Bài thơ Tròn một chữ tâm (2003) Giáo sư Vũ Khiêu làm theo thể thơ Đường, câu chữ ghép trong khuôn khổ hạn chế nhưng lại chất chứa tình cảm sâu nặng, đẹp đẽ, phong phú về tình bạn tri kỷ, tri âm của tác giả với Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.
Hai Giáo sư cách nhau của 10 tuổi, Giáo sư Vũ Khiêu (sinh năm 1916), Giáo sư Nguyễn Lân (sinh năm 1906). Đây là hình ảnh về tình bạn vong niên hiếm có của hai bậc trí thức cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.
Suốt cả cuộc đời, hai Giáo sư dồn tâm huyết và sức lực xông pha trên mọi nẻo đường đất nước, mong làm tròn một chữ Tâm đối với Tổ quốc, nhân dân, góp phần vào sự phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục nước nhà.
Hai câu đề bài đã nêu rõ:
Tình bạn vong niên trải tháng năm
Tôi gần chín chục bác gần trăm
Là đôi bạn vong niên thủy chung gắn bó từ thời trai trẻ, đến tuổi thượng đại thọ, nhưng hai vị đều không cam phận lão giả an chi, lão lai tài tận mà càng già, càng dẻo, càng dai, kiên trì tu dưỡng cho sức khỏe tráng kiện, tâm hồn trí tuệ minh mẫn và tiếp tục cống hiến cho đời. Hai câu thực đã nêu bật được cuộc đời hoạt động và nét đẹp nhân cách của đôi bạn vong niên:
Dãi dầu sương tuyết đồi thân trúc
Vương vấn giang sơn một ruột tằm
Hai câu thơ đối ý, đối từ, bổ sung và đối xứng với nhau, phác thảo hành trình hoạt động vất vả, dầm mưa dãi gió của đôi bạn già cả, đồng thời nêu bật trí quyết tâm và lòng ưu ái đối với giang sơn đất nước.
Mặc dầu hai Giáo sư thực sự được coi như hai cây đại thụ của cánh rừng văn hóa – giáo dục đất nước, nhưng tác giả bài thơ chỉ coi mình như đôi thân trúc khẳng khiu mà mềm dẻo, vươn thẳng chống chọi với nỗi vất vả của cuộc sống dãi dầu sương tuyết.
Hai câu thực của bài thơ đã khái quát được vẻ đẹp lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu nghề nghiệp và ý chí kiên trung phấn đấu vì sự nghiệp văn hóa giáo dục của đôi bạn vong niên.
Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Vũ Khiêu đã được Nhà nước giao phó chức vụ Giám đốc Sở Thông tin các khu 10, khu 14, khu Tây Bắc, khu Việt Bắc. Cùng thời gian đó, Giáo sư Nguyễn Lân cũng làm Giám đốc Sở Học chính Trung bộ, rồi Giám đốc Giáo dục liên khu 10, Giám đốc Giáo dục khu Việt Bắc (1949-1951). Năm 1956, Giáo sư Vũ Khiêu được điều về Hà Nội làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Việt Nam Thông tấn xã rồi trở thành Giáo sư Triết học của trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học.
Về Giáo sư Nguyễn Lân, sau Cách mạng Tháng Tám giữ chức Giám đốc Sở Học chính Trung Bộ. Năm 1951, Giáo sư sang Trung Quốc dạy trường Sư phạm cao cấp tại khu học xá Nam Ninh. Năm 1956, Giáo sư được điều về Hà Nội dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ nhiệm Khoa Tâm lý – Giáo dục cho đến khi về hưu.
Thầy còn tham gia hoạt động văn hóa – giáo dục – xã hội rất tích cực và rất hiệu quả: Hội trưởng hội văn hóa Trung Bộ, Hội trưởng Hội Liên Việt khu 10, ủy viên thường vụ Đảng xã hội Việt Nam. Ngay khi ở tuổi 95, 97 thầy vẫn hoạt động với chức vụ ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chủ nhiệm Báo Khuyến học…
Nét đẹp đáng tôn vinh của hai Giáo sư là nét đẹp kiên trung của hai nhân cách lớn: dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ nào, hai Giáo sư vẫn giữ được bản lĩnh vươn thẳng và dẻo dai, bền bỉ như dáng dứng cây trúc Việt Nam để bảo vệ và xây dựng Đất nước theo chức trách và nghề nghiệp của mình. Tuy chức nghiệp của hai Giáo sư khác nhau nhưng công lao to lớn đóng góp cho xã hội thật vẻ vang giống nhau.
