More
    HomeThư bạn đọcMột số suy nghĩ về nguyên tắc xây dựng ngân hàng tên...

    Một số suy nghĩ về nguyên tắc xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng

    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, với yêu cầu cần thiết của việc sổ hóa cơ sở dữ liệu, thực hiện Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 và Thông tư 36/2006/TT-BVHTT về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, nhiều tỉnh/thành phố, trong thời gian gần đây đã chỉ đạo ngành văn hóa tổ chức nghiên cứu, xây dựng Ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng cho địa phương. Các hoạt động xây dựng Ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng từ thu thập thông tin, nghiên cứu, hội thảo, đề xuất, tuyển chọn tên, lấy ý kiến cộng đồng…bước đầu đã thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt trong giới học thuật. Bài viết dưới đây sẽ góp thêm một số định hướng về việc xác định cách tiếp cận và nguyên tắc để nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng Ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng cho các địa phương trong thời gian tới đây.

    Đặt tên các đường phố, địa danh và công trình công cộng là hoạt động có tính chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội, xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người. Một trong những con đường cổ xưa nổi tiếng được ghi chép trong Kinh Thánh là con đường Nhà vua (Derech HaMelech) kết nối Châu Phi và Đồng bằng Lưỡng Hà, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nhiều quốc gia cổ đại khu vực Trung Đông. Ở Trung Quốc, từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, “nhà thám hiểm” Trương Khiên nhận lệnh Hán Vũ Đế đem văn kiện ngoại giao đi đến các quốc gia Tây Vực tạo liên minh chống Hung Nô và chính ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng một con đường thương mại nổi tiếng nhất lịch sử nối liền châu Á và Châu Âu được sử gia nhiều đời sau gọi tên là Con đường tơ lụa – khẳng định giá trị truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của người Trung Quốc đến với cả thế giới.

    Từ nhu cầu cơ bản trong việc đưa ra những quy ước, định danh các vị trí địa lý, đường giao thông, giao thương phục vụ liên lạc, trao đổi hàng hóa, giao tiếp, sinh hoạt giữa các bộ lạc, thị tộc, nhóm cư dân sinh sống trên các vùng miền, lãnh thổ thời cổ đại, dần dần con người đã xây dựng các thiết chế xã hội mang tính cộng đồng, quốc gia và quốc tế về việc gắn, sử dụng tên địa danh, ghi chép, vẽ bản đồ phục vụ đi lại, phát triển về giao thông, giao thương và khám phá các vùng đất mới. Việc đặt tên các đường phố và công trình công cộng không còn là hoạt động riêng lẻ, tự phát của các nhóm dân cư sinh sống trong khu vực mà trở thành hoạt động quan tâm của chính quyền, nhà nước, các chủ thể quản lý hướng đến phục vụ công tác quy hoạch, quản lý, kiểm soát lãnh thổ trong đó hàng loạt yếu tố được tính đến về khoa học, văn hóa và dân sinh nhằm đem lại hiệu quả và sự gia tăng giá trị của chính các tên địa danh được đặt.

    CON ĐƯỜNG TƠ LỤA, MINH HỌA INTERNET

    Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và mạng internet ngày nay, hoạt động giao thông ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện với sự trợ giúp tích cực của các phần mềm, ứng dụng, việc tìm nhà, tìm đường không còn khó khăn như trước, với sự định vị ngày càng chính xác và hiệu quả của hệ thống google map hay các phần mềm định vị, tuy nhiên tên đường phố và các địa danh vẫn có ý nghĩa giá trị đặc biệt quan trọng trong công tác quy hoạch các khu vực đô thị, nông thôn có tầm vóc mang giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, kinh tế lưu truyền nhiều thế hệ. Chính vì vậy việc đặt tên các đường phố, địa danh và công trình công cộng hay xây dựng ngân hàng tên đường, địa danh cần được nghiên cứu, tính toán, thảo luận một cách khoa học từ các góc tiếp cận khác nhau. 

    Một số kinh nghiệm các nước trên thế giới về đặt tên đường phố.

    Mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách tiếp cận khác nhau trong việc đặt, sử dụng tên đường phố và các công trình công cộng.

