More
    HomeThư bạn đọcVài suy nghĩ về phản biện xã hội

    Vài suy nghĩ về phản biện xã hội

    Thuật ngữ “phản biện” và “phản biện xã hội” xuất hiện ngày càng nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và các phương tiện truyền thông đại chúng, tuy nhiên thế nào là phản biện và phản biện đúng thì vẫn được thảo luận của giới khoa học, trí thức các ngành khác nhau, từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật cho tới các ngành khoa học xã hội nhân văn. Bài viết dưới đây góp phần làm rõ thêm thuật ngữ, quan điểm tiếp cận xung quanh khái niệm khá “nhạy cảm” này.

    Về thuật ngữ phản biện xã hội

    Theo từ gốc Hán Việt, “phản” nghĩa là xét lại, ngược lại, đối nghịch lại còn “biện” mang hàm ý phân tích, biện luận. Thuật ngữ phản biện xưa nay được hiểu là quá trình tìm lý lẽ biện hộ, tranh luận ngược lại trong một quan điểm hay một vấn đề nào đó. Thuật ngữ phản biện gắn liền với quá trình tranh luận để góp phần hình thành tư duy, nhận thức khoa học, tìm kiếm chân lý.

    Ở Việt Nam, khái niệm “phản biện” trở thành một quy chuẩn xã hội được công nhận trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, nó trở thành chuẩn mực và thể chế hóa thông qua các hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn đánh giá các sản phẩm khoa học. Người phản biện được hiểu là thành viên nắm chức danh quan trọng của một hội đồng khoa học, chuyên môn có vai trò quan trọng trong việc nhận xét, đánh giá, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế về một công trình nghiên cứu. Chúng ta không dùng thuật ngữ “người nhận xét” như trong tiếng Anh “reviewer” mà dùng thuật ngữ “người phản biện” để khẳng định vai trò và nhiệm vụ của nhà khoa học khi phải có quan điểm trái ngược, tìm ra những lỗ hổng, thiếu sót của một công trình nghiên cứu, từ đó góp ý cho tác giả chỉnh sửa và nâng cấp công trình của mình đạt chất lượng hơn.

    So với thuật ngữ “phản biện” được xác định trong phạm vi rộng lớn của tư duy và thực tiễn thì “phản biện xã hội” là một thuật ngữ có phạm vi hẹp hơn, gắn liền với các hoạt động thể hiện tư duy phản biện của con người đối với mô hình tổ chức xã hội và các vấn đề xã hội được xác định trong phạm vi không gian và thời gian cụ thể. Vì xã hội được hiểu theo khía cạnh vĩ mô ở góc độ chính trị, chính sách và thể chế, quy định các mối quan hệ xã hội thông qua hệ thống các chuẩn mực, giá trị, nên thuật ngữ phản biện xã hội cũng thường được gắn với việc ban hành, thực thi các chính sách trong quản lý xã hội nhiều hơn các lĩnh vực khác.

    Ở phương Tây, thuật ngữ phản biện xã hội được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh là “Social criticism” (dịch sát nghĩa tiếng Việt là phê phán, phê bình xã hội).  Ở Việt Nam thì vẫn có sự tranh luận xung quanh việc sử dụng thuật ngữ “phản biện xã hội” khi đối chứng với ngôn ngữ tiếng Anh. Một số nhà khoa học Việt Nam cho rằng cần phải dịch chính xác từ “phản biện xã hội” là “social counter argument” theo cách ghép từ ngữ thông thường. Trong một số trường hợp “phản biện xã hội” không có nghĩa bài xích, phê phán nên cũng có người dịch nhẹ nhàng là “social judgment” (Phán đoán, đánh giá xã hội).

