More
    HomeThư bạn đọcCây tre biểu tượng độc đáo cho ý chí người Việt

    Cây tre biểu tượng độc đáo cho ý chí người Việt

    Ở Việt Nam, thật khó có loại cây nào sánh được với cây tre cả ý nghĩa vật chất lẫn ý nghĩa văn hóa. Bụi tre xanh đan kết vào nhau đặc trưng cho sự liên kết và thống nhất của cộng đồng. Sự cứng rắn nhưng đầy uyển chuyển và dẻo dai của cây tre biểu tỏ ý chí kiên cường nhưng linh hoạt của người Việt trước mọi phong ba, bão tố của cuộc đời. Nói tới ý chí dẻo dai của người Việt Nam, các nhà nghiên cứu xưa nay vẫn ví nó với sức sống của cây tre xanh.

    Phải chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt đã là sự thử thách ghê gớm, song người Việt Nam còn phải đối phó với những tai họa thù trong giặc ngoài. Một mặt lịch sử Việt Nam là lịch sử phân tranh lãnh thổ, mặt khác là cửa ngõ của sự giao lưu kinh tế và văn hóa Bắc, Nam Đông – Tây, với một tài nguyên thiên nhiên vừa màu mỡ, vừa phong phú. Việt Nam đã trở thành miếng mồi cho tham vọng bành trướng của những đế quốc lớn.

    Trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay khó có thể tìm thấy một triều đại nào mà dân tộc Việt Nam được hoàn toàn sống trong hòa bình và yên ổn. Cho nên, chính người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng phải thốt lên những lời sau đây khi nói đến kẻ thù xâm lược :

    “Tát cạn hết nước Đông Hải không đủ rửa sạch tanh nhơ

    Chặt hết trúc Nam Sơn cũng không đủ ghi tội ác”

    (Bình Ngô đại cáo)

    Nhìn vào những hoàn cảnh thực tế của lịch sử, những cuộc chiến đấu với quân thù cũng như công cuộc lao động sản xuất chinh phục thiên nhiên của người Việt Nam chúng ta có thể thấy đó là cả một quá trình lâu dài đầy gian nan khổ ải, nếm mật, nằm gai, đầy mồ hôi, xương máu và sự hy sinh. Lịch sử Việt Nam là lịch sử oanh liệt chiến công đồng thời cũng là lịch sử đầy những trang uất hận, máu và nước mắt.

    Sự hào hùng và sự bi ai chen lẫn vào nhau đổ xuống vai người Việt Nam từ thế hệ này tới thế hệ khác. Chính lịch sử đó đã làm xuất hiện những nhân vật mẫu mực của ý chí bền bỉ kiên cường lòng dũng cảm quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, đưa dân tộc đến chiến thắng cuối cùng của công cuộc dựng nước và giữ nước như : Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Công Uẩn , Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh…

    Để có thể tồn tại người Việt Nam phải có một nghị lực phi thường, một ý chí phấn đấu bền bỉ và một lòng quyết tâm cao độ để đạt bằng được mục đích cuộc sống cao đẹp của mình. Từ năm này qua năm khác, từ đời này đến đời khác, quá trình sống, lao động, chiến đấu trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và bi thương, cũng trở thành quá trình rèn luyện ý chí liên tục và không bao giờ đứt đoạn. Ý chí phấn đấu dẻo dai và bền bỉ trở thành một phẩm chất không thay đổi ở người Việt Nam, phẩm chất mà nhờ đó người Việt mới có thể tồn tại được.

    Biểu hiện đầu tiên của ý chí người Việt Nam là sự chịu đựng khó khăn gian khổ nhẫn nại trong cuộc sống. Đứng trước đền thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương, cảm xúc trước ý chí mãnh liệt của người Việt, thi hào Cao Bá Quát đã thốt lên một câu đối nổi tiếng :

    “Phá tặc đảm hiềm, tam tuế vãn

    Đẳng vân do hận cửu thiên đê ”.

