More
    HomeThư bạn đọcNgành Văn hóa và những đóng góp vào sự phát triển của...

    Ngành Văn hóa và những đóng góp vào sự phát triển của đất nước

    Cách đây 78 năm, ngày 28.8.1945, Bộ Thông tin, Tuyên truyền – tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra đời. Từ đó đến nay, ngành văn hóa đã không ngừng xây dựng, phát triển và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

    Những năm gần đây, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu khó lường, sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… càng làm nổi rõ vai trò, sứ mệnh, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của quốc gia.

    “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, không thể phủ nhận ngành văn hóa đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung

    Cùng với những thành tựu khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khi “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, không thể phủ nhận ngành văn hóa đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung.

    Trước hết, thể chế, cơ chế, chính sách về văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Hệ thống luật pháp liên tục được xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung (Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệLuật Du lịchLuật Thư viện, Luật Quảng cáoLuật Phòng, chống bạo lực gia đình… ). Các văn bản dưới luật được rà soát, cụ thể hóa, bám sát thực tiễn, góp phần tháo gỡ vướng mắc, khai thông các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển văn hóa.

    Con người Việt Nam – chủ thể phát triển văn hóa, luôn được quan tâm bồi dưỡng, không chỉ về trí tuệ, đạo đức, nhân cách, lối sống, mà cả về thể chất, tầm vóc, năng lực mỹ cảm, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Các giá trị văn hóa truyền thống được tiếp tục củng cố, bên cạnh nhiều chuẩn mực đạo đức mới hình thành. Tinh thần dân chủ trong toàn xã hội được nâng lên, tính tích cực, năng động, sáng tạo của công dân được phát huy, tài năng, năng lực cá nhân được khuyến khích. Lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, sẻ chia vẫn là những giá trị chủ đạo thể hiện tính nhân văn của con người Việt Nam. Cả nước cưu mang giúp đỡ đồng bào vùng bão lụt, thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, những cảnh đời bất hạnh; tinh thần tương thân tương ái thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19…

    Ngành văn hóa đã không ngừng xây dựng, phát triển và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay

    Môi trường văn hóa được quan tâm xây dựng và củng cố. Văn hóa gia đình, gia phong, nếp nhà được vun đắp, duy trì, góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Văn hóa học đường ngày càng được quan tâm chú trọng, bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng đã chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tạo dựng những công dân tốt cho tương lai. Môi trường văn hóa trong các cộng đồng, đơn vị dân cư có nhiều biến chuyển. Các hủ tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và nông thôn ngày càng lan tỏa. Đời sống văn hóa cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các giá trị tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy, giúp mọi người hướng tới cuộc sống thiện lành, khoan dung, bác ái.

    Hệ thống các thiết chế văn hóa từ Trung ương tới địa phương được đầu tư, tôn tạo, nâng cao chất lượng hoạt động. Các nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể thao, bảo tàng, thư viện… trở thành những sân chơi hữu ích, góp phần lành mạnh hóa lối sống của người dân, giảm bớt các tệ nạn xã hội.

    Sự nghiệp văn học, nghệ thuật có sự phát triển khởi sắc, góp phần dân chủ hóa xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, bồi bổ tâm hồn, hướng con người tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Đời sống âm nhạc của đất nước ngày càng sôi động, tươi mới, đáp ứng thế giới tâm hồn tinh tế, đa chiều của con người hiện đại. Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, kinh doanh đã chú ý đến mọi lứa tuổi, mọi nhu cầu, thị hiếu, phân khúc công chúng, đưa tới sức trẻ và những nguồn năng lượng mới. Các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam bắt đầu có khát vọng chinh phục khán giả ngoại, ghi tên trên bản đồ âm nhạc thế giới. Nghệ thuật biểu diễn ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, từ các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đến các chương trình, vở diễn, dạng thức trình diễn mới. Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các liên hoan sân khấu, liên hoan xiếc, múa rối, liên hoan âm nhạc quốc tế uy tín, hay nơi tổ chức các show diễn của các nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới.

    Những đứa trẻ trong sương- bộ phim Việt Nam gây tiếng vang tại nhiều liên hoan phim quốc tế

    Lĩnh vực điện ảnh đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ với nội dung phong phú hơn, đề tài hấp dẫn hơn, bám sát cuộc sống hơn, các nhà làm phim có nghề, bài bản, chuyên nghiệp hơn. Thị trường điện ảnh phát triển mạnh giúp kéo khán giả quay lại rạp, đồng thời mở rộng giao lưu, hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới. Tính cách đa dạng, táo bạo của nhiều bộ phim mang lại sắc màu mới cho điện ảnh dân tộc, tạo dư luận sôi nổi cả trong giới chuyên môn lẫn người xem (Cánh đồng bất tậnTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhBố già, Nhà bà Nữ…). Doanh thu các phim Việt có sự bứt phá, một số phim đạt doanh thu ấn tượng, thậm chí vượt xa các phim “bom tấn” ngoại. Nhiều phim Việt Nam lên đường “xuất ngoại”, chinh phục khán giả nước ngoài và đạt giải thưởng cao trong các Liên hoan phim quốc tế danh giá (Tro tàn rực rỡ, Bên trong vỏ kén vàng, Chơi vơi, Đập cánh giữa không trung, Những đứa trẻ trong sương…).