     Tuy nhiên để cả 3 thuật ngữ  “social criticism”, “social counter argument”, “social judgment” đều không sát nghĩa với từ phản biện xã hội mà Việt Nam đang sử dụng trong các văn bản của nhà nước và trong tư duy phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác. Thuật ngữ “social criticism” có lâu đời ở phương Tây, được sử dụng rộng rãi trong các trường phái lý thuyết về phê phán hiện trạng xã hội. Biểu hiện của chủ nghĩa phê phán còn nằm trong các trào lưu văn học, nghệ thuật mang tính trào phúng khi phản ánh các vấn đề mặt trái của xã hội. Bên cạnh đó  “social judgment” lại là một trong những trường phái lý thuyết liên quan đến tâm lý học xã hội nghiên cứu về khả năng phán đoán của con người với các hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ với các thông điệp truyền thông. Thuật ngữ “social counter argument” là tương đối sát nghĩa song không được sử dụng trong phổ biến trong luận giải của các ngành khoa học ở phương Tây.

    Từ sự chưa thống nhất trong cách hiểu và dùng thuật ngữ phản biện xã hội theo ngôn ngữ quốc tế, nên sử dụng thuật ngữ “phản biện”, chúng ta cần phải xác lập căn cứ khoa học cần thiết cho khái niệm này để tránh bị hiểu sai từ nội hàm khái niệm cho tới với mục đích, ý nghĩa sử dụng.

    Có hai cách hiểu về phản biện xã hội khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Các hiểu thứ nhất, phản biện xã hội là sử dụng các tri thức khoa học, phản biện các vấn đề xã hội trong đó có các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quá trình triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các chương trình, dự án do nhà nước, bộ, ngành, địa phương đang triển khai thu hút sự quan tâm của dư luận. Cách hiểu thứ hai là sự phản biện mang “tính xã hội” về một vấn đề đang diễn ra trong xã hội được sự quan tâm của dư luận. “Tính xã hội” ở đây được hiểu là tiếng nói đa chiều trong sự phản biện đại diện cho các nhóm và các tầng lớp xã hội.

    Nhìn chung cả hai quan điểm đều khẳng định sự phản biện xã hội là xác lập cơ chế biện luận khoa học (thậm chí trái chiều) với những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án và các vấn đề xã hội đang diễn ra. Tuy nhiên trong cách hiểu thứ nhất thì vai trò của phản biện xã hội mang tính thẩm định, chỉ ra những lỗ hổng đồng thời đưa ra những giải pháp mang tính xây dựng. Còn trong cách hiểu thứ hai, phản biện mang tính tự do, dân chủ thiên về sự chê bai, phê phán mà trong đó không phải quan điểm nào cũng mang tính chất xây dựng, khách quan.

    Để xác định rõ nội hàm khái niệm phản biện xã hội không gây ra sự nhầm lẫn, cần tiếp cận phản biện xã hội trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin trong đó phản biện xã hội là sự phản ánh của nhận thức chân lý xã hội xuất phát từ các lực lượng xã hội tiến bộ. Khi coi phản biện xã hội là một hiện tượng của đời sống xã hội, là hoạt động phản ánh tư duy, quá trình nhận thức của những con người trong xã hội vì vậy phản biện xã hội không thể không tuân theo các quy luật cơ bản của sự phát triển. Xét trong giới hạn của tổ chức xã hội, phản biện xã hội có ý nghĩa tích cực, thể hiện rõ nhất sự cân bằng của “sự thống nhất”“đấu tranh” giữa các mặt đối lập của xã hội, trực tiếp là giữa Nhà nước (chủ thể quản lý) với xã hội (đối tượng quản lý). Phản biện xã hội là sự biện luận để làm rõ đúng – sai của các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, phản biện xã hội hướng đến đảm bảo sự tồn tại của chế độ xã hội với “sự đấu tranh và thống nhất của các mặt đối lập” trong sự tự phát triển của các quy luật vận động xã hội. 

