- Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hệ thống tải điện gây ra
Hệ thống tải điện là một nguồn nguy hiểm cao độ được quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015[1]. Hệ thống tải điện còn được hiểu là hệ thống điện truyền tải hệ thống điện bao gồm lưới điện truyền tải và các nhà máy điện đấu nối vào lưới điện truyền tải[2], trong đó, lưới điện truyền tải là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp trên 110 kV[3], trạm điện là trạm biến áp, trạm cắt hoặc trạm bù[4].
Đặc điểm chung của các loại nguồn nguy hiểm cao độ là những vật thể, chất thể tồn tại trong tự nhiên mà trong quá trình tồn tại, hoạt động của chúng tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, không thể lường trước cho những người xung quanh mặc dù đã được áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, để được xem là nguồn nguy hiểm cao độ thì hệ thống tải điện phải đang hoạt động và có điện áp cao (từ 110 kV trở lên), thiệt hại gây ra bởi hệ thống tải điện đang hoạt động được xác định là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ngược lại, nếu thiệt hại gây ra bởi hệ thống tải điện không có dòng điện đang hoạt động thì được xác định là thiệt hại do công trình xây dựng gây ra, không phải là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng do hệ thống tải điện gây ra căn cứ vào ba yếu tố: việc gây thiệt hại trái pháp luật, thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa việc gây thiệt hại với thiệt hại thực tế.
Đối với việc gây thiệt hại trái pháp luật, các vấn đề cần làm sáng tỏ, bao gồm: hình thức thể hiện và tính chất trái pháp luật của việc hệ thống tải điện gây thiệt hại trái pháp luật. Về hình thức thể hiện, hệ thống tải điện gây thiệt hại trái pháp luật qua các hình thức sau đây: (1) Tai nạn do sự cố tự thân của hệ thống tải điện (không tồn tại hành vi của con người mà chỉ cần có sự tác động của hệ thống tải điện xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác). (2) Không hành động gây thiệt hại (chủ sở hữu, người có liên quan đến hệ thống tải điện không tích cực trong việc kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng quá trình lắp đặt, đưa vào khai thác, vận hành, bảo quản, vận chuyển hệ thống tải điện, kết hợp với tính chất nguy hiểm cao của hệ thống tải điện và trong những hoàn cảnh cụ thể, đây sẽ là một phần nguyên nhân gây ra thiệt hại). (3) Hành động trái pháp luật của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật hệ thống tải điện (chiếm hữu, sử dụng hệ thống tải điện không dựa trên căn cứ pháp luật). (4) Các hành vi khác có liên quan đến việc gây thiệt hại của hệ thống tải điện (thực tiễn xét xử cho phép áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại ngay cả khi có sự tác động của hành vi trái pháp luật của con người). Về tính chất trái pháp luật, cần chứng minh rằng thiệt hại gây ra bởi hệ thống tải điện không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép.
Đối với thiệt hại thực tế, cần chứng minh hệ thống tải điện có thể gây ra thiệt hại về tài sản (Điều 589 BLDS năm 2015), thiệt hại về sức khỏe (Điều 590 BLDS năm 2015) và thiệt hại về tính mạng (Điều 591 BLDS năm 2015). Khi tài sản bị thiệt hại, người bị thiệt hại được bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại và những thiệt hại khác do luật quy định[5]. Khi sức khoẻ bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường: chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định[6]. Khi có thiệt hại về tính mạng, người bị thiệt hại được bồi thường: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 BLDS năm 2015; chi phí hợp lí cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định[7].
Đối với mối quan hệ nhân quả giữa việc gây thiệt hại trái pháp luật với thiệt hại thực tế, việc gây thiệt hại trái pháp luật của hệ thống tải điện là nguyên nhân xảy ra trước còn thiệt hại xảy ra sau là kết quả tất yếu của việc gây thiệt hại. Nếu không tồn tại hoặc không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả thì không thể áp đặt trách nhiệm BTTH cho chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hệ thống tải điện khi nguồn này gây thiệt hại cho chủ thể khác, đồng thời, chứng minh được mối quan hệ nhân quả còn có thể giúp loại trừ trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hệ thống tải điện nếu thiệt hại gây ra do nguyên nhân khác.
- Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ việc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hệ thống tải điện gây ra
Trong thực tế đời sống, hệ thống tải điện được gắn liền với nhà cửa, công trình xây dựng. Pháp luật Việt Nam tách bạch hai trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 601 BLDS năm 2015) và thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 605 BLDS năm 2015); cả hai trường hợp đều không yêu cầu điều kiện “lỗi” của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay nhà cửa, công trình xây dựng. Trường hợp điện rò rỉ gây thiệt hại thì áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nhưng trường hợp điện bị sự cố làm cháy nhà, gây thiệt hại cho người khác thì khó khăn trong việc lựa chọn áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay là trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Bởi lẽ, hệ thống tải điện bao gồm kết cấu bên ngoài và dòng điện chạy bên trong; kết cấu bên ngoài gắn liền với nhà cửa, công trình xây dựng còn dòng điện bên trong được cấp bởi một chủ thể khác, khi chủ thể này cung cấp điện cho chủ sở hữu nhà cửa, công trình xây dựng bằng một hợp đồng mua bán điện có hiệu lực pháp luật thì quyền sở hữu dòng điện bên trong ngôi nhà, công trình xây dựng được chuyển giao cho chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng đó.
Trường hợp áp dụng quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015 về BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì không cần xác định lỗi của chủ thể mà chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hệ thống tải diện có trách nhiệm bồi thường; nhưng nếu áp dụng quy định tại Điều 605 BLDS năm 2015 về BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thì chủ thể có thể chứng minh mình không có lỗi để không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Việc áp dụng hai điều luật này sẽ dẫn đến hệ quả khác nhau, đặc biệt là đối với căn cứ loại trừ trách nhiệm BTTH.
Tại vụ án Tổng Công ty Bảo hiểm B kiện đòi bị đơn là Công ty Q và Công ty T BTTH về tài sản do cháy gây ra. Công ty Q là chủ của một tổng kho chứa hàng tại Bình Dương (tổng kho Sacombank) cho Công ty T thuê khoán một phần diện tích riêng biệt để kinh doanh cho thuê kho hàng và đã giao toàn bộ khu vực trên (gồm diện tích thuê, cơ sở hạ tầng kỹ thuật) cho Công ty T quản lý, khai thác, sử dụng và tự chịu trách nhiệm. Công ty T cho Công ty M thuê lại phần diện tích kho trên để chứa phân bón. Công ty M ký hợp đồng bảo hiểm với Tổng Công ty Bảo hiểm B để bảo hiểm thiệt hại hàng hóa trong kho do sự kiện cháy và các rủi ro đặc biệt. Sau khi kho hàng của Công ty M bị cháy do sự cố chập điện, Tổng Công ty Bảo hiểm B đã thanh toán tiền bảo hiểm cho Công ty M, sau đó, khởi kiện đòi Công ty Q và Công ty T liên đới BTTH về tài sản do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Bản án dân sự sơ thẩm số 848/2017/DS-ST ngày 08/8/2017 của Tòa án nhân dân Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án không chấp nhận yêu cầu của Tổng Công ty Bảo hiểm B về việc yêu cầu Công ty Q và Công ty T trả số tiền BTTH. Ngày 21/8/2017, Tổng Công ty Bảo hiểm B có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định rằng vấn đề cần xem xét là bên thứ ba có hành vi trái pháp luật hay không. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sự cố chạm chập điện. Hệ thống điện tại thời điểm kiểm tra được tách riêng biệt giữa nguồn điện chiếu sáng bảo vệ và nguồn điện sản xuất đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định. Tòa án nhận định rằng sự cố hỏa hoạn xảy ra ngày 12/4/2013 là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng không xuất trình được chứng cứ nào khác để chứng minh vụ hỏa hoạn là do lỗi của bị đơn. Do đó, Tòa án bác đơn kiện của Tổng Công ty Bảo hiểm B, Công ty Q và Công ty T không có trách nhiệm BTTH cho Tổng Công ty Bảo hiểm B.
