Ngôi làng với 90% người dân sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống, làng Trạch Xá hàng nghìn năm luôn tự hào vì đã từng may áo cho vua quan thời nhà Nguyễn. 90% các công đoạn của việc may áo dài được làm thủ công với các đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, thẳng tắp tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha, khoe được các nét duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam.
Làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.
Sự ra đời của làng nghề may Trạch Xá
Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng, bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân là lên làm vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước. Vùng đất Sơn Nam nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt và bà Nguyễn Thị Sen đã trở thành thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà được vua phong là Tứ Phi (năm 969).
Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích… Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung.
Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị sát hại. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. Ngày 12 tháng Chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam và ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo, để các con cháu đi làm ăn ở nơi xa.
Kỹ thuật may áo dài Trạch Xá
Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Một trong những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá là được may thủ công mà mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.
Điều này đòi hỏi người thợ may phải đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Đặc biệt là kỹ thuật khâu tay dọc, rất khó, là bí quyết mà chỉ người trong làng mới biết. Người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm. Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như phô trứng rận.
Làng nghề Trạch Xá có những nghệ nhân vinh dự được may áo cho vua quan trong triều đình nhà Nguyễn. Đặc biệt nghệ nhân Tạ Văn Khuất mặc dù khi mới 30 tuổi đã may được áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cho dù chỉ được đứng từ xa để ước lượng. Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với nhân dân làng Trạch Xá. Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội.
Theo Linh Bảo/ Tạp chí Truyền thống và Phát triển số tháng 8/2023