Trà Vinh không nổi bật với thắng cảnh nổi tiếng, nhưng là vùng đất có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo của dân tộc Khmer, dân tộc Kinh và người Hoa. Những ngồi đền, chùa rải rác khắp tỉnh chính là điểm nổi bật của Trà Vinh. Ngoài ra với những bãi biển, cù lao trái cây rộng lớn và hệ sinh thái đặc trưng của rừng ngập mặn cũng khiến cho Trà Vinh trở thành một nơi thích hợp để có một chuyến du lịch thú vị tại mảnh đất này. Một lựa chọn lí tưởng dành cho những du khách yêu thích loại hình du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái.
Trà Vinh nằm trong khu vực các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Với địa hình thuận lợi trên, du khách không chỉ tới Trà Vinh mà còn có thể kết hợp chuyến đi đến các vùng khác. Với hơn 150 ngôi chùa của người Khmer, gần 60 ngôi chùa của người Kinh và người Hoa. Đến với Trà Vinh du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đặc sắc của người Khmer, tham quan và chiêm ngưỡng những am, chùa với nét kiến trúc cổ kính độc đáo. Với những du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa tâm linh thì Trà Vinh quả là một lựa chọn không thể lí tưởng hơn.
Cách khá xa nhau, kiến trúc khác nhau nhưng chùa Nôdol, chùa Hang, chùa Âng được du khách “gom” thành nhóm những ngôi chùa không nên bỏ qua khi đến đây. Mỗi ngôi chùa có một vẻ đẹp riêng, thiết kế riêng. Chùa Cò hay chùa Giồng Lớn, chùa Nodol là ngôi chùa cổ to lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hoá Khmer ở Trà Vinh. Chùa Hang còn có tên là Mồng Rầy (Kamponyixprdle) ấn tượng với hai bên cổng chính là hai tượng chằn tinh Yak to bằng người thật. Chùa Âng hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên. Nét kiến trúc tôn giáo đặc sắc của Trà Vinh có thể được thấy rõ qua chùa Ông Mẹt, chùa Âng, chùa Phnô Đung, chùa Ấp Sóc, chùa Hang,chùa Bào Môn, …. Những ngôi chùa cổ to lớn đậm nét kiến trúc của nền văn hóa Khmer sẽ là một trải nghiệm vô cùng mới lạ trong chuyến hành trình của mọi du khách khi tới với Trà Vinh.
Ao Bà Om là một danh thắng nổi tiếng tại Trà Vinh mà du khách không nên bỏ qua. Tọa lạc tại phường 8, thành phố Trà Vinh, Ao Bà Om là điểm tham quan nổi tiếng và thu hút du nhiều khách thập phương đến với Trà Vinh. Ao dài 500m, rộng 300m được xung quanh bởi những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh việc tham quan, chụp ảnh thưởng ngoạn khung cảnh trong lành nơi đây du khách sẽ được nghe kể về sự tích ra đời của ao. Mặt ao phẳng lặng với những hàng cây xanh mướt bao xung quanh, sắc xanh của cây cối rủ bóng xuống mặt nước như tạo nên một bức tranh thủy mặc ngay giữa lòng ao. Một điểm khác khiến cho Ao Bà Om thu hút khách du lịch tới ghé thăm nữa là những cây cổ thụ xung quanh hồ, với những bộ rễ đủ các hình thù khác nhau càng tạo nên nét độc đáo riêng cho nơi này.