    Trên thực tế các vấn đề thực tiễn luôn biến đổi nhanh và hệ thống pháp luật hay thể chế xã hội vẫn luôn được nhà nước điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Phản biện xã hội được hiểu là các nhân tố thúc đẩy và tạo ra giá trị tích cực cho sự điều chỉnh ấy. Thực tế ở Việt Nam mỗi lẫn điều chỉnh pháp luật đều mang lại những giá trị tích cực và tiến bộ trong thực tiễn, quá trình điều chỉnh luật luôn xuất phát từ các hoạt động phản biện xã hội.

    Khi phản biện xã hội trở thành một hoạt động xã hội, thì phản biện cũng vượt ra ngoài ranh giới của khoa học nó trở thành khái niệm của các tầng lớp nhân dân.

    Ở nước ta, với mệnh đề nhà nước của dân, do dân và vì dân thì hoạt động phản biện xã hội phải được hiểu là hoạt động thông qua chủ thể là nhân dân. Với tư cách là người người chủ xã hội, nhân dân có quyền giám sát đối với mọi hoạt động của Nhà nước và phản biện xã hội, chính là công cụ để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các cơ quan quản lý.

    Bên cạnh đó với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước, nhân dân có quyền bảo vệ những lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trước những chủ trương, chính sách, đề án của Nhà nước mà họ cảm thấy cần phải có ý kiến phản biện, đóng góp, xây dựng các chủ trương, chính sách, đề án đó tốt lên.

    Như vậy, thuật ngữ phản biện xã hội có thể hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng là sự tham gia của các tầng lớp xã hội trong việc đưa ra ý kiến tranh luận (có cơ sở khoa học và bằng chứng) về một vấn đề trong xã hội nào đó, buộc nhà nước phải xem xét và đứng ra giải quyết. Theo nghĩa hẹp, là sự tham gia của các tầng lớp xã hội (trọng tâm là giới khoa học, trí thức) trong việc tranh luận, góp ý cho các chủ trương, chính sách nhà nước, các chương trình, dự án phát triển của trung ương và địa phương. 

    Chức năng và nhiệm vụ của phản biện xã hội

    Đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện chính sách, chương trình, dự án phát triển

    Thực tế quá trình xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, chính sách xã hội, các hoạt động xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội đều có những sự tác động sâu rộng đến toàn bộ xã hội trước mắt và lâu dài, ảnh hướng trực tiếp đến lợi ích của các nhóm và cộng đồng xã hội. Phản biện xã hội tích cực có chức năng đưa ra các lập luận và bằng chứng khoa học, tìm ra lỗ hổng, các vấn đề mà các nhà quản lý chưa tính đến để phê phán, tranh luận, góp ý giúp cho các cơ quan ban hành chính sách, pháp luật tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản chính sách, kế hoạch triển khai chương trình, dự án trong thực tiễn.

    Chức năng của phản biện xã hội thể hiện trong những quan điểm, lý lẽ phản biện, mang tính trung thực, khách quan và khoa học trên tinh thần xây dựng, đóng góp chứ không phải phủ nhận, xóa bỏ, đưa ra những cái nhìn định kiến, gây chia rẽ xã hội hay lợi dụng phản biện xã hội để làm ảnh hưởng tiêu cực, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

    Việc hiện chức năng phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách, chương trình, dự án có thể được tổ chức một cách công khai, bài bản, do các cơ quan khoa học, các nhóm các nhà khoa học thực hiện, thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, diễn đàn, gửi các văn bản, kiến nghị đến cơ quan hoạch định chính sách. Phản biện các chủ trương, chính sách cũng là quá trình thực hiện công phu, nghiêm túc trải qua nhiều giai đoạn từ khâu chuẩn bị, nghiên cứu ban hành chính sách cho đến việc triển khai chính sách trên thực tiễn.

    Điều hòa lợi ích các nhóm xã hội, tạo ra đồng thuận xã hội

    Thục tế quá tình hoạch định chính sách thường gặp phải những vấn đề xung đột lợi ích, do quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách, chương trình phát triển kinh tế- xã hội không thể tính đến hết lợi ích của các nhóm nhỏ trong xã hội. Trong quá trình thực hiện chính sách hay các chương trình, dự án có nguy cơ gây ra những mâu thuẫn về quyền lợi, dẫn đến những sự phản ứng, thậm chí là hành vi chống đối của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi (Như trong những vấn đề đền bù đất đai, giải tỏa mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình của nhà nước).

