Thế hệ Gen Z đang trở thành một trong những lực lượng quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Đã có rất nhiều những chủ đề liên quan đến thế hệ này trong việc so sánh họ với các thế hệ đi trước. Trong đó hai chủ đề được đem ra tranh luận nhiều nhất đó chính là, phải chăng thế hệ Zen Z hiện nay có lối sống không tiết kiệm và xu hướng “thích là nghỉ” trong công việc ?
Vậy tại sao lại có nhiều chủ đề nổi lên xung quanh lối sống của thế hệ Zen Z như vậy ? Phải chăng chính thời điểm họ sinh ra và lớn lên, sự phát triển của xã hội và cách nuôi dạy con của thế hệ làm cha làm mẹ đã tổng thể hình thành nên tính cách và lập trường của họ như vậy ?.
Trước hết, thế hệ Gen Z được sinh ra và lớn lên khi đất nước bắt đầu phát triển, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con, nên sự chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu dành cho con ngày càng cao. Ba mẹ dễ dàng đáp ứng hết mọi yêu cầu của con cái khi chúng có nhu cầu, điều này đã hình thành nên một lớp tính cách “thích gì được nấy” của giới Zen Z.

Cùng với đó, việc lớn lên trong môi trường công nghệ số toàn cầu hóa, nơi mà thông tin và hàng hóa dễ dàng tiếp cận chỉ qua vài cú nhấp chuột. Họ được tiếp xúc với quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội và có thể theo dõi lối sống xa xỉ của người nổi tiếng trên các nền tảng như Instagram và TikTok…, các Gen Z cảm thấy phải chứng minh, thể hiện bản thân và duy trì hình ảnh trên mạng xã hội. Vì để làm đẹp các trang mạng xã hội cá nhân, họ không tiếc tiền để tiêu vào quần áo, giày dép, mỹ phẩm, phụ kiện, ăn uống và sở thích chỉ để thể hiện bản thân.
Nếu như các thế hệ 7X, 8X, 9X đi trước dùng tiền để tiết kiệm, lo cho gia đình… thì với Zen Z, tiền là phương tiện để họ thể hiện cá tính. Họ thường có xu hướng đầu tư vào trải nghiệm hơn là tích lũy tài sản. Các chuyến du lịch, các sự kiện âm nhạc, và các khóa học phát triển cá nhân được xem là những khoản chi tiêu xứng đáng, trong khi việc tiết kiệm thường bị xếp lại phía sau. Gen Z sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ thấy phù hợp và có giá trị ngay lập tức.
Cùng với chủ đề không tiết kiệm, thế hệ Gen Z cũng được tranh luận nhiều bởi quan điểm độc đáo về công việc và sự nghiệp. Một trong những đặc điểm nổi bật của Gen Z là xu hướng “thích nghỉ việc”. Có nhiều lý do khiến Gen Z có xu hướng từ bỏ công việc nhanh chóng. Đầu tiên, sự khác biệt về giá trị giữa các thế hệ là một yếu tố quan trọng. Trong khi các thế hệ trước thường coi công việc là một phần lớn trong cuộc sống và là biểu tượng của thành công, Gen Z lại tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Họ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho công việc của mình và muốn tìm kiếm những môi trường làm việc tích cực và công bằng.
Thứ hai, Gen Z không ngại nghỉ việc nếu họ cảm thấy không hài lòng hoặc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cấp trên. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau cho họ. Các nền tảng trực tuyến và các trang web tìm kiếm việc làm khác cung cấp cho họ thông tin nhanh chóng về các cơ hội mới. Từ đó, họ cảm thấy có thể dễ dàng chuyển việc hơn so với thế hệ trước, những người thường phải gắn bó lâu dài với một công ty.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người về công việc và cuộc sống. Sự gián đoạn trong công việc và cuộc sống hàng ngày đã khiến Gen Z suy nghĩ lại về giá trị của thời gian và sức khỏe tinh thần. Nhiều người đã chọn nghỉ việc để tìm kiếm những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân, điều này phản ánh rõ nét trong những dữ liệu gần đây về tỷ lệ nghỉ việc trong lực lượng lao động.
Xu hướng này tất nhiên sẽ gây ra nhiều khó khăn thách thức cho doanh nghiệp khi lực lượng nhân viên thường xuyên thiếu hụt và tốn công sức và chi phí vào các cuộc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.
Tuy nhiên, không chỉ có mặt tiêu cực. Xu hướng này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn và tạo ra những phương thức làm việc mới. Nhiều công ty đã bắt đầu áp dụng các chính sách làm việc từ xa, linh hoạt về giờ giấc để phù hợp hơn với nhu cầu của Gen Z.
Suy nghĩ “thích nghỉ việc” trong giới trẻ Gen Z phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong cách nhận thức về công việc và sự nghiệp. Những giá trị mà Gen Z đề cao có thể khác biệt so với các thế hệ trước, nhưng cũng chính điều này thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong môi trường làm việc. Các công ty cần hiểu và chấp nhận sự thay đổi này để nâng cao khả năng giữ chân nhân tài và xây dựng một nền văn hóa làm việc tích cực. Tương lai của lực lượng lao động sẽ không chỉ được định hình bởi Gen Z mà còn bởi khả năng thích ứng của tổ chức trong việc tạo ra một môi trường làm việc hỗ trợ và đổi mới.
Có thể thấy, giới trẻ Gen Z đang có một cuộc sống tiêu pha chưa tiết kiệm và không gắn bó nhiều với nơi làm việc nếu cảm thấy không phù hợp. Họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như công nghệ, giá trị cá nhân. Thói quen tiêu dùng của họ phản ánh một quan điểm mới về tiền bạc, trong đó ưu tiên trải nghiệm và sự sáng tạo hơn là việc tích lũy tài sản. Mặc dù có những lợi ích tích cực từ lối sống tiêu pha này, nhất là khi kết hợp với những hình thức tiêu dùng bền vững, nhưng cũng cần phải thận trọng với những hệ lụy và rủi ro trong tương lai. Cùng với đó, việc “thích là nghỉ” giúp họ thể hiện cái tôi cá tính. Họ sẵn sàng nghỉ và xin việc mới cho đến khi công việc đó giúp họ phát huy hết tối đa năng lực bản thân trong việc thể hiện tính cách và sự sáng tạo, phát huy hết mình khả năng của mình trong công việc.
Đức Khoa/ Ban Phóng viên – Chuyên đề