Trải qua năm 2024 với tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, chúng ta đang bước đến năm 2025 với một dấu mốc quan trọng khi chỉ còn 5 năm để hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững và Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội của Việt Nam vào năm 2030. Đứng trước những thách thức và tồn tại, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong năm tới là gì?
Diễn biến tình hình kinh tế thế giới năm 2024-2025
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khiến nhiều hoạt động kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng bởi diễn biến kinh tế thế giới, có thể kể đến như: hoạt động thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, để có được kế hoạch tăng trưởng kinh tế và hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2025-2030, việc đánh giá diễn biến kinh tế thế giới là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Đầu năm 2024, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang giữa một số quốc gia, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái. Đối với Việt Nam, trái ngược với xu hướng tăng trưởng thấp của năm trước, Liên hợp quốc và AMRO (Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3) đều nhận định tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6,0%, cao hơn mức dự báo 4,7% và 5,1% của năm 2023.
Tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025; theo đó, mức dự báo tăng trưởng năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo tháng 1/2024. Giai đoạn 2021-2025 là những năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, thậm chí có năm tăng trưởng âm (năm 2020). Sau đó, năm 2021 và 2022, nền kinh tế vẫn chưa kịp phục hồi sau đại dịch thì tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bất ổn chính trị với tâm điểm là hai cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine và giữa Israel – Hamas.
Tuy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng cải thiện nhẹ, nhưng 5 đối tác thương mại lớn của Việt Nam là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khối các nước châu Âu (Euro Zone), lại có sự phục hồi kinh tế khác nhau. Trong 5 đối tác này, dự báo đến năm 2025 chỉ có 2 đối tác phát triển kinh tế thuận lợi đó là khối Euro Zone và Hàn Quốc. Trong khi đó, có tới 3 đối tác phát triển kinh tế khó khăn, đó là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Dòng vốn FDI trên thế giới trong những năm tới có xu hướng giảm dần. Theo UNTACD (2024), dòng vốn FDI toàn thế giới năm 2015 khoảng 2.049 tỷ USD, thì đến năm 2023 chỉ còn 1.331 tỷ USD, giảm 35,1%. Mặc dù dòng vốn FDI toàn thế giới giảm, nhưng chỉ giảm mạnh ở các nước phát triển, còn vẫn tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có các nước châu Á (xu hướng dòng vốn FDI đang dịch chuyển về châu Á). Nếu như năm 2015, tổng FDI vào châu Á là 523 tỷ USD, thì đến năm 2023 đã là 624 tỷ USD, tăng 18,7%. Xu hướng này dự báo vẫn diễn ra trong những năm tới, ít nhất là đến năm 2025 và là tín hiệu thuận lợi cho Việt Nam.
Kế hoạch và hành động vì một nền kinh tế tuần hoàn
Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) mang đến một giải pháp mạnh mẽ trước những thách thức về tính bền vững mà chúng ta đang đối mặt. Về cơ bản, KTTH dựa trên nguyên lý rằng vật liệu trong kinh doanh được thiết kế để tái sử dụng và chuyển đổi một cách gần như liên tục. Thực tế, các thực hành về KTTH đã từ lâu gắn liền với quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, từ mô hình truyền thống “vườn – ao – chuồng” của ngày trước, đến những hình thức cộng sinh công nghiệp tiên tiến hơn trong các khu công nghiệp.
Để có thể chuyển đổi nền KTTH từ lập kế hoạch sang hành động trong khung thời gian 5 năm (2025-2030) do Chính phủ Việt Nam và các thỏa thuận quốc tế đặt ra, chiến lược quan trọng chính là tích hợp và lồng ghép.
Thứ nhất, lồng ghép thiết kế vào chính sách – nền tảng của KTTH. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. EPR được công nhận là một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất để thúc đẩy tái chế và thiết kế sinh thái trên thế giới. Tuy nhiên, đến hiện tại, việc thực thi EPR tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức do thiếu các tài liệu hướng dẫn. Một số vấn đề được đề cập đến như: không có hướng dẫn rõ ràng về hệ số (FS); thiếu các cơ chế khuyến khích cho ngành công nghiệp trong việc đóng góp tài chính hay tham gia tự tái chế hoặc hợp tác với các tổ chức thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất;…
Theo thống kê, khoảng 80% tác động môi trường có thể được xác định và giảm thiểu ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm. Vì vậy, thiết kế sản phẩm đóng một vai trò cực kỳ quan trọng cho sự đổi mới về cải thiện nhận thức, là những yếu tố thiết yếu trong quá trình chuyển đổi sang KTTH. Việc tích hợp các nguyên tắc thiết kế sinh thái sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp giảm tác động môi trường mà còn phù hợp hơn với các kỳ vọng từ người tiêu dùng và các quy định pháp lý ngày một chặt chẽ hơn.
Một bước tiếp theo quan trọng là xây dựng các yêu cầu bắt buộc và định lượng về thiết kế sinh thái, như tỷ lệ tái chế, tuổi thọ sản phẩm, năng lượng, và hàm lượng tái chế, nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ hai, lồng ghép, thúc đẩy các thực hành KTTH vào các lĩnh vực ưu tiên. Là một quốc gia định hướng mở cửa, rất rõ ràng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn liền với thương mại quốc tế và kết nối toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất khu vực, với các ngành chủ lực như điện tử và dệt may đóng vai trò chủ chốt. Một điểm đáng chú ý là xu hướng tiêu dùng quốc tế đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh trong tương lai gần cho những doanh nghiệp biết thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.
Thứ ba, lồng ghép chuyển đổi kinh tế tuần hoàn vào các cải cách thể chế.
Khái niệm về nền KTTH mang đến một khuôn khổ lý tưởng để thúc đẩy sự đổi mới dưới sự dẫn dắt của Chính phủ. Đây là một cách tiếp cận có hệ thống, giúp định hình tầm nhìn phát triển mới, khuyến khích thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Điển hình như, mặc dù trong một số nghị định liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập đến việc khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, nhưng quá trình này vẫn khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Việc xin giấy phép môi trường không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn gặp khó khăn bởi sự ngần ngại từ các cơ quan chức năng. Nguyên nhân chính là do quá trình này liên quan đến nhiều cơ quan, bao gồm các đơn vị kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý tài nguyên nước và an toàn công nghiệp. Sự phức tạp trong thủ tục hành chính và trách nhiệm pháp lý tiềm tàng đã khiến các cơ quan chức năng dè dặt trong việc thúc đẩy tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.
Tương tự, trong ngành nhựa, sự chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế vẫn là một rào cản lớn đối với việc tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì. Các doanh nghiệp thường có xu hướng tối thiểu hóa chi phí sản xuất, trong đó quan trọng nhất chính là giá thành nguyên vật liệu, cụ thể là hạt nhựa. Trước tình hình đó, doanh nghiệp sẽ ưu tiên chọn nhựa nguyên sinh. Để vượt qua thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và liên bộ nhằm tạo ra các ưu đãi hiệu quả cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn.
Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người, nhưng vấn đề tái chế và sử dụng nhựa tái chế vẫn còn nhiều khó khăn
Nhìn chung, bằng cách cải thiện khuôn khổ quản trị, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý, tạo nhiều điều kiện hơn cho doanh nghiệp đi theo xu hướng tham gia vào nền KTTH, Việt Nam chắc chắn có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nơi sự đổi mới vì nền KTTH có thể phát triển mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững và Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội của Việt Nam vào năm 2030.
Bảo Phương