Hai câu luận của bài thơ Tròn mội chữ tâm khắc họa sâu hơn về nét đẹp rạng rỡ của nhân cách đôi bạn vong niên hiếm có:
Giáo dưỡng không rời gương chính khí
Tu tề chẳng thẹn khách Nho lâm
Việc nuôi nấng dạy dỗ, tự học không xa rời gương chính khí, gương những anh hùng hào kiệt, những tấm lòng khoan dung, độ lượng, tính tình cao thượng, ý chí kiên cường.
Việc tu thân và xây dựng nền nếp gia phong, gia giáo đã thành đạt, không thẹn với khách văn chương nho nhã. Đây là hai nét nhân cách cao thượng mà không phải nhà trí thức nào cũng đạt được nhất là trong hoàn cảnh đang nảy sinh những nguy cơ xã hội len lỏi, thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống. Thực tiễn cuộc đời hoạt động của hai Giáo sư cũng như thực tiễn đó được phản ánh tường minh trong các tác phẩm thơ văn, các công trình nghiên cứu khoa học đã giúp ta nhận rõ hơn sự thành đạt của hai Giáo sư trong lĩnh vực tự học, tu dưỡng đạo đức, xây dựng truyền thống gia phong, gia giáo đến độ hoàn thiện mẫu mực, không thẹn với khách làng nho, giới văn nhân.
Tóm lại, qua bài thơ Tròn một chữ tâm của Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tặng Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, bằng ngôn từ hàm súc, trang trọng và khiêm tốn, tác giả đã nêu bật vẻ đẹp nhân cách rạng rỡ của đôi bạn vong niên: Vượt qua gian khổ khó khăn, phát huy bản lĩnh cách mạng vững vàng, đề cao lòng yêu nước nồng nàn, phục vụ tận tụy nhân dân, nêu gương chính khí trong việc giáo dục, dạy học, tự học, kiên trì rèn luyện đạo đức, phát triển tài năng, quyết tâm tu thân, tề gia để xứng đáng là người trí thức mới, mẫu mực của đất nước.
Điều mấu chốt có tính chủ dạo trong rèn luyện, tu dưỡng, phát triển tài năng và cũng là điều nguyện ước của tác giả – GS Vũ Khiêu là học tập theo gương Giáo sư đàn anh Nguyễn Lân, nguyện còn sống ngày nào thì còn cố gắng lo tròn một chữ tâm để tu thân, tề gia, phục vụ đât nước, sánh vai với thiên hạ bốn phương như câu kết của bài thơ.
Trời còn thêm tuổi ông Bành mãi
Học bác xin tròn một chữ tâm
Chúng tôi tuy đã trên tuổi “cổ lai hy” nhưng vô cùng xúc động về bài thơ Tròn một chữ tâm của Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, xin hứa sẽ học tập, tu dưỡng nhiều hơn nữa theo tấm gương sáng ngời của hai Giáo sư mẫu mực.
Bạn cao niên, rạng rỡ đức tài
Bậc trí thức vẻ vang phúc thọ
Sau đây là mấy bài thơ trao đổi giữa Giáo sư Nguyễn Lân và Giáo sư Vũ Khiêu còn được lưu lại:
MỪNG THỌ ÔNG BẠN VŨ KHIÊU
GS.Nguyễn Lân
Tuổi thọ mừng ông đúng tám mươi,
Đã xa tuổi hiếm ở trên đời!
Xưa trên Việt Bắc luôn hăng hái,
Nay tại Hà thành vẫn thảnh thơi.
Văn hóa đường dài đi chẳng mỏi,
Nho phong nếp cũ giữ không dời!
Kim lan từ trước không suy chuyển:
Nghĩa nặng, tình sâu sẵn tuyệt vời!
1995
TRÒN MỘT CHỮ TÂM
GS.Vũ Khiêu
Tình bạn vong niên trải tháng năm
Tôi gần chín chục, bác gần trăm
Dãi dầu sương tuyết đôi thân trúc
Vương vấn giang sơn một ruột tằm
Giáo dưỡng không rời gương chính khí
Tu tề chẳng thẹn khách Nho lâm
Trời còn thêm tuổi ông Bành mãi
Học bác xin tròn một chữ TÂM.
2003
Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Như An
Nguồn: Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 9 tháng 9 năm 2024