    Nhiều nhà khoa học cho rằng người Mỹ khá thực dụng khi gần như không dùng tên danh nhân đặt cho đường phố. Với các nhà quản lý quốc gia siêu cường này họ thiên về cách đặt tên đường bằng ký tự theo quy hoạch thành phố bắt đầu bằng chữ cái và chữ số: “từ các trục chính của các tòa nhà hành chính các con đường đô thị sẽ được chia ra theo cụm với 4 phân vùng là tây bắc, tây nam, đông bắc, và đông nam; sau đó được phân chia đánh số theo trục dọc và trục ngang. Các đường phố chạy dọc sẽ dùng thứ tự bảng chữ cái ABC để đặt tên, hướng từ nam lên bắc; còn các đường phố cắt ngang sẽ đánh theo chữ số 123, dẫn từ đông sang tây. Như thế, những ngã tư giao nhau giữa các con đường và con phố ở Mỹ sẽ luôn có số hiệu như H1, A5 và số nhà được định vị kiểu nhà số 103 trên phố H, hay nhà số 5040 trên phố A…”..  (1)

    Cách đặt tên đường phố của người Mỹ không có nhiều sự liên quan đến việc nhắc nhở các sự kiện lịch sử, văn hóa hay tưởng nhớ danh nhân, người có công với đất nước như nhiều quốc gia khác (đối với việc này, họ sử dụng trong loại hình khác như các thành phó, tượng đài, vườn hoa, đài tưởng niệm…) nhưng cách tư duy của họ lại khá logic và hữu ích cho người sủ dụng. Mặc dù không hề dễ nhớ nhưng căn cứ các bản đồ hoặc tư duy biểu tượng chữ và số theo quy tắc logic thông thường, được sắp xếp theo thứ tự, không chỉ người dân trong khu vực mà ngay cả những người khách lần đầu tiên đến thành phố cũng có thể dễ dàng tìm được địa chí muốn đến mà không sợ bị lạc đường hay cần bản đồ và các công cụ định vị hiện đại.

    MINH HỌA, INTERNET

    Khác với Mỹ, người Trung Quốc từ xa xưa coi trọng văn hóa, lịch sử của mỗi vùng đất nên cách đặt tên đường của người Trung Quốc thường gắn với sự nhắc nhở đời sau nhớ lại tên địa danh cổ, mà ở mỗi cái tên bản thân nó đã toát lên những sự tổng hợp của những nét vàng son, bi tráng, vang bóng một thởi của mỗi vùng miền và giữa các vùng miền trong lịch sử. Người Trung Quốc thường chia  đô thị theo các phân khu, gắn với tên gọi các vùng đất cũ trong quá khứ như ví dụ ở thành phố Bắc Kinh thì các khu được chia theo tên cổ là Đông Thành, Tây Thành, Thạch Cảnh Sơn, Triều Dương, Phong Đài, Diên Khánh… Sau đó lấy tên cổ của các vùng đất trong cả nước đặt tên cho đường phố. Vì vậy, ở nhiều thành phố lớn du khách sẽ bắt gặp những tên đường phố giống như ở các thành phố khác thuộc Trung Quốc như Tràng An, Triều Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, Lạc Dương…

    Bên cạnh đó, một trong những kinh nghiệm phổ biến khác là người Trung Quốc thường đặt tên đường theo các cụm từ thể hiện theo các tiêu chí, chuẩn mực xã hội hay thể hiện khát vọng, ý chí, mong đợi của cộng đồng nói chung. Có một thống kê khá thú vị là giữa các tỉnh.thành tại Trung Quốc đại lục có sự trùng tên khá phổ biến giữa các tên đường này. Cụ thể 248 tên đường phố có tên Kiến thiết; 227 đường phố có tên Nhân dân; 221 đường phố có tên Văn hóa; 184 đường phố có tên Chấn Hưng, 178 đường phố có tên Hạnh Phúc,  163 đường phố có tên Hòa Bình, 143 đường phố có tên Thanh Niên…(2). Bên cạnh đó sự quy hoạch thể hiện rõ ý đồ nhà quản lý khi các từ ngữ hay mệnh đề có gần ý nghĩa sẽ được sắp xếp gần nhau tạo ra ý nghĩa chung cho các khu vực đô thị.

