Nói đến kỷ nguyên thông minh – kỷ nguyên của thời đại công nghệ bùng nổ trên mọi lĩnh vực. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Việt Nam chúng ta có nhiều nền tảng để tự tin bước vào thời kỳ này.
Thế nào là kỷ nguyên thông minh? Có nhiều khái niệm, nhưng có lẽ về cơ bản kỷ nguyên thông minh làmột xã hội lấy con người làm trung tâm, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để phục vụ cho nhu cầu của con người, tiến tới một xã hội hài hòa, tốt đẹp, an toàn và tiện nghi cao nhất cho con người, hỗ trợ cho con người phát triển một cách toàn diện nhất và không một ai bị bỏ lại phía sau...
Vậy Việt Nam chúng ta bước vào kỷ nguyên thông minh như thế nào ? Theo tôi, chúng ta tự tin bước vào. Chúng ta đã từng trải qua bốn thời đại công nghiệp bao gồm: 1.0, 2.0, 3.0 và 4.0. Chúng ta đã vươn mình từ một nền kinh tế kém phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế thế giời. Từ công nghiệp lạc hậu, nay chúng ta đang sử dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào ứng dụng cuộc sống hàng ngày, trong sản xuất.
Giống như những gì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói vào ngày 7/10/2024 về chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh – Tầm nhìn cho thế hệ trẻ” tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là để bước vào kỷ nguyên thông minh, trước hết chúng ta phải tự tin, bản lĩnh và chúng ta có cơ sở để tự tin, bản lĩnh để tham gia kỷ nguyên thông minh. Trên hết, kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm.
Nhìn chung, để bước vào kỷ nguyên thông minh, con người vẫn luôn là trung tâm để kỷ nguyên này phát triển. Việc con người thành thạo, giỏi, không ngừng tìm tỏi phát triển công nghệ chính là đóng góp cho sự phát triển của kỷ nguyên, thời đại và nền kinh tế số của Việt Nam.
Khoa học và dữ liệu lớn rất cần các chuyên gia, các nhà khoa học và dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên tính toán và chuyên gia về giải thuật toán để phát triển big data dựa trên phương pháp xử lý trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI…
Về định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nêu rõ, trước hết, chúng ta phải bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh vì có truyền thống lịch sử văn hoá hào hùng hơn 4.000 năm; phải có khát vọng vươn lên; phải hoàn thiện thể chế; phải có nguồn nhân lực; phải có hạ tầng để phát triển thông minh như hạ tầng số, điện, viễn thông. Theo Thủ tướng, nguồn lực đầu tư cũng từ tư duy, từ các cơ chế, chính sách; phải có chuyển giao công nghệ để phát triển thông minh; phải có quản trị thông minh để tạo ra xung lực, động lực mới.
Về các thách thức khi bước vào kỷ nguyên thông minh, thách thức thứ nhất là những sự bất định. Sự bất định về mặt tự nhiên, xã hội, chiến tranh, thảm họa, và dịch bệnh. Chúng ta cần phải có những giải pháp chủ động hơn, căn cơ hơn và những thay đổi thích ứng, phù hợp và kịp thời. Cùng với những thay đổi rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra 3 thách thức lớn với Việt Nam: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng.
Bên cạnh đó, cũng có những cơ hội với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, như cơ hội của người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các bạn sinh viên, thanh niên; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược.
Có rất nhiều cơ hội để phát triển, từ nhà nước, doanh nghiệp đến từng cá nhân. Trước hết, Việt Nam chúng ta đang nằm trong top 3 quốc gia có cái hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử, fintech, healthtech, edutech. Chúng ta thuộc top 10 dân số có sử dụng smartphone và 63% dân số có sử dụng smartphone để tương tác trên thị trường mạng. Từ các nhu cầu thiết thực bình thường nhất cho đến làm việc trực tiếp trên thiết bị, hoặc giao dịch mua bán trên không gian mạng. Đó là những điều kiện hạ tầng và kết nối rất cần thiết cho việc thúc đẩy nền kinh tế số, đồng thời thúc đẩy xây dựng một xã hội phát triển vào kỷ nguyên thông minh.
Chúng ta cần hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, huy động tài chính, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị trong kỷ nguyên thông minh.
Cùng với đó, lựa chọn những lĩnh vực, những công đoạn mà Việt Nam có lợi thế nhất trong chuỗi cung ứng, sản xuất của kỷ nguyên thông minh, phát huy hết sở trường của con người Việt Nam, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam trong bối cảnh thế giới.
Hữu Rin/ Ban PV – Chuyên đề