Hơn 30 năm hành nghề thành công bào chữa cho nhiều vụ án tiên phong, LS Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM – là một tấm gương sáng về đạo đức và nhiệt huyết, đặc biệt là công tác “gieo” kiến thức pháp luật đến các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách… trên địa bàn TPHCM và nhiều các tỉnh thành trên cả nước. Với LS Nguyễn Văn Hậu, việc làm này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đam mê…
Kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/2024), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với LS Nguyễn Văn Hậu. Cuộc gặp gỡ vội vàng của chúng tôi với vị “luật sư quốc dân” này được sắp xếp sau một ngày, anh cùng các đồng nghiệp vừa thực hiện xong chiến dịch “Luật sư tình nguyện năm 2024” tại 10 xã thuộc 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Đoàn Luật sư TPHCM để trợ giúp pháp lý cho người dân.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân lên hàng đầu, giúp người dân nắm luật, hiểu luật, từ đó ứng xử các tình huống trong cuộc sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật” – LS Nguyễn Văn Hậu, chia sẻ.
–Để đưa hoạt động của một Đoàn Luật sư lớn nhất cả nước đi vào hoạt động đúng quỹ đạo của nó không phải là chuyện đơn giản. Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về kết quả đạt được của hoạt động Đoàn Luật sư TPHCM trong thời gian qua?
LS Nguyễn Văn Hậu: Qua hơn 15 năm thi hành Luật Luật sư, Đoàn Luật sư TPHCM đã có bước phát triển đáng kể, một số kết quả đã đạt được có thể kể đến như sau:
Về số lượng luật sư: Số liệu tính đến ngày 31/05/2024 của Đoàn Luật sư Thành phố tại thời điểm báo cáo thống kê định kỳ 6 tháng năm 2024 là 7.820 luật sư.
Về chất lượng luật sư: Luật Luật sư đã chuẩn hóa tiêu chuẩn của luật sư là người có bằng cử nhân luật, nâng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 06 tháng lên 12 tháng, quy định chặt chẽ hơn về tập sự hành nghề luật sư, bổ sung quy định luật sư phải thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ; Chương trình đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề luật sư thường xuyên được cập nhật, đổi mới và nâng cao. Chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Đa phần các luật sư có phẩm chất đạo đức, tận tâm trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Một số luật sư được đào tạo ở nước ngoài, phổ biến là ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Về tổ chức hành nghề luật sư: Trong hơn 15 năm qua, Thành phố đã phát triển thêm gần 1.500 tổ chức hành nghề luật sư, đưa số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố từ 754 tổ chức hành nghề luật sư năm 2007 lên 2.212 tổ chức hành nghề luật sư năm 2024. Việc thành lập nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ pháp lý của luật sư.
Về hoạt động hành nghề luật sư: Với quy định mở rộng phạm vi hành nghề, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động tham gia tố tụng của luật sư, cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của luật sư, từ năm 2007 đến năm 2022, các luật sư đã tham gia 210.681 vụ, việc (trong đó có 27.963 vụ việc tố tụng, 268.998 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác, 31.517 vụ việc trợ giúp pháp lý).
Theo báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng thì từ năm 2007 đến năm 2022, số luật sư tham gia trong giai đoạn điều tra là 12.605/80.282 vụ án (đạt 15,7%); số luật sư tham gia trong giai đoạn truy tố là 9.182/80.282 vụ án (đạt 11,44%); số luật sư tham gia trong giai đoạn xét xử là 21.289/449.122 vụ án (đạt 4,74%), tập trung chủ yếu ở các vụ án hình sự (9.574 vụ); các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính (11.715 vụ). Trong giai đoạn tố tụng tại tòa án, tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng cao nhất ở giai đoạn xét xử phúc thẩm với 13.491/27.733 vụ án có luật sư tham gia (đạt 48,65%); giai đoạn xét xử sơ thẩm với 36.139/475.605 vụ án có luật sư tham gia (đạt 7,59%).
