More
    HomeCâu lạc bộ Doanh nhânDi cư lao động: Khi công nhân bỏ phố về quê tìm...

    Di cư lao động: Khi công nhân bỏ phố về quê tìm việc làm gần nhà

    Doanh nghiệp nhỏ lẻ tại địa phương đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam những năm gần đây. Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp này không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn tác động đến dòng di cư lao động, khi nhiều công nhân quyết định rời khỏi thành phố lớn để trở về quê hương tìm kiếm việc làm gần nhà.

    Vì là doanh nghiệp nhỏ lẻ nên thường có quy mô nhỏ, số lượng lao động hạn chế và vốn đầu tư không lớn, nên các chủ đầu tư thường chọn các tỉnh thành để xây dựng  mô hình hơn là tại các thành phố lớn để giảm thiểu tối đa các chi phí tối ưu.  Chúng thường hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại, dịch vụ và sản xuất. Sau đại dịch COVID-19, nhiều người đã nhận thức được giá trị của việc phát triển doanh nghiệp tại địa phương. Nhu cầu tiêu dùng thay đổi và xu hướng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ gần gũi với cộng đồng đã góp phần thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp này.

    Các doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm. Đối tác yêu cầu cao về các đơn hàng đều được chủ cơ sở đáp ứng không khác gì so với những cơ sở ở các thành phố lớn. Một ưu điểm của các doanh nghiệp tại địa phương đó là chi phí thuê mặt bằng khá rẻ so với thành phố, các nguồn lực có sẵn cũng rất trù phú nên hiện nay nhiều đối tác cũng ưa chuộng đặt hàng gia công tại các cơ sở này, giá thành sản phẩm có thể rẻ hơn so với việc đặt hàng tại các thành phố lớn.

    Ngoài ra, sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ lẻ còn được thúc đẩy bởi một số chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chương trình khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đã được triển khai rộng rãi. Các tổ chức tài chính và phi chính phủ cũng tích cực hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ năng cho những người có ý tưởng khởi nghiệp. Những chính sách này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

    Trong bối cảnh đó, tại các thành phố lớn phía Nam, nhiều công nhân phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp khó khăn giải thể hoặc lương thưởng hàng tháng không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống của chính họ. Với đủ các loại chi phí như tiền thuê trọ, ăn uống, học hành cho con cái, dẫn đến xu hướng trở về quê hương tìm kiếm việc làm bắt đầu nổi lên. Nhiều người đã thấy rằng việc trở về quê không chỉ giúp họ có thể làm việc gần gia đình mà còn giúp họ tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Ở quê, dù mức lương tại các doanh nghiệp có thể thấp hơn ở thành phố, nhưng với việc được sống tại nhà, có thể tăng gia nuôi thêm gà vịt, trồng thêm luống rau có thể giúp họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc làm việc và sinh sống tại các thành phố lớn.

    Chị Thanh Thúy – công nhân công ty R.C tại phường Linh Xuân, TP. Thủ Đức cho biết: “Mình vừa sinh con thứ 2 được 7 tháng. Cũng vừa nghỉ hết thai sản đi làm lại, thêm một đứa con lại còn quá nhỏ, bắt buộc phải gửi bé để đi làm. Với lương thưởng ít ỏi của hai vợ chồng, chi phí cho 4 người tại thành phố quá áp lực nên mình quyết định về quê phụ mẹ chồng buôn bán. Ở quê ít ra còn có nhà có vườn, đỡ tốn chi phí”.

    Còn với chị Kim Loan thì chia sẻ: “ Về quê bây giờ phát triển mạnh lắm, xí nghiệp mọc lên nhiều rồi, nên thôi cả nhà mình quyết định về quê. Lương ít hơn nhưng nhà cửa rộng rãi, trồng thêm ít rau nuôi thêm con gà tăng gia, con cái có ông bà phụ chăm sóc cũng yên tâm hẳn”.

    Chính những lý do đã tính toán thiệt hơn đó, người trẻ cũng quyết định quay về quê hương để lập nghiệp. Một số có thể tham gia vào các doanh nghiệp nhỏ tại các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển sản phẩm địa phương, trong khi những người khác có thể bắt đầu kinh doanh riêng. Sự trẻ hóa của lực lượng lao động tại địa phương không chỉ mang lại sức sống mới cho nền kinh tế mà còn góp phần phát triển cộng đồng.


    Một yếu tố khác làm cho xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ chính là sự hồi sinh của các sản phẩm truyền thống. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đã mạnh dạn đầu tư vào việc bảo tồn văn hóa, phát triển sản phẩm truyền thống như gốm sứ, dệt may và các loại thực phẩm đặc sản. Điều này không chỉ tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mà còn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng hóa địa phương.

    Có thể thấy, sự gia tăng doanh nghiệp nhỏ lẻ tại địa phương đang tạo ra những cơ hội việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người chọn rời thành phố lớn để trở về quê hương. Điều này không chỉ giúp cải thiện kinh tế địa phương mà còn có sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ, giảm thiểu rất nhiều những vấn đề xã hội đang còn tồn đọng tại các thành phố lớn vì mật độ dân cư cao.

    Nguyễn Khánh/ Ban Phóng viên – Chuyên đề

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img