    Mang ý nghĩa là: Đối với một dân tộc có chí khí thì ba tuổi đã đánh giặc thì không phải là trẻ và khi cất cánh bay lên thì chín tầng mây vẫn còn là thấp. Để có ngày bay được đến chín tầng mây, người Việt Nam đã phải rèn luyện một chí khí thật kiên cường, phải chịu đựng, nhẫn nại, tích góp, cần cù lao động với một sức bền bỉ phi thường. Đó là bản tính về ý chí của con rồng – một con vật là hiện thân của những phẩm chất đẹp và mạnh, biểu trưng cho tổ tiên người Việt.

    Khi con người Việt Nam sinh ra, lớn lên biết cầm cái cày, cái cuốc, gắn mình vào quá trình lao động, thì họ cũng bắt đầu cảm nhận được một cách đầy đủ về sự chịu đựng. Đối với người Việt sự chịu đựng có nghĩa là cuộc sống, chịu đựng là thói quen, là lẽ thường tình tới mức dường như là tự nhiên, là tất yếu vậy. Sự chịu đựng ở việc dễ thích nghi với hoàn cảnh hiện tại dù hoàn cảnh đó có thế nào đi chăng nữa. Điều đó có thể giải thích tại sao ở những vùng miền Trung đất xấu, chỉ có gió Lào, cát trắng, “chó ăn đá, gà ăn sỏi ” mà những người lao động vẫn có thể chịu đựng được quanh năm từ thế hệ này qua thế hệ khác, bám đất, bám làng sinh sống, không hề kêu ca phàn nàn, oán trách.

    Chính cuộc sống nghèo nàn thiếu thốn cùng với những khó khăn chồng chất từ mọi phía đã là môi trường để mọi người rèn luyện sự nhẫn nại. Cùng với sự phát triển của thời gian và lịch sử khả năng chịu đựng của người Việt cũng tăng dần lên và dần dần làm hình thành một ý thức tự giác về sự chịu đựng. Cha ông chúng ta đã nói rằng :

    “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng

    Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”

    Mặc dù thản nhiên đón nhận khó khăn gian khổ chịu đựng khó khăn gian khổ mà vẫn lạc quan yêu đời nhưng sự chịu đựng, sự nhẫn nại của người Việt không phải là sự phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh, vào các yếu tố khách quan bên ngoài rồi mặc cho nó đưa đẩy đến đâu thì đến. Người Việt Nam không chịu đựng một cách mù quáng. Trái lại, trong lúc sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ họ biết rõ điều đó là mục đích, là sẽ đem lại được kết quả. Chính điều đó đã được lịch sử chứng minh. Chỉ bằng cách đơn giản và nhẫn nại là mỗi ngày ném một cục đất vào cây cột đồng Mã Viện, mà cũng đến cái ngày lời nguyền tàn ác “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt ” của kẻ thù xâm lược cũng bị lấp hẳn và không còn tìm thấy dấu vết nào nữa.

    Chính ở những nơi có điều kiện sống khó khăn khắc nghiệt nhất cũng là những nơi con người Việt Nam bộc lộ rõ nét nhất những phẩm chất đặc trưng của mình. Ý thức chịu đựng gian khổ đã trở nên một ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, sự quyết tâm vượt qua những khó khăn thử thách. Thực ra, không phải chỉ trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà ý chí kiên cường và lòng dũng cảm còn được thể hiện sâu hơn trong mưu cầu hạnh phúc đồng loại ở cuộc sống hàng ngày.

    Cuộc sống giành giật với thiên nhiên, với chính bản thân mình lại càng thể hiện bản lĩnh kiên cường, dũng cảm và cao quý của con người. Ở lĩnh vực này, sự thiếu thốn nghèo nàn mới là thử thách lớn lao. Đối với người dân Việt Nam, dường như lĩnh vực này là thế mạnh của họ. Ý chí bền bỉ, kiên cường, lòng dũng cảm quyết tâm vượt khó trở thành phẩm chất thường trực trong việc giải quyết những việc thường nhật. Hơn thế nữa cái khó khăn thử thách hiện tại nhiều khi còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, biến gánh nặng thành nguồn thơ ca bay bổng.