    Phản biện xã hội góp phần đưa ra những cái nhìn đa nhiều, từ nhiều góc độ khác nhau, phản ánh được nhiều mặt về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người trong cuộc. Quá trình phản biện xã hội cũng là quá trình đối thoại đi tìm tiếng nói chung giữa các nhóm lợi ích trong đó có lợi ích của nhà nước, chủ thể quản lý xã hội. Khi một xã hội trở nên đồng thuận, vai trò quản lý của nhà nước được củng cố bằng năng lực và uy tín, bản thân xã hội cũng tự tạo cho mình những tiền đề phát triển mới. Vì đồng thuận xã hội là điều kiện cần để phát triển các nguồn vốn cộng đồng, mở rộng mạng lưới xã hội mà ở đó, các thành viên dễ dàng tương tác với nhau nhờ cùng chia sẻ những niềm tin và giá trị chung.

    Nâng cao quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ.

    Các hoạt động phản biện xã hội sẽ khuyến khích tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân về các vấn đề xã hội qua đó đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân trong việc đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý. Với một xã hội thông tin ngày càng mở rộng, dân trí ngày càng được nâng cao, hoạt động phản biện xã hội sẽ có chất lượng và hiệu quả hơn. Mặt khác nó cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân với các vấn đề xây dựng chính sách và phát triển các địa phương và đất nước nói chung.

    Cùng với các hoạt động phản biện xã hội, người dân sẽ được tiếp cận và hiểu biết hơn về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, họ cũng ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với cộng đồng và với quốc gia, dân tộc.

    Ngoài những chức năng chính, hoạc động phản biện xã hội cũng có các chức năng giáo dục, chức năng tư tưởng, chức năng truyền thông định hướng dư luận, nâng cao dân trí nói chung và nhận thức của các nhóm xã hội nói riêng trong các vấn đề chịu sự tác động của hoạt động phản biện.

    Các điều kiện thúc đẩy phản biện xã hội

    Cơ chế tiếp thu các hoạt động phản biện

    Trong các mô hình xã hội phong kiến từ xưa ở Việt Nam đã có xác lập của nhà nước với cơ chế phản biện xã hội. Triều đình thì đặt chức gián quan để can ngăn vua và chức này thường tuyển chọn từ những vị quan đầy đủ tài, đức và ngay thẳng. Trong lịch sử cũng không hiếm các trường hợp các vị quan viên luôn thể hiện những hành động phản biện tại triều đình. Ngay cả khi về hưu, cáo lão điền viên thì vẫn có trường hợp dâng sớ “phản biện” lên triều đình, như trường hợp bài “thất trảm sớ” của cụ Chu Văn An. Dù Nho giáo đề cao đạo trung quân nhưng không vì thế mà khoogn cho phép phản biện trong xã hội. Chính Khổng Tử trong Luận Ngữ từng chỉ rõ “ai chê ta chính là thầy ta”, cho thấy các việc phản biện xã hội trong lịch sử không phải hiếm gặp.

    Trong xã hội hiện đại và môi trường thông tin mở, các giá trị dân chủ, công bằng được đề cao thì đã có rất nhiều loại hình phản biện xã hội được hình thành, được phát triển, được nhà nước khuyến khích. Hiện nay quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam phải lấy ý kiến bộ ngành và nhân dân trong các lần dự thảo đã được coi là một nhiệm vụ bắt buộc và hoạt động tiếp nhận ý kiến phản biện xã hội là khá hiệu quả, góp phần hoàn thiện các chính sách hợp lòng dân.