-Nghề Luật sư hiện nay đang phát sinh khá nhiều vấn đề trong lĩnh vực hành nghề, đặc biệt là vấn đề về quyền và nghĩa vụ của Luật sư, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức của Đoàn Luật sư TPHCM đối với hoạt động này?
LS Nguyễn Văn Hậu: Nghề luật sư, với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý và quyền lợi của công dân, đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Những vấn đề về quyền và nghĩa vụ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của luật sư là những vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức luật sư, trong đó có Đoàn Luật sư TPHCM.
Để đánh giá một cách khách quan về công tác tổ chức của Đoàn Luật sư TPHCM trong việc giải quyết những vấn đề này, cần xem xét một số yếu tố sau:
Những điểm mạnh có thể kể đến:Đoàn Luật sư TP.HCM thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để cập nhật kiến thức pháp luật mới, nâng cao kỹ năng hành nghề cho luật sư. Bên cạnh đó,Đoàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của luật sư khi gặp phải khó khăn trong quá trình hành nghề. Tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của nghề luật sư trong cộng đồng. Ngoài ra, Đoàn cũng chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của luật sư.
Những hạn chế và thách thức: Một số quy định của pháp luật về luật sư chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của luật sư. Mặc dù có nhiều chương trình đào tạo, nhưng chất lượng đào tạo giữa các trường luật và các trung tâm đào tạo còn chưa đồng đều. Một số ít luật sư chưa thực sự đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, dẫn đến mất lòng tin của xã hội. Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường luật sư ngày càng cạnh tranh, nhiều luật sư phải đối mặt với áp lực lớn về công việc, dẫn đến việc giảm sút chất lượng dịch vụ…
– Đoàn Luật sư TP.HCM vốn có truyền thống trong các phong trào hoạt động xã hội – từ thiện, trợ giúp pháp lý cho người dân, doanh nghiệp … Ông có thể giới thiệu thêm vài nét nỗi bật của các phong trào này trong 8 tháng vừa qua?
Hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư TPHCM, Đoàn Luật sư đã tổ chức chiến dịch Luật sư tình nguyện năm 2024 vào hai ngày 24/8/2024 và 25/8/2024 tại 10 xã thuộc 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Đoàn Luật sư đã huy động hơn 350 Luật sư, người tập sự hành nghề luật sư trực tiếp gặp gỡ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa để chia sẻ các khó khăn, thiếu thốn của bà con. Từ đó nhắc nhở luật sư không được quên trách nhiệm đối với cộng đồng, trong đó có bà con nghèo vùng sâu vùng xa. Đây là tính nhân văn của chiến dịch luật sư tình nguyện trong gần 20 năm qua của Đoàn luật sư TPHCM.
Ngoài việc mỗi luật sư phải tự túc kinh phí, có 179 Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, văn phòng Luật sư và công ty Luật đóng góp kinh phí tài trợ cho chiến dịch lên đến 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Với số tiền tài trợ cho chiến dịch cùng với nguồn kinh phí của Đoàn, chiến dịch đã mang 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) đến trao tận nay bà con. Đây là những phần quà thiết thực nhằm giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống hằng ngày.
Mỗi một địa phương mà Đoàn đến đều có một nhu cầu về tìm hiểu pháp luật khác nhau. Ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú với đặc điểm dân số hơn 82% là đồng bào Khmer nên vấn đề mà người dân quan tâm là pháp luật hôn nhân và gia đình và quy định về hộ tịch. Tại Bến Tre, Đoàn Luật sư đã tư vấn pháp luật cho người dân xã Long Thới và xã Hoà Nghĩa, tập trung vào 04 nhóm pháp luật: lừa đảo trực tuyến, Luật đất đai 2024, xây dựng, thừa kế và vay tài sản.
Còn tại Tiền Giang, Đoàn cũng tư vấn cho người dân xã Phú Cường và xã Mỹ Lợi B, với các chủ đề như thừa kế, hôn nhân gia đình, đất đai, cho vay nặng lãi, tội phạm vị thành niên và lừa đảo trực tuyến.