    Ngay cả khi chiến thắng quân thù giành được quyền tự chủ, các ông vua Việt Nam cũng vẫn khéo léo cho sứ sang Trung Quốc cống tượng vàng, xin nhận sắc phong. Điều đó cho thấy sự chịu đựng nhẫn nại của nhân dân ta là đến mức nào, cách đối ngoại đó của cha ông ta không phải là thể hiện sự sợ sệt kẻ thù, càng không phải là sự nhu nhược trước một nước to lớn. Trong trường hợp này người Việt đã hy sinh những điều nhỏ để đạt được mục đích lớn hơn là hòa bình và yên ổn cho đất nước. Sự chịu đựng vất vả khó nhọc ngay cả sự nhún nhường đối với kẻ chiến bại của người Việt không phải là sự hèn yếu, nhu nhược mà là để chờ những cơ hội, chờ những điều kiện thuận lợi để cải tạo cuộc sống của mình.

    Điều đó có ý nghĩa lớn lao hơn ở chỗ thể hiện tính độ lượng, lòng khoan dung đối với đồng loại, tinh thần yêu chuộng hòa bình giữa các dân tộc. Bên trong những ý nghĩa và hành động bao dung đó của cha ông ta là biểu lộ một tư tưởng cao cả, sâu xa: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo ”. Cái ý chí kiên cường, lòng dũng cảm quyết tâm giành thắng lợi của con người Việt Nam không phải dùng để đi gây chiến tranh mà để bảo vệ hòa bình bảo vệ tình hữu ái giữa con người với con người.

    “Không ai nắm tay từ sáng đến tối ”, “Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”. Suy nghĩ đó đã trở thành mục đích để người Việt phấn đấu, tôi rèn ý chí của mình. Nếu những khó khăn trong cuộc sống buộc người ta phải nhẫn nại lâu dài, thì cũng chính quá trình chịu đựng đó đã thúc đẩy người Việt sắp xếp hoạt động của mình một cách có chủ đích, có tìm tòi, sáng tạo để vươn lên chế ngự cuộc sống hiện tại. Khi chưa có những điều kiện thuận lợi để thay đổi, thì hàng ngày người ta vừa chịu dựng vừa học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm.

    Khi thời cơ đã đến, người ta tận dụng hết sức mình để làm cho bằng được. Dù khó khăn đến đâu, dù công việc phức tạp gian khổ đến nhường nào người Việt không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả những lúc khó khăn nhất người ta vẫn chiụ đựng và vượt qua được. Các cuộc kháng chiến gian khổ của người Việt để chống lại những kẻ thù to lớn nước ngoài đã khẳng định ý chí kiên cường của người Việt. Những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi của vua quan nhà Trần, sự nhẫn nhục khi tiếp sứ giả Nguyên Mông, những hy sinh vô bờ bến của nhân dân cho ngày chiến thắng là những bằng chứng cho một ý chí mà không phải bất kỳ dân tộc nào cũng có thể tôi luyện lên được.

    Hình ảnh cô Tấm trong truyện cổ tích là biểu trưng cho một sức sống mãnh liệt, sự nhẫn nại và bền bỉ của người Việt Nam. Cứ mỗi lần bị giết, cô Tấm lại biến thành một vật khác để cuối cùng sống lại lấy hoàng tử, được hưởng hạnh phúc. Ở các câu chuyện khác cũng vậy, những người muốn được hưởng hạnh phúc no ấm thì bao giờ cũng phải trải qua khó khăn cũng phải chịu đựng vất vả gian truân phải rèn luyện quyết tâm, mới đạt được kết quả cuối cùng.

    Tác nhân đó là những chuyện cổ tích nhưng thực chất đó là sự chắt lọc tinh hoa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Những tâm tư, tình cảm, ý chí của từng con người được hiện lên ở những chàng Thạch Sanh, cô Tấm đó. Chính cái lòng quyết tâm vượt khó đó đã làm người ta quên đi ngay chính bản thân mình, tận tuỵ hy sinh vì công việc. Những lúc đòi hỏi sự hy sinh cá nhân rất cao, nhiều khi là cả đến tính mạng của mình, để đạt được mục đích, để phục vụ lợi ích cộng đồng, người Việt không bao giờ từ chối. Chính những tấm gương hy sinh xả thân vì đại nghĩa đó đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam, làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam.

    Hàn Vũ Linh/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 14 tháng 4/2021

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img