục làm nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần hoàn thành tốt những nội dung thi đua do Thủ tướng phát động.
Trong thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ để hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, bao gồm: xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua này trong toàn hệ thống Hội với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm triển khai các nội dung có liên quan trong phong trào thi đua do Thủ tướng phát động; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về phong trào thi đua trong lĩnh vực khuyến học – khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhằm góp phần làm chuyển biến nhận thức trong cộng đồng, từ đó thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua đã đề ra; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đã ký kết, đặc biệt với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt các mô hình học tập đã được Chính phủ giao; Tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức thi đua, phát triển quỹ khuyến học nhằm khuyến khích người lớn ở mọi lĩnh vực và học sinh các bậc học tích cực học tập, học có kết quả tốt; Toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam từ trẻ đến già nguyện đoàn kết nhất trí, tích cực học tập, học tập suốt đời theo gương Bác Hồ vĩ đại, nâng cao trình độ mọi mặt nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, nhu cầu cuộc sống và quyết tâm thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng xã hội học tập
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, khuyến học – khuyến tài là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam chỉ là hai cơ quan giúp Đảng và Nhà nước làm đầu mối, điều phối thực hiện chứ không đảm nhận toàn bộ các nhiệm vụ này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Ngành giáo dục và đào tạo bày tỏ quyết tâm cao, niềm tin sâu sắc và niềm tin tưởng chắc chắn rằng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động sẽ tạo khí thế mới thúc đẩy việc học tập của toàn người dân trong bối cảnh, yêu cầu và điều kiện mới. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan làm tốt hơn nữa vai trò đoàn kết, tập hợp các cá nhân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khuyến học – khuyến tài, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.
Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa nội dung thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động.
Bộ GD&ĐT cũng tăng cường công tác giám sát vai trò nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ quản lý trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng… trong tổ chức thực hiện xây dựng xã hội học tập. Từ đó, kịp thời biểu dương gương sáng tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp; tuyên dương và nhân rộng các mô hình hay; phong trào hoạt động tốt trong việc thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh việc học tập suốt đời ở địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; kiểm tra giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo nên lực đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Với những thành tựu vô cùng to lớn, chúng ta một lần nữa phải khẳng định, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH… đã phối hợp có hiệu quả, thực hiện triển khai và đổi mới chương trình giáo dục các cấp, nhân rộng hơn nữa các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, công dân học tập.
Hiện nay, nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, do đó để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của công nghệ số, nguồn vốn quý giá nhất, tài sản quý giá nhất chính là con người. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, có nhiều giải pháp để nâng tầm trí tuệ cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước, trong đó, công tác khuyến học- khuyến tài là nhiệm vụ then chốt, song hành của ngành giáo dục Việt Nam.
Theo Hoàng Thủy/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 11 tháng 11 năm 2023