    Nhiều chương trình, dự án hiện nay cũng được công khai đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp cho nhân dân dễ tiếp cận thông tin, qua đó cũng có những ý kiến bàn luận, phản hồi đến các cơ quan quản lý. Gần đây có những vụ việc nóng, bức xúc trong xã hội được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và đã được thủ tướng, người đứng đầu chính phủ tiếp thu và có hình thức chỉ đạo, xử lý kịp thời.

    Việc xây dựng cơ chế tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội là đặc biệt quan trọng với từng bộ, ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan quản lý. Tuy nhiên không phải ý kiến phản biện nào cũng được các nhà quản lý lắng nghe, tiếp nhận và sửa đổi. Việc phải xử lý vượt cấp, hoặc tình trạng chồng chéo, lúng túng trong việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản biện xã hội giữa các cơ quan quan lý hành chính vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

    Trong thời gian tới để tăng cường các ý kiến phản biện xã hội có chất lượng, cần xây dựng những cơ chế tiếp nhận và tiếp thu ý kiến phản biện một cách hiệu quả hơn, như xác lập các hòm thư tiếp nhận yế kiến phản biện, các cơ quan quản lý chủ động tổ chức các hoạt động, các diễn đàn tiếp thu ý kiến phản biện xã hội một cách trực tiếp. Quá trình tiếp nhận ý kiến phản biện cần được phân loại, đánh giá một cách khách quan, chính xác, trên tinh thần cầu thị khoa học. 

    Phát triển mạng lưới thông tin, truyền thông tích cực

    Một trong những điểm quan trọng để thúc đẩy các hoạt động phản biện xã hội là môi trường thông tin, truyền thông. Không thể có đầy đủ các căn cứ khoa học để thực hiện các hoạt động phản biện xã hội nếu thiếu nền tảng lý luận, bằng chứng thực tiễn, hệ thống thông tin đa chiều, luôn cập nhật từ các góc độ khác nhau. Những giải pháp, khuyến nghị được đề xuất trong các hoạt động phản biện xã hội dựa trên quá trình thua thập và xử lý thông tin có những sự phân tích, so sách cần thiết về không gian, thời gian xoay quanh trục của vấn đề cần phản biện.

    Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ và thông tin đặc biệt quá trình luôn đổi mới phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng internet đã và đang là môi trường thuận lợi về nguồn dữ liệu cung cấp cho các hoạt động phản biện xã hội. Mặc dù internet đang trở nên phổ cập hóa trong đời sống xã hội và người dân Việt Nam, tuy nhiên quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu và kiểm soát thông tin trên inernet vẫn còn khá hạn chế và khiêm tốn. Chúng ta vẫn chưa có được hệ số hóa tri thức Việt bao gồm tất cả các ngành nghề, lĩnh vực được quy hoạch khai thác và sử dụng tương ứng với trình độ phát triển của xã hội. Việc kiểm soát các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả để quản lý hệ thống thông tin, truyền thông quốc gia.

    Những năm gần đây các vấn đề về truyền thông đa phương tiện, truyền thông đã chiều, các mơi quan hệ giữa chính trị, kinh tế, văn hóa với truyền thông, hội tụ truyền thông vẫn còn khá mới mẻ với Việt Nam, tồn tại cả những mặt tích cực và tiêu cực, cần có những định hướng trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược truyền thông quốc gia ngắn hạn và dài hạn, vĩ mô và cụ thể để phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu theo hướng tích cực, lành mạnh, đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ về thông tin đáp ứng các yêu cầu về phản biện khoa học và phản biện xã hội.

    Vai trò và trách nhiệm của giới trí thức

    Ngày nay, khái niệm trí thức được mở rộng với hàng loạt những đặc trưng về năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động, mối quan tâm, các giá trị đạo đức và văn hóa, dưới tác động của các điều kiện chủ quan và khách quan khác. Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta khẳng định: “Trí  thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất  định, có năng lực tư  duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.