    Đời sống mỹ thuật cũng có nhiều biến chuyển, nổi bật là không khí cách tân trong sáng tạo, thưởng thức, tiêu dùng ở mọi phong cách và loại hình. Nở rộ các triển lãm hội họa, điêu khắc, đồ họa trong nước và quốc tế, thu hút giới mỹ thuật thế giới đến Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội để mỹ thuật Việt Nam quảng bá ra thế giới. Hàng loạt gallery xuất hiện là dấu hiệu mới của hoạt động sáng tạo và kinh doanh mỹ thuật, dẫn đến hình thành một thị trường mỹ thuật đích thực, mở ra một không gian mới cho mỹ thuật nước nhà phát triển.

    Tất cả những điều đó góp phần tạo tiền đề, điều kiện cần và đủ để chúng ta có thể phát triển công nghiệp văn hóa, biến văn hóa từ một ngành chủ yếu thực hiện các chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ chuyển sang thực hiện cả các chức năng giải trí, kinh tế, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Theo thống kê, đến năm 2019, trước đại dịch COVID-19 các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp 3,61% vào GDP và dự kiến con số này sẽ đạt 7% vào năm 2030.

    Những di sản tiêu biểu như Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Quần thể danh thắng Tràng An, Vịnh Hạ Long… hằng năm đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách quốc gia

    Hệ thống di sản văn hóa cũng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Đến nay Việt Nam có 32 di sản được UNESCO ghi danh (8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu) và hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt, hàng ngàn di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể trải rộng trên cả nước. Những di sản tiêu biểu như Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Quần thể danh thắng Tràng An, Vịnh Hạ Long… hằng năm đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách quốc gia. Di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô tận thúc đẩy phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Ngành văn hóa trong những năm qua cũng có đóng góp lớn lao góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Sự chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, sự hiện diện tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quốc tế lớn đã tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Văn hóa trở thành cầu nối, sứ giả hòa bình xích gần các dân tộc, hóa giải mâu thuẫn, thúc đẩy xúc tiến du lịch. Thông qua văn hóa các hình thức văn hóa đối ngoại đa dạng được thực hiện, đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

    Đội ngũ cán bộ ngành văn hóa ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực quản lý, sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giảng dạy về văn hóa nghệ thuật từng bước được nâng cao, không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Ngành cũng kịp thời tận dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

    Công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, đầu tư trong và ngoài nước ngày càng đẩy mạnh. Hợp tác công – tư có bước đột phá, nhất là trong điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, tu bổ tôn tạo di tích, xây dựng khu vui chơi, giải trí, cơ sở hạ tầng du lịch…

    Trong thời gian tới, ngành văn hóa cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đưa văn hóa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới (ảnh minh họa)

    Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào nêu trên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn.

    Quá trình thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước còn chậm. Tuổi thọ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn ngắn, chưa theo kịp sự biến động mau lẹ của thực tiễn. Việc tổ chức thực hiện còn yếu, hiệu lực, hiệu quả chưa thực sự cao.

    Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được khắc phục và đẩy lùi, các biểu hiện tiêu cực trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Chức năng giáo dục của văn hóa chưa được khai thác tốt để tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng con người.

    Chất lượng xây dựng môi trường văn hóa còn nhiều hạn chế. Văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa trong các thiết chế xã hội vẫn còn những mặt trái, tệ nạn xã hội có xu hướng lan rộng. Tác động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đến đạo đức, lối sống, nếp sống chưa đủ mạnh.

    Hệ thống các thiết chế văn hóa còn chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa có nhiều công trình hiện đại xứng tầm, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

    Thành tựu sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa nổi bật, chưa có nhiều tác phẩm tương xứng với lịch sử hào hùng của đất nước, thành tựu của công cuộc đổi mới và thế giới nội tâm phức tạp của con người hiện đại.

    Công cuộc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Công tác xây dựng, quảng bá, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả cao.

    Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, sáng tác, biểu diễn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Lực lượng tác giả, biên kịch, lý luận, phê bình còn yếu và thiếu. Hoạt động nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả chưa cao trong tư vấn, tham mưu giải quyết các vấn đề cấp thiết của ngành.

    Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa còn thiếu chủ động. Việc tuyên truyền, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa đạt hiệu quả mong muốn.

    Tựu trung, để thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” cũng như quan điểm của UNESCO “văn hóa phải đứng ở vị trí trung tâm của sự phát triển và sự phát triển phải được khởi đầu bởi văn hoá”, trong thời gian tới, ngành văn hóa cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đưa văn hóa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới./.

    GS.TS. Từ Thị Loan

    Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

    Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL/www.bvhttdl.gov.vn

    Nguồn tin: https://bvhttdl.gov.vn/nganh-van-hoa-va-nhung-dong-gop-vao-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-20230826070025719.htm

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img