     Có nhiều lý do người Trung Quốc gần như không lấy tên danh nhân đặt cho đường phố. Một trong những nguyên nhân có thể do Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, thể hiện sự thống nhất của rất nhiều vùng đất, lãnh thổ có các đặc điểm lịch sử quốc gia, dân tộc, văn hóa khá riêng biệt. Việc không lấy tên danh nhân đặt cho đường phố không chỉ giúp cho việc tránh tranh cãi trong đánh giá “công” và “tội” về các nhân vật lịch sử, mà còn tránh cho những sự xung đột theo quan điểm sắc tộc, vùng miền khi thực tế các triều đại phong kiến thường xuyên xảy ra những cuộc chiến tranh, tranh giành vương quyền, lãnh thổ, từ đó tạo nên cái nhìn hiện đại đề cao sự thống nhất, đoàn kết của người Trung Quốc. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ trong đặt tên đường phố ở Trung Quốc là trường hợp danh nhân duy nhất được đặt tên đường là nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (1866-1925), người đứng đầu cuộc cách mạng Tân Hợi và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc (1911) .

    Ở một số quốc gia khác trên thế giới, việc đặt tên đường phố và địa danh, ngoài những quy tắc thông thường về khoa học, ứng dụng trong quản lý và đời sống dân sinh thì không ít các quốc gia có những cách đặt tên đường phố khá đặc biệt, mang những thông điệp rất riêng biệt.

    Một số ví dụ điển hình như: thành phố Leicester của Anh, có 8 con phố liền kề và song song với nhau bao gồm các phố Hawthorne, Alma, Rowan, Ruby, Ivanhoe, Sylvan, Oban và Newport được đặt tên lần lượt theo các chữ cái trong tên của người xây dựng thành phố – Harrison. Khu Latham ở thủ đô Canberra của Úc có các đường phố được đặt theo tên các thẩm phán nổi tiếng của tòa án tối cao Úc. Ở  Gander, Newfoundland, người ta lại lấy tên của các phi công nổi tiếng để đặt tên cho hầu hết các đường phố nhằm tôn vinh lịch sử hàng không của thị trấn (3). Ở Quebec Canada thì tên đường có cả tên của những loài cây, động vật; hoặc đặt tên theo một ngọn núi, con sông nào đó; hay tên những nhà sáng chế mang lại lợi ích cho khoa học, y học, những nhà sử học Canada (4).

    Một số kinh nghiệm về lịch sử đặt tên đường phố ở Việt Nam

    Ở Việt Nam rất ít các tài liệu lịch sử ghi chép về tên đường các đường phố được đặt trong các triều đại phong kiến trước thời kỳ Pháp thuộc. Ngay cả những tư liệu lâu đời như An Nam chí lược, An Nam chí nguyên, Đại Việt sử ký toàn thư, Dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí… cũng không thấy có những ghi chép, mô tả về tên đường phố.

    Việc quản lý lãnh thổ các triều đình phong kiến xưa dựa trên đặt tên các địa danh rất cụ thể phân bố theo đơn vị hành chính từ châu, phủ, đạo… đến tận hương, thôn, bản. Bên cạnh đó là sự gán nhãn, gắn tên các địa danh vào đơn vị hành chính như sông, suối, núi, đồi, cửa biển, hang động, đình, chùa, các khu chợ, bến tầu…Ngay cả trên bản đồ cổ nổi tiếng ở Việt Nam, như bản đồ Hồng Đức thời Hậu Lê cũng chỉ ghi tên địa danh mà không ghi tên đường.

    Theo Đại Nam Dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục, các con đường liên tỉnh nổi từ trụ sở châu, quận thường đặt Trạm dịch là những con đường chính, thường đi men theo vùng thượng du, miền núi. Việc đặt các trung tâm hành chính trên những trục đường này nhằm đảm bảo yếu tố phòng thủ, an ninh, quốc phòng. Những con đường Trạm dịch này có từ thời Mã Viện khi xâm lược vào nước ta. Thời Đinh, Lê đóng đô ở Trường An  – Ninh Bình mới bắt đầu khai phá xuống vùng hạ du và hình thành đường Cát Dịch.  Sách Theo Đại Nam Dư địa chí ước biên có đoạn chép: “Cát dịch ở núi Yên Lão huyện Thạch Thành, phía Bắc giáp Phung Hóa của Ninh Bình, phía Tây đến huyện Long Chánh tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc thông với Ninh Bình, phía Đông đi vào huyện Tống Sơn. Lũy cũ rộng độ 6,7 Mẫu, từ nhà Lê trở về trước đặt dịch trạm ở đó”(5).