Đến Trà Vinh, bãi biển Ba Động là một bãi biển tuyệt đẹp mà du khách có thể dừng chân để nghỉ ngơi trong hành trình của mình. Bãi biển trải dài hàng chục km trên 3 xã của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Biển Ba Động đang trở hành một điểm đến lý tưởng của du khách bởi sự hoang sơ, bãi cát dài cùng những hàng dương chạy dọc theo bờ biển. Biển Ba Động được khai thác từ rất sớm. Trước đây, người Pháp đã cho xây trên bãi biển đẹp nhất của Trường Long Hòa một khu nghỉ mát để thường xuyên đến nghỉ và tắm biển. Biển Ba Động đẹp bởi vẫn còn giữ được nét hoang sơ với cát trắng nước trong, không khí trong lành và yên tĩnh. Đến đây, du khách có dịp thưởng thức các loại đặc sản như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn Chà là, cá kèo kho gợt … với giá cả phải chăng. Tắm biển và ngắm nhìn phong cảnh biển tại Ba Động là một cách thư giãn tuyệt vời để tiếp thêm sức cho chuyến du ngoạn tại Trà Vinh của du khách.
Trà Vinh mùa nào cũng đẹp, vì thế bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng nếu muốn tham gia các lễ hội cùng với người dân ở đây, đặc biệt là lễ hội Chôl Chnăm Thmây (lễ vào năm mới, lễ chịu tuổi), lễ hội truyền thống của người dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ đặc sắc với múa Miên và thả đèn trời thì nên đến vào ngày 14, 15, 16 tháng 4 Dương lịch (năm nhuận thêm ngày 13- 4 dương lịch). Tính theo âm lịch là 12, 13, 14 tháng 3. Ngày thứ nhất (Chôl sangkran Chmây) mọi người chuẩn bị quần áo đẹp và lễ vật lên chùa làm lễ rước đại lịch. Ngày thứ hai (Wonbơf) làm lễ dâng cơm cho các nhà sư và đắp núi cát biểu lộ cầu mưa, cầu phúc cho mọi người. Ngày thứ 3 (Lơm săk) làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư để cầu siêu cho những người đã mất, xin tha thứ cho những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ. Trong những ngày này bà con Khơ Me còn đi thăm hỏi, chúc sức khỏe với nhau và cùng tham gia các hoạt động như thả diều, đánh quay lửa…
Ngoài ra để cho du khách có thêm nhiều sự lựa chọn trong chuyến du lịch của mình. Trà Vinh còn có 2 địa danh nữa dành cho những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái tới tham quan và khám phá là cù lao Long Trị và cù lao Tân Qui. Chèo thuyền ngắm nhìn phong cảnh sông nước, du ngoạn quanh những vườn trái cây bạt ngàn. Với các loại trái cây đặc trưng nổi tiếng của Trà Vinh như nhãn, mận, xoài, bưởi năm roi, dâu, măng cụt, chôm chôm… Mảnh đất Trà vinh cũng nổi tiếng với những đặc sản mang đậm chất miền quê Nam Bộ. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp các món ăn vô cùng hấp dẫn tại bất cứ nơi đâu trong chuyến đi của mình. Đặc sản bún suông, bún nước lèo, tôm khô, chù ụ Ba Động, bánh tét cốm dẹp, bánh ú Đa Lộc… Trà Vinh còn có một số đồ ăn thức uống đã trở thành các đặc sản địa phương như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tráng ba xe, lươn um lá cách, cá cháy Cầu Quan, tôm càng nấu lẩu chua cơm mẻ, chuột đồng khìa nước dừa, vọp chong nướng lụi, bánh ống, bánh canh Bến Có v.v…
Với nền văn hóa đa dạng, độc đáo và đậm đà bản hóa riêng, Trà Vinh đã tạo cho mình một nét đặc sắc riêng không thể trộn lẫn vào các nơi khác. Kiến trúc chùa cổ độc đáo trải khắp địa bàn tỉnh cùng những cảnh đẹp có một không hai, hoang sơ và đầy lôi cuốn của Trà Vinh khiến du khách không thể không đến đây một lầ đển thỏa mãn sự tò mò với vùng đất này. Nếu vẫn chưa thể tìm ra một địa điểm đề lưu lại kỷ niệm, tại sao không đến Trà Vinh.
Tác giả: Minh Nhựt
Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số tháng 7/2024
Nguồn: https://truyenthongphattrien.com.vn/wp-content/uploads/2024/08/Tap-chi-TTPT-so-thang-6-nam-2024.pdf