Trong vụ án trên, cần xác định nguồn nguy hiểm cao độ này đang thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng của chủ thể nào để xác định trách nhiệm BTTH và trách nhiệm BTTH phát sinh trong hay ngoài hợp đồng, cụ thể là cần phải xác định được vị trí của mạch điện và vị trí chập điện ở trong kho hay ngoài kho.
Nếu hệ thống tải điện là công trình độc lập, tách rời, nằm ngoài kho hoặc vị trí chập mạch điện từ trong kho nhưng đường dây điện là hệ thống độc lập cung cấp năng lượng riêng cho các hoạt động của kho, vẫn thuộc quyền quản lý, khai thác của bên cho thuê kho, thì đây là trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra một cách độc lập cho tài sản của người khác nên phát sinh trách nhiệm BTTH, do đó, chủ sở hữu kể cả khi không có lỗi thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Nếu hệ thống tải điện là một phần của kho, bên cho thuê đã giao kho và bàn giao cả hệ thống điện kèm theo cho bên thuê thì bên thuê có trách nhiệm tự bảo quản, khai thác, sử dụng điện đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tự gánh chịu thiệt hại do hệ thống tải điện gây ra, do đó, trong quá trình sử dụng nếu điện gặp sự cố, gây thiệt hại cho hàng hóa trong kho thì đây được xem là rủi ro đối với tài sản của bên thuê nên bên thuê không thể đòi BTTH.
Tại vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm 56 người chết. Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch đường dây dẫn điện vào bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga), lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh gây ra hoả hoạn. Trong vụ án này, xe mô tô là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, là một nguồn nguy hiểm cao độ, thiệt hại là do chập mạch đường dây dẫn điện của xe mô tô. Hệ thống điện cũng là một nguồn nguy hiểm cao độ, bị tác động nên gây ra hoả hoạn. Tuy nhiên, thời điểm này xe mô tô không hoạt động.
Trong vụ án này, chủ sở hữu tòa chung cư cho rằng ông đã bán các căn hộ trong chung cư cho những người khác. Căn cứ Điều 12 Luật Nhà ở năm 2014, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Giao dịch này phải tuân thủ các điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014. Theo quy định tại Điều 118 Luật Nhà ở năm 2018 thì một trong các điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch là nhà ở phải có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật; khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở. Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện chung cư trên vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Dù được cấp phép 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình này lên đến 9 tầng, với diện tích khoảng trên 200m2. Giấy phép là nhà riêng lẻ, nhưng sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Có thể thấy rằng chủ sở hữu toà nhà trên đã vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, do đó, không được công nhận quyền sở hữu và không đủ điều kiện tham gia giao dịch. Như vậy, mặc dù người dân sinh sống trong toà nhà đã thanh toán đủ tiền cho chủ đầu tư thì cũng không phát sinh quyền sở hữu đối với những người đã chuyển tiền mua căn hộ. Do đó, khi thiệt hại xảy ra, trách nhiệm BTTH vẫn thuộc về chủ đầu tư là chủ sở hữu toà nhà.
Tuy nhiên, quy định pháp luật trong trường hợp này còn chưa rõ ràng ở chỗ là: toà nhà được cấp phép 6 tầng nhưng chủ đầu tư đã xây thành 9 tầng. Như vậy, cả 9 tầng đều không được công nhận quyền sở hữu hay là chỉ không công nhận đối với những tầng phát sinh ngoài giấy phép.
Trường hợp các căn hộ thuộc 6 tầng được cấp phép thì các căn hộ này đủ điều kiện giao dịch, quyền sở hữu thuộc về những người sống ở các căn hộ ở 6 tầng được cấp phép, như vậy không phát sinh trách nhiệm BTTH vì chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ thuộc quyền sở hữu của mình gây ra.
