More
    HomeẢnh - VideoVăn miếu Trấn Biên – Niềm tự hào hiếu học của người...

    Văn miếu Trấn Biên – Niềm tự hào hiếu học của người Việt phương Nam

    Năm 1698, chưởng cơ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược xứ Nam bộ, lúc này kinh tế Đồng Nai phát triển khá trù phú, nền văn hóa học hiệu càng được chú trọng hơn. Đến năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Bửu LongTP. Biên Hòa, Đồng Nai).

    Văn miếu Trấn Biên đã trải qua hai lần trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Khi ấy, chúa Nguyễn Phúc Ánh sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô lo việc trùng tu. Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Sau khi hoàn thành văn miếu có qui mô lớn hơn trước. Với hai lần trùng tu ấy Văn Miếu Trấn Biên đã được danh nhân Trịnh Hoài Đức ghi chép trong sử sách Gia Định Thành Thông Chí với một thế đất đẹp: “Phía Nam hướng đến sông Phước, Phía Bắc dựa vào núi rừng núi sông thanh tú là một cảnh tuyệt đẹp nhất ở Văn Miếu Trấn Biên..”

    Vào năm 1861, thực dân Pháp xâm lược miền Đông Nam kì đánh chiếm Biên Hòa đã tàn phá văn miếu Trấn Biên nhằm thực hiện chính sách ngu dân và thống trị lâu dài. Nhưng với ý chí kiên cường bất khuất, nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền. Vào ngày 9/12/1998, Đảng Ủy và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cách trung tâm thành phố khoảng 3 km,và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long trong phạm vi khoảng 2 ha, với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng. Công trình được khánh thành vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002) với tổng diện tích gần 15 ha, trong đó khu trung tâm rộng khoảng 2 ha.

    Được xem như là “Văn Miếu Quốc Tử Giám” của Nam Bộ, Văn miếu Trấn Biên chính là biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam. Văn Miếu là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước và là biểu trưng của nền văn hóa dân tộc. Với các công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ… thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.

    Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà Bia, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, nền lát gạch tàu, có bàn thờ Bác Hồ ở gian giữa, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Trong gian thờ này đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc.

    Trong Văn Miếu Trấn Biên còn có các bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị được tôn xưng là “Gia Ðịnh tam kiệt”: Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh. Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền – Hậu hiền.

    Phía trước hai bên nhà thờ chính là Nhà văn Vật Khố chính là nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm. Đăng đối hài hòa với Nhà Văn vật khố là Nhà Thư khố – nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo … viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa và nay.

    Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống không những là nơi tổ chức các buổi họp mặt, tọa đàm giới thiệu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và các hoạt động sinh hoạt văn hóa khác mà còn là nơi trưng bày triển lãm tranh ảnh, tư liệu về Văn Miếu Trấn Biên.

    Ngày 14/2/2002 giai đoạn I công trình hoàn thành. Tỉnh Đồng Nai đã trân trọng mời Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu viết văn bia cho Văn miếu Trấn Biên. Nội dung văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn gồm 8 đoạn, được khắc trên hai mặt của bia đá.

    Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Ðồng Nai. Nơi đây còn rất gần với khu du lịch văn hóa Bửu Long. Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ… Văn Miếu Trấn Biên là nơi đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Ðồng Nai.

    Xứng đáng là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa – giáo dục của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, Văn Miếu Trấn Biên ngày càng thể hiện vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng đất phía Nam nói chung thông qua rất nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức hàng năm.

    Không chỉ chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên còn là một công trình đặc sắc về nghệ thuật, kiến trúc với phong cảnh thoáng mát, vừa cổ kính vừa trang nhã nên thu hút động đảo nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, các đoàn ngoại giao và các đoàn khách quốc tế ghé thăm. Văn Miếu Trấn Biên đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của mình với vị thế và tầm quan trọng nhất định trong sinh hoạt văn hóa của tỉnh Đồng Nai.

    Văn Tú/ Ban PV – Chuyên đề    

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img