More
    HomeThư bạn đọcLuận giải chuyện Thần Kim Quy và sự tiếp nối bản sắc...

    Luận giải chuyện Thần Kim Quy và sự tiếp nối bản sắc dân tộc sau hơn nghìn năm khuất bóng

    Luận giải chuyện Thần Kim Quy và sự tiếp nối bản sắc dân tộc sau hơn nghìn năm khuất bóng.

    Trong các hình tượng thần thoại trong tích cổ, Thần Kim Quy là một nhân vật đặc biệt chỉ xuất hiện đúng thời khắc trọng đại trong lịch sử đất nước Việt Nam. Sự xuất hiện của vị thần ấy chỉ được nêu lại trong hai huyền tích quan trọng của dân gian liên quan đến việc xây thành Cổ Loa (khoảng thế kỷ III TCN) và sự kiện trao trả gươm báu sau khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) khởi nghĩa thành công chống quân Minh xâm lược (1428). Thần Kim Quy luôn xuất hiện giúp nước, rồi lại rút lui khỏi tấm màn lịch sử mà để lại ẩn đố lớn về thân thế của thế lực thần bí này.

    1. Thần Kim Quy giúp Vua Thục – An Dương Vương:

    Trong Lĩnh Nam Chích Quái (1492) của Trần Thế Pháp có đề cập sự xuất hiện của thần Kim Quy: Thục Phán – An Dương Vương xây thành, mãi mà không xong. Cứ mỗi khi khởi công thì lại bị tinh Bạch Kê (Gà Trắng) quấy phá. Bỗng một cụ già tới hiến kế, Vua Thục mới mời được Thần Kim Quy đến từ phương Đông, khi ấy tự xưng là sứ Thanh Giang. Thần làm phép đuổi Gà tinh đến núi Thất Diệu thì nó biến mất. Sau đó, Vua Thục và Thần Kim Quy lên núi Việt Thường, Thần đấu phép giết được con quỷ tinh ấy. Thành xây nửa tháng thì xong, rộng hơn nghìn trượng, xoắn như trôn ốc, nên gọi là Loa thành. Sau Vua lại hỏi cách phòng bị thành trì, Thần Kim Quy tháo vuốt, trao Vua làm lẫy nỏ rồi trở về hướng biển Đông. Về sau Triệu Đà cử binh xâm lược, Vua đem nỏ ra bắn thì quân giặc rút chạy về núi Trâu, chống cự không được bèn xin hòa. Từ đó lấy sông Tiểu Giang làm ranh giới, Triệu Đà cai trị phía Bắc sông, Vua cai trị phía Nam.

    Như vậy, Kim Quy đã xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ III TCN, là một trong những thế lực hùng mạnh hỗ trợ cho An Dương Vương. Theo cố giáo sư sử học danh tiếng Trần Quốc Vượng, trong cuốn Theo Dòng Lịch Sử (1996) có nhắc đến: Vua Thục là thủ lĩnh của các bộ lạc Rùa hùng cứ vùng Đông Anh; Phía Đông giáp lãnh thổ các bộ lạc Rồng (danh cổ Thuồng Luồng) ở Long Biên; Phía Tây giáp lãnh thổ các bộ lạc Chim ở Mê Linh, thuộc các bộ lạc được cai trị bởi các Vua Hùng mà xưa kia định đô nhà nước Văn Lang ở miền Bạch Hạc, Việt Trì (Phú Thọ). Sự trỗi dậy của bộ lạc Rùa nhờ tìm ra và khai thác các khoáng sản kim loại dẫn đến sự bành trướng về dân số và lãnh thổ; trên thực tế là sự lấn chiếm và thôn tính đất đai đối với hai nhóm bộ lạc còn lại. Sau này, tướng nhà Tần là Triệu Đà tiến quân từ phương Bắc đến chinh phục các bộ lạc Rồng, dẫn đến sự liên hợp của bộ lạc Chim và bộ lạc Rùa. Nhưng chính trong sự liên hợp này, liên minh những bộ lạc người Việt đã có sự xoay chuyển quyền lực khi Vua Thục lật đổ ngôi Vua Hùng và tiến đến vị trí tối cao.