- So sánh với quy định pháp luật của Cộng hoà Pháp, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hệ thống tải điện gây ra
Pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp quy định 03 trường hợp khác nhau về BTTH không do người gây ra, bao gồm: BTTH do vật gây ra, BTTH do động vật gây ra và BTTH do bất động sản gây ra, không có quy định riêng biệt về trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường mà trong trường hợp này sẽ áp dụng quy định về trách nhiệm BTTH do vật gây ra được quy định tại đoạn thứ nhất Điều 1242 Bộ luật Dân sự Pháp, cụ thể như sau: “Một người không chỉ chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà mình gây ra do hành động của chính mình, mà còn về những thiệt hại do hành động của những người mà mình phải đáp lại, hoặc về những thứ mà mình đang coi giữ”[8]. Như vậy, pháp luật của Cộng hòa Pháp cũng quy định trách nhiệm BTTH do vật gây ra nói chung không dựa trên điều kiện lỗi của chủ thể, nếu vật mà một người đang coi giữ (bao gồm cả vật bình thường và nguồn nguy hiểm cao độ) gây thiệt hại thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Về bất động sản, Điều 1244 Bộ luật Dân sự Pháp quy định chủ sở hữu của một tòa nhà phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sự đổ nát của nó, khi nó xảy ra do thiếu bảo trì hoặc do lỗi xây dựng của nó. Bộ luật dân sự của Pháp xem thiệt hại do cháy (cháy nhà, cháy các đồ vật) là một trường hợp ngoại lệ của trách nhiệm BTTH do vật gây ra. Người chủ sở hữu, với bất kỳ tư cách nào, toàn bộ hoặc một phần tòa nhà hoặc động sản xảy ra hỏa hoạn sẽ chỉ chịu trách nhiệm với bên thứ ba đối với thiệt hại do hỏa hoạn này gây ra nếu được chứng minh rằng nó gắn với lỗi của người sở hữu hoặc lỗi của những người mà chủ sở hữu chịu trách nhiệm[9].
Điều này cho thấy rằng pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp quy định tương tự như pháp luật dân sự Việt Nam về điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do vật gây ra không yêu cầu phải chứng minh yếu tố “lỗi”, nhưng đối với trách nhiệm BTTH do hỏa hoạn, bất động sản gây ra thì cần phải chứng
“lỗi” là một trong những điều kiện phát sinh trách nhiệm BTTH do hỏa hoạn, bất động sản gây ra, trong khi đó, trách nhiệm BTTH do vật gây ra được phát sinh ngay cả khi không có “lỗi”.
Tóm lại, hệ thống tải điện phục vụ sinh hoạt được xác định là một nguồn nguy hiểm cao độ, gắn liền với nhà cửa, công trình xây dựng và tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại rất cao. Cần có văn bản hướng dẫn hoặc án lệ để xác định tính độc lập hoặc phụ thuộc của hệ thống tải điện với nhà ở, công trình xây dựng; bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp hệ thống điện bị chập gây cháy nhà, kéo theo thiệt hại cho bên thuê nhà hoặc những người xung quanh thì sẽ phát sinh trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hệ thống điện hay là trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nhà ở, công trình xây dựng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện việc sửa đổi Luật Đất đai, tiến hành sửa đổi Luật Nhà ở nhằm quy định chặt chẽ hơn về tính chất pháp lý của căn hộ mini; trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng và tiêu chuẩn, điều kiện đối với căn hộ mini; đặc biệt là yêu cầu về lắp đặt, trang bị các vật dung, thiết bị phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm… trong căn hộ mini./.
[1] Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
[2] Khoản 24 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương quy định hệ thống điện truyền tải.
[3] Khoản 34 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương quy định hệ thống điện truyền tải.
[4] Khoản 54 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công thương quy định hệ thống điện truyền tải.
[5] Việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[6] Việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[7] Việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[8] République Française (2023), Code Civil, Article 1242,
https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000032021488/#LEGISCTA000032021488 (20/8/2023).
[9] République Française (2023), Code Civil, Article 1242, paragraphe 2,
https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000032021488/#LEGISCTA000032021488 (20/8/2023).
ThS. Nguyễn Hà Trang – Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế – Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh
Vân Nguyễn – Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Manda Real