More
    HomeThư bạn đọcKinh tế khó khăn, người lao động phân vân “về hay ở”...

    Kinh tế khó khăn, người lao động phân vân “về hay ở” khi ngày tết sắp cận kề

    Mặc dù chỉ còn vài tuần nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ, thế nhưng tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất, người lao động vẫn đang phân vân không biết “về hay ở”. Bởi năm nay kinh tế khó khăn, dù đã ăn uống tiết kiệm, hạn chế chi tiêu tối đa, chủ nhật còn nhận việc thời vụ để có thêm tiền nhưng đồng tiền dư ra để có thể về quê ăn tết vẫn không có …

    Lương, thưởng ít đã khiến nhiều người trĩu nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền, con cái học hành, đau ốm … không có lấy đồng tiền dư dả để dành để cuối năm có thể về quê đón tết.

    Dạo quanh các khu khu vực nhà ở, xóm trọ của công nhân khu chế xuất Linh Trung, khu công nghệ Cao, đây là một vài khu công  nghiệp lớn vào hàng nhất, nhì TP. Thủ Đức, nơi tập trung hàng nghìn công nhân các nhà máy, khu chế xuất. Chị Mai – công nhân trong khu chế xuất Linh Trung cho biết: “Quê chị ở Huế, năm nay vợ chồng chị cũng chưa biết có nên đưa 2 con về quê ăn tết hay ở lại Sài Gòn. Ở lại thì tội cho 2 con, hai vợ chồng cũng nhớ quê, nhớ người thân lắm, rất muốn về. Nhưng nếu về thì tiền vé xe, tiền tiêu tết, biếu hai bên nội ngoại, tính sơ sơ cũng phải tầm 20 triệu. Cả năm chỉ để dành được nhiêu đó, về một chuyến là hết luôn”.

    Còn với bà Tư –  lao công một bệnh viện trên địa bàn TP. Thủ Đức: “2 năm rồi cô chưa về quê nữa. Làm được bao nhiêu thì cô để dành phụ cho con trai và con dâu nuôi ăn học 2 đứa cháu nội. Năm nay nghe con trai nói sẽ về quê ăn tết, cô vui trong lòng. Nhưng khi nghe vợ chồng con trai tính toán chi phí cả nhà về quê, lại lo lắng khi tốn nhiều tiền quá. Cô cũng chưa biết thế nào, không biết có về quê ăn tết hay không ?”.

    Vợ chồng chị Nga chỉ đủ thu chi cho mức sống hiện tại với nghề buôn bán rau củ ở chợ, tết năm nay chị cũng đang đắn đo không biết nên về hay ở lại Sài Gòn

    Vào Sài Gòn làm nghề buôn bán rau củ được một năm, vợ chồng chị Nga phải từ dậy sớm đi lấy hàng, bày hàng ra chợ từ 7 giờ sáng đến 8 giờ đêm nhưng mức thu nhập cũng chỉ đủ vợ chồng chị chi tiêu và gửi về quê một ít phụ ba mẹ. “Quê chị ở Đầm Dơi, Cà Mau. Để về quê, chị phải bắt xe buýt ra bến xe, sau khi đi xe khách gần 1 ngày, chị phải đi thêm “vỏ lãi” thêm 30 phút mới về đến nhà. Nghỉ đến cảnh về quê nhiều chặng, lại không dư dả mấy để về quê nên chị đành viện cớ với gia đình là xưởng may nghỉ tết muộn nhưng làm lại sau tết sớm nên sẽ không về quê”, chị Nga tâm sự.

    Vợ chồng anh Chinh – làm nghề nhận may gia công tại nhà ở TP. Thủ Đức tâm sự: “Quê anh chị ở mãi Nghệ An, Ngoài quê giờ lạnh rồi, Về quê ăn tết là phải sắm sửa áo quần thường, rồi đồ len, áo khoác dày này nọ, rồi vé xe. Dù biết là phải chi tiêu nhiều nhưng thôi làm cả năm rồi, về quê cho con được thăm ông bà 2 bên, dù quà cho 2 bên bố mẹ anh chị chỉ biếu ít, áy náy lắm nhưng thôi cũng về, chứ đi cả năm trời ông bà ngóng gia đình con cái về hoài”.  

    Dù xác định về quê, nhưng chị Tâm vẫn buồn rầu chia sẻ: “Năm nay về quê ăn Tết, tất nhiên là cũng vui vì được về đoàn tụ với gia đình nhưng không có tiền, không có quà mang về nên cũng không mấy háo hức nữa. Cả năm đi làm đã không gửi về cho gia đình đồng nào, giờ lại về tay không”.

    Quê nhà xa xôi, anh Chinh cũng đưa gia đình về quê ăn tết nhưng vẫn còn e ngại vì chi phí về quê quá cao

    Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm. Tâm lý ai đi làm ăn xa cũng vậy. Cuối năm chỉ mong được về quê ăn tết. Dù cả năm đi làm vất vả, “chắt bóp” chi tiêu để có tiền về quê. Muốn về quê ăn Tết phải dành dụm từ đầu năm. Nhưng khi về quê, lại không có nhiều để biếu cha mẹ, cho em út, lì xì cháu chắt lại cũng là một nỗi “khổ tâm” ba ngày tết.

    Sau những lời trải lòng, gương mặt ai cũng thoáng buồn vì câu chuyện ngày về chưa thật trọn vẹn, chưa biết tính toán sao cho hợp lý. Quả thực, với những người lao động có mức thu nhập đủ sống, thì 3 ngày tết đến cũng rất áp lực.

    Về quê thì vui, nhưng tiền tàu xe, sắm sửa, biếu xén, quà cáp, … mỗi thứ một ít nhưng cộng lại lại là một khoản tiền lớn. Vì vậy, thay vì  háo hức về Tết thì hầu hết lại buồn thiu và lo lắng nhiều hơn cho những khoản chi sau tết. Tuy nhiên, năm mới Ất Tỵ sắp đến gần, ai cũng hy vọng năm sau sẽ đón một cái Tết ấm cúng và sum vầy hơn.

    Lê Hiệp/ Ban PV – Chuyên đề

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img