    Một tác phẩm khác của giáo sư Vượng là cuốn Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử (1970), có nhắc đến chuyện Vua Thục trước kia từng ở kinh đô của các Vua Hùng. Nhưng với tham vọng mở mang bờ cõi ở miền đồng bằng mà không chỉ thu mình ở các vùng núi như các đời Vua Hùng cũ; có lẽ một phần cũng để giảm bớt sức ảnh hưởng của các quý tộc nhà Hùng đã lâu dài thẩm thấu ở vùng Việt Trì. Do đó, Vua Thục quyết định đi ngược lại truyền thống cũ, dời đô đến vùng Klũ hay Kẻ Lũ (Cổ Loa ngày nay); nội bộ nước Âu Lạc sơ khai vẫn chìm trong sóng ngầm lục đục chính trị. Cho nên chuyện xưa cũng nhắc đến chuyện tinh Bạch Kê và núi Thất Diệu. Ngày nay, đỉnh núi Thất Diệu có Miếu thờ thần Bạch Kê, bên cạnh Đền Núi (trên núi Đồn) thuộc địa phận thôn An Ninh ở khu vực trung tâm xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Khi xưa, nhân dân địa phương thường gọi Thần Bạch Kê là Bà Chúa Sơn. Các bộ lạc thị tộc từ thời Vua Hùng thường lấy các con vật làm huy hiệu cho bộ tộc của mình. Theo Việt điện u linh (1329) của Lý Tế Xuyên, An Dương Vương có biểu tượng tinh Gà Vàng, các Lạc hầu là tinh Vượn trắng, Cao Lỗ (tướng của An Dương Vương, người sáng tạo nỏ liên châu) là tinh Rồng Đá… Vậy Bạch Kê là một bộ lạc bản địa (rất có thể là một bộ tộc mẫu hệ), giỏi thuật phù thủy, thuộc các bộ lạc Chim, đại diện các quý tộc nhà Hùng cũ quấy rối Vua Thục xây thành.

    Thông qua bô lão tiến cử, Kim Quy hẳn phải là một nhánh thế lực của bộ lạc Rùa, đến giúp Vua Thục tiêu diệt bộ lạc Bạch Kê. Xét đến thời điểm Loa thành xây dựng là vào cuối thời kỳ đồ đá và bắt đầu thời kỳ đồ đồng, “Kim Quy” ở đây hẳn là “Rùa Sắt” hay dịch thô là “Rùa Kim Loại” (có lẽ chữ “Kim” là cách người Việt cổ gọi chung các nhóm kim loại). Cho nên Kim Quy ắt hẳn phải là nhóm bộ lạc nắm giữ công nghệ luyện kim, rèn kim loại. Sau khi tiêu diệt tộc Bạch Kê, Kim Quy cũng giúp Vua Thục làm đồ sắt và xây Loa thành. Tháng 6 năm 1959, các công nhân khi đắp đường từ Quốc lộ 3 đi qua di tích Cổ Loa đã vô tình khám phá ra kho tàng vũ khí của nước Âu Lạc cổ tại khu Cầu Vực. Các nhà khảo cổ xác nhận có gần một vạn mũi tên đồng và những chiếc lẫy nỏ bằng đồng. Người Âu Lạc đã có những kỹ thuật nung chảy, đúc khuôn và mài sắc trong quá trình sản xuất các vật dụng kim loại và chế tạo vũ khí. Nếu như đề cập đến tầm quan trọng nghề luyện kim vào thời điểm đó, những bí thuật luyện kim sẽ chỉ được truyền cho các huyết thống trực hệ các quý tộc của bộ lạc.

    Những câu chuyện sau đó là sự sụp đổ của Âu Lạc mà ai cũng thuộc: Mị Châu rơi vào lưới tình với Trọng Thủy mà để lộ bí mật nỏ thần. Từ đó Vua Thục đánh trận thua Triệu Đà, tháo chạy về phương Nam. Mị Châu ngồi sau Vua cha, làm rách áo choàng, đem lông ngỗng trải đường để Trọng Thủy truy dấu mà đuổi. Đến bờ biển Đông, Vua thấy Thần Kim Quy nói: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”. Vua quay lại chém chết Mị Châu rồi theo Thần Kim Quy mất tích từ đó.

    1. Thần Kim Quy lại “hiển linh” giúp Vua Lê Lợi đánh giặc:

    Phải mãi tới hơn 1600 năm sau, Thần Kim Quy lại tái xuất trong câu chuyện Hồ Hoàn Kiếm. Vào thời Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa (1418), có một người làm nghề đánh cá tên Lê Thận vô tình vớt được thanh kiếm lạ bèn để góc nhà. Sau này theo nghĩa quân đi kháng chiến, sử ghi lại Lê Thận trở thành bạn của Lê Lợi, từng một lần mời Vua Lê ghé nghỉ lại tại nhà. Khi vào nhà thì cả Lê Lợi và các chủ tướng vô tình thấy thanh gươm phát ra hào quang sáng chói. Nhìn gần thì thấy gươm có khắc hai chữ Thuận Thiên. Lại một thời gian sau, nghĩa quân bị bại trận, Lê Lợi chạy vào rừng, lại thấy một chuôi gươm nạm ngọc trên cành cây. Đem về nhà Lê Thận, ướm thử thì gươm và chuôi vừa khít. Lê Thận và mọi người cho là điềm lành, liền xin Lê Lợi dùng gươm mà đánh giặc. Kể từ đó, nghĩa quân đánh đâu thắng đó, đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi, muôn dân thái bình. Lê Lợi lên ngôi Vua lập ra nhà Lê (mà sử ta hay gọi là thời Hậu Lê). Rồi một ngày khi đang cùng triều thần đi chơi hồ Lục Thủy ngắm cảnh, Thần Kim Quy trồi lên mặt hồ xin Vua trả kiếm. Từ đó, hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

