More
    HomeThư bạn đọcTP.HCM: Người lao động vượt khó khi doanh nghiệp thiếu hụt đơn...

    TP.HCM: Người lao động vượt khó khi doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng

    Từ đầu năm  đến nay, tình trạng thiếu đơn hàng trầm trọng đang là nỗi lo của doanh nghiệp nhiều ngành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh, có những doanh nghiệp đành ngậm ngùi rút khỏi thị trường. Hoặc thu hẹp quy mô hoạt động vì không có đơn hàng, hoạt động cầm chừng, không tăng ca, thậm chí còn phải sa thải công nhân… Tình trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến người lao động thành phố và đa số đều phải nỗ lực vượt khó, thắt lưng buộc bụng để chờ ngày khởi sắc.

    Thắt lưng buộc bụng

    Khảo sát tại TP. Thủ Đức, những khu công nghiệp lớn như Linh Trung, Bình Đường, Khu Công nghệ cao … là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Những năm trước, đơn hàng nhiều, công nhân tham gia tăng ca nên có nguồn thu nhập ổn định, đủ để trang trải chi phí chốn thị thành cũng như có một phần giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Thế nhưng từ năm 2023 đến nay, làn sóng thất nghiệp dâng cao, tình trạng các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng kéo theo sự khốn khó cho công nhân. Bởi không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí sa thải công nhân.

    Dạo một vòng tại Khu chế xuất Linh Trung ngày đầu tháng 11, PV quan sát thấy thực trạng nếu như trước kia phải hơn 17h chiều thậm chí tối muộn công nhân mới ra ca thì nay có rất nhiều công ty chỉ mới 16h30 đã cho công nhân ra ca. Qua tìm hiểu thực tế các công nhân cho biết, nếu như trước kia sau khi hết giờ làm, để tiết kiệm thời gian họ thường dừng chân trước những xe hàng di động để lựa chọn những hàng ăn sẵn mình yêu thích. Thế nhưng giờ đây, họ thường lựa chọn những loại nguyên liệu thức ăn giá rẻ, mua với số lượng ít rồi nhanh chóng về phòng trọ chế biến. Việc tiết kiệm dù chỉ vài ngàn đồng giữa thời buổi khốn khó này là ưu tiên hàng đầu của công nhân. Một chị công nhân vừa ra ca đã vội vàng lên xe ra về, chia sẻ: “Kinh tế đi xuống, gia đình chị đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, mỗi tuần chị chỉ đi chợ 1 lần thôi, về cho vào hết tủ lạnh bảo quản. Đến bữa cứ mở tủ ra, còn gì nấu đó cho tiết kiệm. Cách làm này giúp cho gia đình chị tiết kiệm được một ít sinh hoạt phí để dành cho các con ăn học. Đi chợ một lần như vậy chỉ dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/tuần. Chứ như trước kia đi chợ hàng ngày thì ít nhất cũng trên 100.000 đồng mỗi ngày”.

    Chợ đêm Việt Lập, một khu chợ nổi tiếng về quần áo, giày dép của công nhân tại đây trước kia rất sầm uất, cứ mỗi tối việc mua bán diễn ra rất nhộn nhịp, công nhân đi mua sắm rất đông phải chen chân nhau. Nhưng thời gian trở lại đây, chợ chỉ lác đác vài người mua, chỉ chủ yếu các chủ sạp ngồi “tám” với nhau giết thời gian. Trước đây, rất khó chen chân vào khu chợ này để mua bán vì không tìm ra mặt bằng trống, nhưng hiện tại, những tấm bảng treo cho thuê mặt bằng “la liệt” trong chợ. Dạo một vòng quanh những dãy phòng trọ quanh phường Linh Xuân, những tấm bảng cho thuê phòng được chủ trọ dán, treo đầy trước những con hẻm nhỏ hoặc trước dãy phòng trọ. Công nhân trả phòng về quê ngày càng nhiều, vì với đồng lương cơ bản của công nhân, không có hàng để tăng ca làm họ không đủ chi phí để duy trì cuộc sống và lo cho con cái.

    Vượt khó chờ ngày khởi sắc

    Chị L. một công nhân đang sinh sống cùng chồng và một con trai mới 10 tháng tuổi tại một phòng trọ trên đường 15, phường Linh Xuân cho biết: “Chị có 2 đứa con, đứa lớn năm nay đã vào lớp 1, đứa thứ 2 mới được 10 tháng tuổi. Vì không đủ chi phí sinh hoạt do chồng chị công việc bấp bênh, công ty chị thì ít đơn hàng  không được tăng ca nên buộc lòng phải gửi đứa lớn về quê cho ông bà ngoài Bình Định trông nom và đưa đón đi học giúp. Còn đứa nhỏ, chị phải cho đi gửi trẻ với chi phí 2 triệu/tháng. Với mức chi phí để “tồn tại” tại thành phố, gia đình chị không gánh nổi, chị đang tính làm đến cuối năm, nhận tiền BHXH xong gia đình chị sẽ về quê chăn nuôi hay làm gì đó. Mức sống ở quê dù sao cũng nhẹ nhàng hơn, lại còn được gần con để dạy bảo con học hành”.

    Còn với bà Tấn, bà cho biết bản thân từ Quảng Bình vào TP. Thủ Đức trông cháu cho các con yên tâm làm việc. Bà đã vào sinh sống cùng vợ chồng con trai hơn một năm nay, bà cho biết cách đây một tháng có nhờ con trai làm cho một chiếc bảng treo trước dãy phòng trọ là nhận trông trẻ. Bà cho biết: “Công việc của hai vợ chồng con trai cô từ đầu năm đến nay bấp bênh lắm. Lương cả hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Vậy nên bà muốn nhận thêm trẻ về cùng trông với cháu nội của mình. Kiếm thêm ít tiền phụ các con cũng như tết đến có tiền mua vé xe về quê. Chứ thấy các con khổ, bà không dám xin tiền chúng nó về quê”.

    Dù chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là Tết nguyên đán, nhưng nhiều công nhân chấp nhận ngậm ngùi về quê từ thời điểm này vì không có việc làm. Trước cổng Khu chế xuất Linh Trung, cứ khoảng 17h chiều, những chiếc xe khách đi tất cả các tỉnh tấp nập ra vào nơi dừng đỗ để đón khách. Nhiều người xác định về quê sinh sống luôn nên dọn luôn phòng trọ để về nên đồ đạc rất nhiều. Có thể nói, kinh tế suy thoái đã làm cho người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mong rằng giai đoạn này sớm qua, kinh tế khởi sắc đi lên, doanh nghiệp phục hồi, tạo công ăn việc làm cho công nhân vượt qua cơn khốn khó.

    Những chiếc bảng cho thuê phòng này tại TP. Thủ Đức được chủ nhà trọ cho treo nhiều tháng nay, nhưng phòng vẫn rất “ế” do công nhân “dạt” đi vùng khác kiếm sống

                                                                                     Chí Nguyện

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img