Ba Son là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm thợ và hoạt động cách mạng trong hai thập niên đầu của Thế kỷ XX. Tháng 8/1925, dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng thành lập, 1.000 công nhân Ba Son đã đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm việc nhưng thực chất là làm chậm việc sửa chữa chiến hạm Jules Michelet của Pháp để sang đàn áp cách mạng nước bạn.
Địa chỉ đỏ
Lúc bấy giờ, Ba Son là xưởng duy nhất ở Đông Dương mà công nhân được hưởng quy chế ngày làm 8 giờ, lương tháng, lương ngày đều cao hơn các nơi khác, cho nên vận động bãi công ở đây rất nguy hiểm, lại rất khó. Nhưng ngoài cách bãi công thì không còn cách nào giam chân tàu chiến Michilet của Pháp.
Như vậy, cuộc đấu tranh về cơ bản có tính chất chính trị, nhưng khẩu hiệu chính trị không được nêu lên, chỉ nêu lên những yêu sách kinh tế, làm như vậy mới tập hợp được toàn thể công nhân viên chức tham gia. Ban lãnh đạo đình công đưa kiến nghị lên giám đốc đòi giải quyết các yêu sách: Tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%; phải gọi lại số thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây làm việc lại; ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ.
Mặc dù giám đốc Courthial, Thống đốc Nam Kỳ hăm dọa, rồi dụ dỗ, mua chuộc, nhưng anh em công nhân không hề nao núng, vẫn tiếp tục đình công. Để ủng hộ cuộc đấu tranh, hàng vạn công nhân, viên chức Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã quyên góp gạo, tiền giúp đỡ cuộc đình công. Cuối cùng, ban giám đốc xưởng Ba Son buộc phải nhượng bộ và điều đình với ban lãnh đạo cuộc đình công, chấp nhận tăng 10% lương cho công nhân và bỏ lệnh cắt 15 phút làm bù ngày lãnh lương. Cuộc bãi công chấm dứt thắng lợi, anh em công nhân chuyển sang hình thức bãi công, kéo dài thời gian sửa chữa chiến hạm. Mãi đến ngày 28/11/1925, chiến hạm Michelet mới ra khỏi xưởng Ba Son, sau khi bị giam ở đây ba tháng rưỡi.
Cuộc đấu tranh với mục đích chính trị rõ rệt, nhưng diễn ra một cách khôn khéo dưới khẩu hiệu khác. Tiếng vang của cuộc đấu tranh này đã vượt ra ngoài phạm vi toàn quốc, đến với phong trào cách mạng vô sản và công nhân thế giới. Từ ngày thành lập, Ba Son luôn là điểm sục sôi phong trào đấu tranh cách mạng ở Sài Gòn – Chợ Lớn, nhất là vào những năm 1912, 1925, 1937, 1939 và cuộc nổi dậy năm 1945.
Rất nhiều công nhân của xưởng Ba Son đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường, hy sinh oanh liệt trong những năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Nhiều thế hệ công nhân Ba Son đã là những chiến sĩ giữ vị trí quan trọng trong các công binh xưởng tại các chiến khu, chuyên chế tạo vũ khí. Nhiều người đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và quân đội. Tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí: Lý Chính Thắng, Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Văn Bơ, Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu…
Di sản giữa lòng phố thị
Cùng với việc di dời Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (nay là Tổng Công ty Ba Son) và quy hoạch khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son, di tích Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ, với tên gọi là Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, gồm: Ụ tàu nhỏ và triền nề (theo Quyết định số 1269/QĐ-BVHTTDL ngày 30/3/2016).
Hồi cuối năm 2022 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề nghị thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Theo đó, dự án có địa điểm tại phường Bến Nghé, Quận 1 do Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa TPHCM làm chủ đầu tư.
Về quy mô tu bổ, tôn tạo gồm: Tu bổ, bảo tồn nguyên trạng Triền nề 1918; tu bổ, bảo tồn theo nguyên trạng Ụ tàu nhỏ 1863; tôn tạo nhà xưởng (xưởng cát); khối nhà xưởng vũ khí và xưởng điện tử; tôn tạo sân vườn cảnh quan tổng thể di tích; xây dựng cổng và hàng rào; đầu tư hoàn chỉnh trang thiết bị làm việc và trưng bày; phần nội dung trưng bày… Dự kiến kinh phí thực hiện là 229,363 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách TP. Thời gian thực hiện năm 2022 – 2025.
Theo UBND TPHCM việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhằm đưa di tích này xứng tầm di tích cấp quốc gia, là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu về tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân TP nói riêng và cả nước nói chung; tạo nên không gian lưu trữ, trưng bày các giá trị của di tích, để lại cho thế hệ mai sau một di sản nhằm giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.
Mặt khác, giữ gìn, tôn tạo các công trình được giữ lại trong khu vực di tích, kết hợp phát triển hài hòa với những công trình mới khu vực xung quanh nhằm truyền tải ký ức về một xưởng tàu xưa, ghi nhớ quá trình phát triển đô thị của TP cho thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động nghiên cứu lịch sử, học tập thông qua việc trưng bày các nội dung bằng thực tế kết hợp với công nghệ với nội dung liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cũng như lưu giữ hình ảnh kiến trúc khu Ba Son.
Ngoài ra, tu bổ, tôn tạo khu di tích nhằm lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, nghiên cứu khoa học, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ và phát triển văn hóa, tạo thêm mục tiêu, động lực phát triển kinh tế – xã hội của TP không chỉ trước mắt mà còn cho sự phát triển lâu dài, bền vững.
Tác giả bài viết/ Đinh Quang Duy – Phó Trưởng VPĐD Thường trực phụ trách tại TP.HCM
Bài đã đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số tháng 6/2023