    Có thể nhận thấy, hầu hết các quan điểm và định nghĩa đều phản ánh trí thức là tầng lớp tinh hoa tầng lớp ưu tú của xã hội và làm nhóm đầu tầu cho các hoạt động phản biện xã hội. Mục đích của các hoạt động phản biện xã hội là sử dụng công cụ tư duy khoa học, lý luận và thực tiễn tìm hướng đi đúng đắn cho việc xây dựng điều chỉnh chính sách nên nó gắn bó chặt chẽ với vai trò và trách nhiệm của người trí thức trong các hoạt động thực tiễn bao gồm: 

    Thứ nhất, trí thức là nhóm người lao động trí óc, có hiểu biết sâu về một lĩnh vực chuyên môn, được hình thành qua đào tạo, bồi dưỡng và phát triển, thông thường có trình độ đại học trở lên, có năng lực sáng tạo, nhạy bén cái mới, luôn trau dồi kiến thức, đổi mới và tự hoàn thiện năng lực trí tuệ.

    Thứ hai, trí thức đại diện cho giá trị học vấn, trí tuệ, văn hóa của xã hội, có đời sống tinh thần phong phú, luôn hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, khát vọng xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

    Thứ ba, vai trò và hoạt động của trí thức không thể tách rời trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, không ngừng lao động, sáng tạo, truyền bá, phổ biến kiến thức, áp dụng vào thực tiễn cải tạo xã hội.

    Thứ tư, vai trò của trí thức không chỉ thúc đẩy vai trò phát triển của tri thức khoa học, nhận thức chân lý, mà hoạt động của giới trí thức còn góp phần sáng tạo, gìn giữ các giá trị của đạo đức xã hội.

    Ngày nay với yêu cầu trí thức hóa các nhóm trí thức, đội ngũ trí thức ở Việt Nam đã có ở tất cả các giai tầng, lĩnh vực hoạt động của xã hội. Về quản lý, nhiều trí thức đã trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các bộ ngành với học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Hiện nay hầu hết các cán bộ đang làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đều phải có trình độ từ cử nhân trở lên. Trí thức cũng đã xuất hiện khá đông đảo trong các nhóm công nhân, nông dân, doanh nhân và khảng định vai trò đầu tầu của mình trong định hướng phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam. 

    Để làm tốt, phát huy vai trò trí thức, các chính sách từ vĩ mô đến vi mô, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đang quản lý đội ngũ trí thức cần chú trọng, triển khai các nội dung đoàn kết, tập hợp, vận động trí thức sau:

    – Tuyên truyền sâu rộng và thực thi các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trí thức và công tác vận động trí thức, khắc phục các quan điểm chưa đúng, định kiến và thái độ hẹp hòi với trí thức, cũng như những đánh giá chưa đúng, khách quan về vai trò của trí thức với sự phát triển của cơ quan, tổ chức và xã hội.

    – Nghiên cứu, ban hành các văn bản thúc đẩy, thực hiện quyền tự do tư tưởng, phát huy lao động sáng tạo, sử dụng chất xám của trí thức, khuyến khích học thuật, quá trình tìm tòi chân lý khoa học trong các lĩnh vực, khuyến khích tranh luận trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng trong giới trí thức. Khuyến khích trí thức nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn. Tạo điều kiện cho trí thức hội nhập, giao lưu quốc tế. Xây dựng các diễn đàn trí thức để đem tiếng nói của trí thức đóng góp ý kiến phản biện vào công tác hoạch định chính sách, tham mưu giải quyết các vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

    – Tăng cường giáo dục, truyền thông nâng cao giá trị người trí thức, giúp trí thức nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội, giữ gìn sự ổn định xã hội, đoàn kết với các nhóm, giai tầng xã hội khác.

      – Tăng cường các điều kiện về việc làm, phương tiện làm việc cho trí thức một cách xứng đáng và phù hợp, sử dụng trí thức theo tiêu chuẩn : đức- tài- cống hiến, tăng cường các hoạt động nêu gương, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng với trí thức.

    TS Đặng Vũ Cảnh Linh/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 11 tháng 11/2023

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img