Sau thời gian dài khiến khán giả tò mò và chờ đợi, bộ phim điện ảnh được đánh giá là đen tối và ám ảnh bậc nhất điện ảnh Việt – Thành phố ngủ gật (Drowsy City) – chính thức được công chiếu đến với khán giả toàn quốc từ thứ 6 ngày 13-10-2023. Đạo diễn cho biết bất ngờ khi phim “vượt qua” cửa kiểm duyệt dễ dàng.


Quang cảnh buổi họp báo ra mắt phim Thành phố ngủ gật
Trailer phim Thành Phố Ngủ Gật
Thành phố ngủ gật quy tụ một ekip làm phim chuyên nghiệp đến từ trong nước và quốc tế. Trong đó, giám đốc hình ảnh của bộ phim là nhà quay phim Thái Lan Chalermpornpanit (với các dự án phim tham dự LHP quốc tế Busan, LHP quốc tế Singapore, chiếu tại LHP Berlin…) và nhà quay phim Việt Nam Phạm Văn Khuê, nhạc sĩ Martynas Bialobžeskis (người đã có nhiều tác phẩm âm nhạc được trình diễn tại các lễ hội âm nhạc, hòa nhạc ở Latvia, Estonia, Đức, Ba Lan, Hoa Kỳ….),
Một thể loại lạ của điện ảnh Việt
Thành Phố Ngủ Gật là một bộ phim tâm lý giật gân mà có lẽ những ai không vững về tâm lý hoặc không quen với những bộ phim “nặng đô” không nên thử vì phim chắc chắn sẽ để lại sự ám ảnh.


Nghệ sĩ Đức Trí vào vai nam chính thứ 2 trong Thành Phố Ngủ Gật

Nhiều nhà báo văn hoá có mặt tại buổi họp báo cũng đồng tình quan điểm, bộ phim khai thác sâu bản năng thú dữ trong con người thật rùng rợn.
Phim thể hiện những biến chuyển có phần biến thái và méo mó trong suy nghĩ, ánh mắt, hành động của con người khi họ trở nên độc ác, đen tối. Trước đó, bộ phim đã khiến khán giả và ban giám khảo quốc tế sốc vì mức độ chân thật rùng rợn và ám ảnh nó để lại trong tâm trí người xem.
Thể loại phim của Thành phố ngủ gật được xếp vào hàng “độc”, “lạ” của điện ảnh Việt – khai thác một chủ đề khó nhằn mà để thể hiện thành công thì lại càng khó vì tâm lý luôn là một thứ gì đó rất khó để lột tả bằng lời.
Ranh giới thiện – ác khó phân định
Bộ phim để lại cho người xem một câu hỏi khó trả lời: Cái ác bắt nguồn từ đâu? Rốt cuộc nhân vật chính là người xấu hay người tốt? Đây là một câu hỏi không có đáp án bởi mỗi khán giả với một quan điểm khác nhau khi xem phim sẽ cảm nhận khác.
Sự chuyển biến tâm lý nhân vật từ một cậu trai vô hại sang một con người tàn ác được dẫn dắt một cách khéo léo với một nhịp độ hợp lý. Cái thiện và ác khó để phân biệt rạch ròi mà quấn lấy nhau trong từng quyết định của nhân vật. Sự thay đổi không phải chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc mà nó là cả một quá trình “dồn nén” và “bùng nổ”.

Giải mã ngôn ngữ điện ảnh của Thành phố ngủ gật
Rất dễ dàng để nhận ra Thành phố ngủ gật theo phong cách “show don’t tell”, kể chuyện bằng hình ảnh (cả những hình ảnh thông thường lẫn hình ảnh mang hàm ý ẩn dụ) thay vì dùng thoại. Các nhân vật trong phim hầu như không nói nhiều, lại càng ít giao tiếp với nhau.
Những gì họ nói chỉ là những câu ra lệnh, mắng nhiếc, khinh thường. Phim không dùng nhiều thoại để thể hiện câu chuyện mà thay vào đó là hình ảnh. Mỗi góc máy, cú cắt cảnh, chi tiết trong phim đều có ý đồ gì đó của đạo diễn.
Bên cạnh sự thể hiển của các nhân vật chính, có hai nhân vật đặc biệt xuất hiện với tần suất không kém cạnh mang đầy tính ẩn dụ chính là thành phố và những con gà.

Thành phố lúc nào cũng ồn ào, đông đúc tấp nập nhưng những con người sống ở đó thì lại không hề có một sự liên kết nào, mọi người cô đơn trong chính thế giới riêng mình, không ai biết ai, cũng chẳng quan tâm hay thể hiện lòng đồng cảm.
Một sự đối lập chân thực mà từ đó làm rõ nét được sự xa cách đến cùng cực trong thế giới của con người vốn được xem là thông minh, có tri thức và đa dạng giác quan, tình cảm.
Thành phố ngủ gật không di chuyển bối cảnh quá nhiều, chủ yếu mọi tình tiết và tiến triển đều diễn ra trong một khu nhà bỏ hoang xập xệ, tối tăm. Điều này càng góp phần tạo nên cảm giác ngột ngạt, khó thở, có đôi lúc rất tù túng.
Các góc quay và bối cảnh được đạo diễn vận dụng hết sức để “khóa chặt” người xem trong không gian chật hẹp, đầy đen tối và đó cũng chính xác là những gì nhân vật trong phim đang phải trải qua. Không chỉ 2 nam chính và 2 nam phụ, mà cả khán giả dường như cũng “phát điên” và muốn được giải tỏa sự khó chịu, ức chế trong người.

Đạo diễn bất ngờ khi phim “vượt qua” cửa kiểm duyệt dễ dàng
Dán nhãn 18+, Thành phố ngủ gật có nhiều phân đoạn nặng nề, đen tối cùng cực đối với người xem và chắc chắn sẽ tạo nên loạt phản ứng đa chiều từ khán giả.


Đạo diễn Lương Đình Dũng (cầm mic) tại buổi họp báo
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, “Thành phố ngủ gật” được gắn mác 18+, nội dung phim mang đến câu chuyện về hành trình đi tìm bản ngã con người một cách chân thật và tàn bạo, phản ánh đúng mặt tối của xã hội.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng thừa nhận, anh không ngờ bộ phim của mình lại “vượt qua” cửa kiểm duyệt dễ dàng như vậy. Theo đạo diễn, bản phim được cấp phép chỉ bị cắt hơn 1 phút so với bản gốc dài 75 phút, cho thấy sự cởi mở của Hội đồng duyệt phim quốc gia.


Thể loại phim của “Thành phố ngủ gật” được xếp vào hàng “độc”, “lạ” của điện ảnh Việt – khai thác một chủ đề khó nhằn mà để thể hiện thành công thì lại càng khó vì tâm lý luôn là một thứ gì đó rất khó để lột tả bằng lời.
Bộ phim khá “kiệm thoại”, nam chính cả phim chỉ có 4-5 câu thoại, tất cả sự biến chuyển trong suy nghĩ đều được thể hiện bằng ánh mắt, hành động và đặc biệt qua từng góc quay, cú cắt máy, chuyển cảnh có ý đồ nghệ thuật rõ ràng, mang nặng hàm ý ẩn dụ nghệ thuật mà có lẽ người xem phải có một sự chiêm nghiệm nhất định.
Đức Trí (Laxys Thiên Minh) / Cố vấn Truyền thông – Đối ngoại – Văn hóa – Nghệ thuật