Giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ em và xã hội. Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Đầu năm 2025, một trong những chính sách giáo dục gây tranh cãi là việc cấm dạy thêm trong bậc tiểu học. Rất đa dạng ý kiến của phụ huynh về vấn đề này.
Khi chính sách cấm dạy thêm trong bậc tiểu học có hiệu lực, quan điểm của phụ huynh rất đa dạng. Đứng từ nhiều góc độ khác nhau, chính sách này có nhiều yếu tố tích cực cũng như tiêu cực.
Trước hết, một số phụ huynh ủng hộ quyết định cấm dạy thêm, bởi họ cho rằng việc này sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh. Nhiều trẻ em hiện nay phải trải qua một khối lượng kiến thức lớn trong bậc tiểu học. Tại các thành phố lớn, các em học sinh phải đi học từ khung giờ 6h00 cho đến 16h00. Sau khi tan học, các em lại phải tiếp tục di chuyển đến các điểm học thêm đến 19h00 mới về đến nhà. Sau khi tắm rửa ăn cơm lại phải ôn bài. Nếu với các em thông minh nhanh nhẹn, thì có thể hơn 21h00 các em đã có thể đi ngủ nhưng với các em chưa kịp tiếp thu bài trên lớp, thì việc ôn bài là một áp lực không chỉ dành cho các em mà còn cho phụ huynh học sinh. Phải đến hơn 22h00 các em mới có thể đi ngủ.

Điều này khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý và thể chất. Theo khảo sát của một số tổ chức giáo dục, 80% phụ huynh lo ngại rằng con cái họ đang chịu áp lực quá lớn. Việc cấm dạy thêm có thể giúp học sinh tập trung vào việc học trong giờ học chính khóa và phát triển toàn diện hơn.
Thứ hai, một số phụ huynh nhận thấy rằng việc cấm dạy thêm sẽ tạo ra sự công bằng trong giáo dục. Hiện tại, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng tài chính để cho con em mình tham gia các lớp học thêm. Sự chênh lệch này làm cho trẻ em từ các gia đình khá giả có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận tri thức, trong khi những trẻ em từ gia đình khó khăn gặp khó khăn hơn trong việc học. Cấm dạy thêm có thể giúp bình đẳng hóa cơ hội học tập cho tất cả học sinh, từ đó cải thiện chất lượng giáo dục chung.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với ý kiến cấm dạy thêm. Thì lại có rất nhiều phụ huynh đều không đồng tình với quyết định này. Một số người lo ngại rằng việc cấm dạy thêm sẽ làm giảm chất lượng giáo dục. Họ cho rằng các lớp học thêm đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung kiến thức và củng cố sự hiểu biết của học sinh. Đặc biệt là trong bối cảnh nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và chương trình học có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em. Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không có các lớp học thêm, học sinh sẽ không có đủ thời gian và không gian để ôn tập và nắm vững kiến thức bài học.
Một khía cạnh khác cần được xem xét là động cơ của giáo viên. Khi cấm dạy thêm, nhiều giáo viên có thể cảm thấy mất đi một nguồn thu nhập quan trọng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng giáo viên không còn đủ động lực để tạo ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả trong giờ học chính khóa. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn lo ngại rằng chính sách này có thể tạo ra áp lực khác cho giáo viên, buộc họ phải hoàn thành chương trình giảng dạy trong thời gian hạn chế mà không đủ thời gian để hỗ trợ từng học sinh.
Ngoài ra, việc cấm dạy thêm cũng có thể tác động đến mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên. Khi phụ huynh cảm thấy rằng con em họ không được phát triển đầy đủ trong môi trường học chính khóa, họ có thể có xu hướng tìm kiếm các phương pháp học tập khác, từ tự học tới các hình thức học tập trực tuyến. Điều này có thể dẫn đến sự phân chia giữa phụ huynh và giáo viên, làm giảm tính hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Một yếu tố khác cần được xem xét là sự thay đổi trong cộng đồng giáo dục. Các phụ huynh có thể sẽ cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong việc hỗ trợ con cái học tập. Họ sẽ phải tìm hiểu những hình thức học tập hiệu quả khác, chẳng hạn như các khóa học trực tuyến hay các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ phát triển kỹ năng sống. Việc giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn bao gồm cả việc rèn luyện kỹ năng và tư duy phản biện. Với các công việc hàng ngày tại nơi làm việc, cơm áo gạo tiền làm cho phụ huynh không còn thời gian cũng như sự “tỉnh táo” để có thể tiếp thu thêm các kiến thức để hỗ trợ con cái trong học tập.
Có thể thấy trong bối cảnh này, việc nhà nước cấm dạy thêm trong bậc tiểu học có thể xem là một bước đi cần thiết nhằm tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, để chính sách này đạt được hiệu quả, cần phải có những hành động đồng bộ từ các bên liên quan, bao gồm nhà nước, nhà trường, giáo viên, và phụ huynh. Nhà nước cần đầu tư vào việc cải thiện chương trình học, nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo giáo viên, đồng thời tạo ra những cơ hội học tập phong phú cho học sinh.
Với cả những quan điểm ủng hộ và phản đối về vấn đề dạy thêm nay, dù mục đích là gì thì cho cùng cũng là để các em học sinh có được sự giáo dục tốt nhất, chất lượng nhất. Chính sách cấm dạy thêm có thể góp phần giải quyết vấn đề áp lực học tập, tạo ra sự công bằng trong giáo dục, nhưng cũng cần được thực hiện cẩn thận để bảo đảm không làm giảm chất lượng giáo dục.
Nguyễn Khánh/ Ban Phóng viên – Chuyên đề