More
    HomeThư bạn đọcDi tích lịch sử in dấu các sự kiện cách mạng ở...

    Di tích lịch sử in dấu các sự kiện cách mạng ở Biên Hòa

    Thành phố Biên Hòa có rất nhiều di tích liên quan đến các sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là những địa điểm đứng chân, trú ẩn, hội họp, xuất phát các cuộc đấu tranh và giành thắng lợi của quân và dân Biên Hòa nói riêng, Đồng Nai nói chung. Xin giới thiệu một số di tích tiêu biểu.

    Bửu Hưng Tự                                          

    Chùa tọa lạc tại phường Quang Vinh là di tích cách mạng thuộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây vào tháng 6/1945 đã diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa nhằm đề ra phương hướng, kế hoạch, thành lập Ủy ban khởi nghĩa để tiến tới giành lấy chính quyền trong toàn tỉnh Đồng Nai.

    Bửu Hưng Tự

    Đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa. Chính vì ý nghĩa to lớn ấy, chùa Bửu Hưng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cách mạng và bảo vệ năm 1979. Qua đó nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau thấy và hiểu biết truyền thống cách mạng của cha anh mà cùng nhau đoàn kết góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Đồng Nai và tổ quốc Việt Nam ngày một giàu đẹp.

    Nhà Hội Bình Trước

    Đây là công trình kiến trúc được xây dựng năm 1936 do viên chủ tỉnh Biên Hòa người Pháp Bolen chủ trương. Nơi đây được dùng làm chỗ hội họp của hương chức, hội tề địa phương thời bấy giờ. Kiến trúc của di tích khá độc đáo, được xây dựng bởi những nghệ nhân về nghề xây dựng, gốm của Biên Hòa. Trong tổng thể của di tích, nổi bật lên những mang trang trí về nghệ thuật gốm, điêu khắc gỗ. Những bức phù điêu gốm với đề tài truyền thống xã hội Việt Nam được thực hiện công phu, sắc sảo. Những mảng kiến trúc gỗ được thể hiện sự tinh tế, chúng vừa thể hiện hiệu quả tính công năng sử dụng vừa làm tăng vẻ đẹp kiến trúc bởi nghệ thuật điêu khắc trang trí.

    Nhà hội Bình Trước

    Nơi đây đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung. Đó là vào tháng 10/1945, hội nghị đại biểu tỉnh Biên Hòa quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành chính quyền trong tỉnh. Hội nghị này có đại diện Xứ ủy là đồng chí Hà Huy Giáp dự, số đại biểu tham dự trên 50 đồng chí. Tại hội nghị, đồng chí Hà Huy Giáp giới thiệu một số đồng chí ở nhà tù Côn đảo vừa trở về tham gia trong Ban chấp hành Tỉnh ủy. Ngoài ra, hội nghị còn giới thiệu thêm nhiều đồng chí hoạt động tại địa phương bao gồm nhiều bộ phận hoạt động khác nhau trong thời kỳ tổ chức Đảng trong tỉnh chưa thống nhất.

    Hội nghị đề ra một số chủ trương và biện pháp như: Gấp rút xây dựng và củng cố chính quyền các cấp tỉnh, quận, xã. Tổ chức nhiều cuộc họp mặt với các nhà tư bản, công chức cũ, binh lính cũ động viên họ tham gia xây dựng cuộc sống mới… Với ý nghĩa và giá trị lịch sự tiêu biểu trên, Nhà Hội Bình trước đã được Bộ VHTT-TT xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991.

    Quảng Trường Sông Phố (Công trường Sông Phố)

    Di tích Quảng trường Sông Phố được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2307 ngày 30 tháng 12 năm 1991. Quảng trường Sông Phố (còn gọi là công trường Sông Phố) là khu vực giao lộ của hai tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30 Tháng 4. Người dân quen gọi Quảng trường Sông Phố với cái tên thân thương là Bùng binh trung tâm vì nó tọa lạc gần các công sở của tỉnh và từ đây có những ngã đường tỏa đến các địa điểm trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

    Sau khi đánh chiếm và bình định Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng nhiều công sở trên vùng đất này để phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Quảng trường Sông Phố được xây dựng cùng với kiến trúc của Tòa bố Biên Hòa, Dinh Tỉnh trưởng tạo nên một khung cảnh hài hòa giữa lòng thành phố có quy mô vừa phải bên sông Đồng Nai thơ mộng. Đài phun nước là một tác phẩm gốm do nghệ nhân gốm Biên Hòa sáng tạo. Những con cá trong thế rồng dựng dáng vươn nước trông đẹp mắt qua các tia nước được phun lên.

    Quảng trường Sông Phố

    Quảng trường Sông Phố đã đi vào lịch sử xứ Biên Hòa từ những ngày sôi động khi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền mùa thu năm 1945. Ngày 27/8/1945 nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Gần một vạn người từ các nơi kéo về đây tham dự. Trong không khí trào dâng của thắng lợi cách mạng, đồng chí Dương Bạch Mai – Cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ đại diện Mặt trận Việt Minh ở Nam Bộ diễn thuyết về đường lối cách mạng của Đảng, được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng chí Hoàng Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân và công bố Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa.

    Kết thúc cuộc mít tinh là lễ tuyên thệ. Hơn một vạn người thay mặt cho 15 vạn đồng bào trong tỉnh Biên Hòa giơ cao nắm tay tuyên thệ, sẵn sàng hy sinh tính mạng, tài sản, kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do cho tổ quốc. Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”. Cuộc mít tinh kết thúc, hàng vạn đồng bào tuần hành biểu dương lực lượng. Đoàn người cuồn cuộn lẫn trong cờ hoa, biểu ngữ thật hào hùng. Cả thị xã Biên Hòa như bừng tỉnh hồi sinh sau bao năm tháng bị kẻ thù kềm kẹp, thống trị.

    Quảng trường Sông Phố tồn tại trong lòng người dân Biên Hòa như một biểu tượng của sự chiến thắng, vẫn còn đâu đó khí thế hân hoan của mùa thu Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Một thế kỷ trôi qua với bao sự thay đổi. Đài phun nước (công trường Sông Phố) vẫn còn đó, góp phần tô điểm làm đẹp thành phố, là niềm tự hào của người dân Biên Hòa.

    Tác giả bài viết: Huỳnh Trương Thiện/ Phó Trưởng VPĐD TP.HCM

    Bài đã đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số tháng 6/2023

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img