-Thời gian qua, Đoàn Luật Sư TPHCM ra nhiều quyết định xóa tên các luật sư không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí thành viên. Ông có thể giải thích thêm về việc này?
Việc Đoàn Luật sư TP.HCM tiến hành xóa tên các luật sư không hoàn thành nghĩa vụ đóng phí thành viên là một hoạt động thường niên, nhằm đảm bảo tính minh bạch và kỷ luật trong tổ chức. Việc kỷ luật xoá tên đã được quy định rõ ràng trong Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2022 và cũng là quy định chung của các Đoàn Luật sư trên cả nước, không chỉ riêng ở TP.HCM.
Việc đóng phí thành viên là nghĩa vụ của mỗi luật sư để duy trì hoạt động của Đoàn, hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi của luật sư và tham gia các hoạt động xã hội. Đoàn Luật sư sẽ có những thông báo nhắc nhở các luật sư về việc đóng phí thành viên. Đối với những luật sư không thực hiện nghĩa vụ này trong thời hạn quy định, Đoàn sẽ có những biện pháp xử lý.
-Phương hướng hoạt động sắp tới của Đoàn Luật sư TPHCM là gì?
Phương hướng hoạt động của Đoàn Luật sư TP.HCM trong thời gian tới sẽ tập trung vào các mục tiêu sau: Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho luật sư. Đồng thời, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi của luật sư khi họ gặp khó khăn trong quá trình hành nghề.
Ngoài ra, việc xây dựng hình ảnh tích cực của nghề luật sư trong xã hội là rất quan trọng, góp phần nâng cao uy tín của nghề. Đoàn cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của luật sư.
Cuối cùng, sẽ mở rộng các dịch vụ pháp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và từ thiện, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng.
– Ông có kỳ vọng gì về hoạt động nghề nghiệp Luật sư, và có nhắn nhủ gì đến các đồng nghiệp Luật sư và các bạn tập sự luật sư đang chuẩn bị bước vào nghề?
Với vai trò là một luật sư, tôi luôn kỳ vọng vào một nghề luật sư ngày càng chuyên nghiệp, có đạo đức và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Một số kỳ vọng và những lời nhắn nhủ chân thành mà tôi muốn gửi đến các luật sư đồng nghiệp và các bạn tập sự luật sư: Trước hết, Luật sư cần luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ một cách tận tâm và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm phổ biến pháp luật đến cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội pháp quyền.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và giữ gìn danh dự, uy tín của nghề là rất quan trọng. Luật pháp luôn thay đổi, vì thế luật sư cần không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức để có thể tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý một cách hiệu quả.
Đồng thời, luật sư cần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển nghề nghiệp. Họ nên lắng nghe khách hàng, thấu hiểu nhu cầu của họ và tìm ra giải pháp tốt nhất cho từng vấn đề. Mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ giúp luật sư học hỏi thêm nhiều điều và phát triển cùng nhau. Tham gia các hoạt động của Đoàn Luật sư cũng sẽ giúp mở rộng mối quan hệ, cập nhật thông tin và nâng cao vị thế của nghề luật sư.
Xin cảm ơn ông!
Luật sư Nguyễn Văn Hậu sinh năm 1957 ở Sài Gòn. Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, luật sư Hậu nắm giữ rất nhiều vị trí và trọng trách quan trọng của lĩnh vực pháp lý như: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Ủy viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ủy viên Hội Luật gia Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM; Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM; Chủ tịch VLCAC (Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam) và HCCAA (Hội Trọng tài Thương mại TPHCM). Luật sư Nguyễn Văn Hậu chuyên về các mảng luật Doanh nghiệp, luật Đất đai và luật Hôn nhân gia đình. Ông từng được khen tặng các Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba. |
Đức Khoa – Huỳnh Phương/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống & Phát triển số tháng 10/2024