    Ngày nay, Đền Thượng ở Cổ Loa mà người ta hay quen gọi là Đền thờ An Dương Vương đang đứng trên nền đất từng được cho là nội cung kinh đô Âu Lạc ngày trước. Dù không biết được ai xây nên từ bao giờ, đền có những dấu tích thời gian truy về thế kỷ 17-18. Ngôi đền như một sự tưởng nhớ về một thời huy hoàng đã qua, mang theo một niềm tiếc nuối của người xây nó. Đặc biệt, bên trong đền có nhà mái che (nhà bia) chứa năm bia đá lớn. Đặc biệt là tấm bia ở giữa trông như trụ đá lớn gọi là tấm bia trụ. Các tấm bia đã có từ thời Hậu Lê, ghi chép lại lịch sử từ thời An Dương Vương cho đến thời Vua Ngô (Ngô Quyền). Đó đều là những vị quân chủ từng hùng cứ ở đất Cổ Loa xưa. Có lẽ chăng đền Thượng được Lê Thái Tổ hay đời sau của ông dựng nên? Để tưởng nhớ công ơn của một ai đó? Ông bà ta kể An Dương Vương và Thần Kim Quy biến mất ở phía Đông hướng biển. Mà đất Kẻ Cham, Thanh Hóa nơi Lê Lợi khởi nghĩa xưa chỉ cách biển khoảng 20km. Vậy có lẽ nào bộ tộc Kim Quy và Vua Thục đã mai danh ẩn tích ở gần đó.

    Theo sử chép, Lê Lợi ban đầu khởi nghĩa ban đầu thất bại, phải rút vào núi Chí Linh (1421). Quân đội thiếu thốn lương thực mà cầm cự bằng rau củ và măng tre; Lê Lợi cũng phải giết cả voi và ngựa chiến của mình để nuôi quân. Sau đó, Lê Lai liều mình cứu chúa, lưu lại tiếng thơm muôn thưở. Ngay năm sau, Lê Lợi “lấy lùi làm tiến” giảng hòa với quân Minh (1422). Và chỉ sau một năm, lực lượng của Lê Lợi “thần kỳ” trưởng thành, đánh đâu thắng đó (1423). Vẫn chưa có bất cứ ghi chép nào về chuyện nghĩa quân đã trải qua những gì trong vòng hai năm ngắn ngủi đó. Nhưng để tài trợ cho quân kháng chiến không chỉ đơn thuần huy động từ sức dân. Những thứ như lương thực, quần áo, vũ khí, chiến mã… đều phải là một khối tài sản tích góp từ lâu mà có. Liệu đằng sau điều thần kỳ này là sự trợ giúp của một thế lực nào đó đã ẩn nấp trong các vùng núi xứ Bắc từ ngàn xưa? Ta chỉ biết rằng có một đền Thượng in bóng từ xa xưa và một truyền thuyết nổi lên trong dân gian có hình tượng Thần Kim Quy chỉ hiện vào phút cuối. Từ đó, người Việt chính thức thoát khỏi cái danh Giao Chỉ, xiềng xích của kẻ cai trị phương Bắc. Cũng từ đây người Việt lại một lần nữa giành được độc lập, một lần nữa viết nên những trang sử mới cho chính mình và khởi đầu với cái tên đất nước Đại Việt.

    1. Sự truyền lửa văn minh giữa thời đại cũ và mới:

    Thường biết chuyện cổ một phần là những câu chuyện thêu dệt nên do trí tưởng tượng của con người; phần khác chính là những ẩn ý chính trị mà những người cai trị thời xưa giấu vào đó mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Ta không được biết cặn kẽ cuộc gặp mặt giữa Thần Kim Quy và Lê Thái Tổ tại hồ Tả Vọng. Nhưng câu chuyện dường như đem toàn bộ sự thành công của cả cuộc kháng chiến quy về một vị thần xa xưa. Ấy thế mà Lê Thái Tổ lại không tự nhận công về mình và chủ động để các truyền ngôn phát tán trong dân. Đó là một nước đi chính trị không thường thấy của một kẻ quân chủ. Liệu ẩn tình trả kiếm có chăng giống như giáo sư Vượng trong Theo Dòng Lịch Sử đã đề cập, là một nghi lễ cổ xưa chung của các nền văn hóa vùng Đông Nam Á? Lưỡi gươm tượng trưng cho lửa, rơi vào nước tượng trưng cho sự hòa hợp nước – lửa, biểu trưng cho sự phồn thực. Trong ngữ cảnh đó, Thần Kim Quy – vị tư tế đại diện cho nền văn minh xa xưa; và Vua Lê Lợi – vị anh hùng của thời đại mới; là sự tiếp nối văn minh Việt cổ sau hơn nghìn năm khuất bóng; nay trở lại với dân gian Việt trong hình hài mới, truyền thuyết mới và tiếp nối vào văn minh của tương lai.

         Theo Bùi Trí Hiếu/ Tạp chí Truyền thống và Phát triển tháng 4/2024

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img