Vở diễn lịch sử “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” do NSƯT Hoàng Duẩn đạo diễn đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu TP. HCM lần I năm 2024. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong làng sân khấu Việt Nam, đặc biệt là đối với sân khấu kịch Idecaf khi một lần nữa khẳng định sức hút của dòng kịch lịch sử và tài năng của các nghệ sĩ tham gia.

Một vụ án, ngàn nỗi lòng
Vụ án xử chém quốc trượng Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là một phép thử đối với lòng trung thành và trách nhiệm của Lê Văn Duyệt. Dù biết rõ hậu quả khôn lường khi đối đầu với thế lực của Huệ Phi, nhưng vì lẽ công bằng và vì dân, ông đã không ngần ngại trừng trị kẻ tham nhũng. Qua đó, hình ảnh một vị tướng cương trực, dám nghĩ dám làm, luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu đã được khắc họa rõ nét, làm sáng lên nhân cách của một người mà “với triều đình là trọng tội nhưng với dân, ông là thần”.

Đình Toàn đã hóa thân xuất sắc vào vai Lê Văn Duyệt, thể hiện được sự quyết đoán, cương trực và lòng yêu dân của nhân vật. Các diễn viên khác như Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Quang Thảo, Hoàng Trinh, Quốc Thịnh,… cũng đã có những màn trình diễn ấn tượng, góp phần tạo nên thành công chung của vở diễn. Với sự xuất sắc của mình trong diễn xuất, các diễn viên Đình Toàn, Đại Nghĩa đã nhận được Huy chương Vàng, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên nhận được Huy chương Bạc,… của Liên hoan. So với những vai diễn trước đây đã từng thể hiện hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt thì có thể nói Đình Toàn là phiên bản xuất sắc nhất. Toàn bộ trang phục cho các nhân vật đã được mang nguyên mẫu từ Huế vào để đo ni cho từng diễn viên, kể cả trang phục của dàn đồng ca và diễn viên múa.

Tôn vinh truyền thống, hướng tới tương lai
Đạo diễn Hoàng Duẩn đã khéo léo kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo nên một tác phẩm sân khấu độc đáo. Việc sử dụng linh hoạt các thủ pháp sân khấu, cùng âm nhạc đậm đặc chất Nam Bộ như hát bội, nhạc lễ, điệu lý, nói thơ Bạc Liêu và những ca khúc chủ đề cùng với những kỹ thuật sân khấu hiện đại đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm đa dạng và thú vị. Bên cạnh đó, sự đầu tư chỉn chu vào trang phục, đạo cụ, cảnh trí và âm nhạc đã góp phần tái hiện một cách chân thực không khí lịch sử của thời Nguyễn cho thấy một công trình trang nghiêm của sân khấu mà mỗi người nghệ sĩ phải thực sự hiểu và đam mê mới có thể hoàn thành tốt.
Một người yêu lịch sử và có niềm đam mê sâu sắc với nhân vật Tả quân Lê Văn Duyệt, đạo diễn Hoàng Duẩn đã để lại dấu ấn đậm nét trong mỗi tác phẩm của mình. Việc dàn dựng về Tả quân không chỉ là tái hiện lại một nhân vật lịch sử mà còn là cách để truyền tải những giá trị cao đẹp đến với khán giả. Qua mỗi vở diễn, đạo diễn Hoàng Duẩn đều muốn gửi gắm thông điệp về lòng yêu nước, sự trung thành và tài năng của vị tướng tài ba này.
Những đêm giật mình để hái được quả ngọt
Liên quan đến đề tài về cuộc đời của Tả Quân Lê Văn Duyệt, đây là lần thứ 2 đạo diễn Hoàng Duẩn nhận Huy chương Vàng, lần thứ nhất dành cho vở Cải lương “Án tử” đã xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 năm 2020 ở mục Chương trình sân khấu. Đây cũng là lần thứ 4 Hoàng Duẩn dựng và diễn vở về Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt trong đó có một lần trong vai trò diễn viên và trợ lý đạo diễn, đạo diễn khi đó là NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng năm 2009 trên sân khấu Nhà hát Kịch Thành Phố.

Ở bản dựng “Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” lần này, đạo diễn Hoàng Duẩn đã khéo léo tạo nên sự mới lạ, trẻ trung nhưng vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm gốc để thấy rằng đây không chỉ là một vở diễn sân khấu, mà còn là một thông điệp gửi gắm đến thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự trung thành và trách nhiệm. Vở diễn đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc và khích lệ thế hệ trẻ noi theo tấm gương sáng của các bậc tiền nhân.
Đây xứng đáng là một tác phẩm sân khấu xuất sắc, được ghi nhận như một món quà dành cho những người yêu thích lịch sử mà còn là một bài học quý báu về lòng yêu nước, sự trung thành và tài năng của người Việt Nam, cùng với đó là một minh chứng cho tấm lòng người dân Sài Gòn – Gia Định đối với vị khai quốc công thần để ngàn đời sau nhớ mãi ơn người.
Hoàng Duẩn cho biết “Tôi thực sự biết ơn tiền nhân, Đức ông Lê Văn Duyệt là người quê nội tại Mộ Đức-Quảng Ngãi nhưng sau lại có đến 2 lần làm tổng trấn Gia Định Thành, khi tôi dựng vở này cũng là vì niềm tự hào của người con xã quê lập nghiệp tại TP.HCM (Hoàng Duẩn quê Làng Sung Tích, Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi). Cám ơn ê kíp sáng tạo: Biên đạo múa Vĩnh Khương, Hoạ sĩ Lê Văn Định, nhạc sĩ: Cao Minh Thu, trợ lý đạo diễn: Ngô Minh Trọng, Nhà thiết kế trang phục Ngọc Tuấn – Trung Huỳnh và tất cả diễn viên, hậu đài,.. và nhất là ông bầu Huỳnh Anh Tuấn”.
Tác giả: Vũ Lê/Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số Xuân 2025