    Sách Phủ biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì mô tả đường đi vào 2 xứ Thuận Quảng có 2 con đường chính khác nhau gọi là Thượng Đạo và Hạ Đạo. Do xưa không đặt tên đường mà phần lớn chỉ gắn các địa danh tạo thành tên đường, nên việc mô tả đường đi của người Việt xưa khá rắc rối. Trong Phủ Biên Tạp Lục có đoạn tả đường đi phức tạp như sau: “Từ ngã ba Minh Lương sang đò qua các xã Bình Xá, Cao Xá. Lê Môn, vượt ngang gò đất qua phường Lịch Tân xã Hương Đình, tục gọi là chợ Cầu. bên hữu có đường đi đến tổng Bái Trời, độ một canh rưỡi, tổng ấy 20 phường có núi vườn rừng mầu mỡ, thóc lúa tốt nhất xứ….Từ Bái Trời mà đi xuống Lễ Môn cho đến mấy xã dưới nữa …qua cầu Hà Thượng trở ra thì đồng điền thuần cát trắng….Từ  Kim Đâu đi về bên Tả, qua phường Trúc Lâm, phường Quân Chùa, chợ Mai Xá, chợ An Định, quanh ra phía sau tổng Bái Trời, qua thôn Hoàng Xá Thượng xã Kinh Môn qua sông Hồi, qua xã Thủy Ba để đến Hồ Xá thì đường thẳng mà gần đó là đường chính đi ra Dịch Trạm. Nhưng đường xã Thủy Ba thì mùa thu nước lụt, lầy lội khó đi. Có một con đường nữa từ chợ Kinh Môn đi về bên tả đến bờ sông xã Bình Xá qua sông Hồi xã Minh Lương là chỗ ba nguồn hợp lại” (6).

    Cũng có một số trường hợp cá biệt có tên đường được nhắc trong sử sách, tuy nhiên cũng là cách gọi theo địa danh và thói quen của người bản địa. Sách Kiến Văn tiểu Lục của Lê Quý Đôn có mô tả con đường có tên là Tốt Động đi từ Hà Tây vào Thanh Hóa như sau: “Tốt động đất bằng phẳng, dân cư trù mật, ở huyện Mỹ Lương là quê của Thám hóa Đặng Ma La đời Trần, có đường lớn rộng 2 trượng là con đường đi vào Thanh hóa của triều đại trước, rất gần. Nay đã bị bỏ hoang nhưng dấu cũ vẫn còn” (7).

    Như vậy trong lịch sử, các vùng miền, đặc biệt là nông thôn Việt Nam việc gắn định vị đường thường gắn địa danh tự nhiên theo ngôn ngữ bản địa, bên cạnh đó thủ phủ các vùng miền đóng ở các vùng núi, hiểm trở, việc vẽ, sử dụng bản đồ hạn chế nhằm đảm bảo bí mật an ninh, quốc phòng, nên hướng dẫn đường đi và mô tả đường xá trong lịch sử là khá phức tạp, rối rắm, do các con đường dài và đi qua quá nhiều vùng đất, địa danh khác nhau.

    Tuy nhiên ở các khu vực đô thị, trung tâm thì việc mô tả đường nội bộ lại dễ dàng hơn vì hầu hết các con đường đều nối những địa danh nổi tiếng, lưu truyền trong xã hội. Ví dụ như kinh thành Thăng Long từ thời Lý Thái Tổ đã được quy hoạch với những tên địa danh như Hoàng cung, chính điện, điện Long Thiên, núi Nùng, Long Đỗ, sông Tô, sông Nhĩ Hà, sông Kim Ngưu, Hồ Dâm Đàm, Hồ Linh Đàm, Đầm Thịnh Liệt, Hồ Liên Trì, chợ Đông, chợ Tây Nhai, bến Chương Dương, Đền Trấn Vũ, Đền Bạch Mã, Chùa Trấn Quốc, Tháp Báo Thiên …Vào thời Nguyễn, theo  Đại Nam Dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục có chép có tới 30 địa danh của Thăng Long đã đi vào thơ ca, văn học và là những điểm đến đầy thi vị cho du khách mà không cần phải có tên đường cụ thể như: “Nhất trụ thê hà” (Một cột ráng chiều); “Thành kỳ quải húc” (Cột cờ nắng sớm); “Khán sơn thử sắc” (Ánh mai núi Khán); “Đông kiều lộng dịch” (Tiếng sao cầu Đông); “Trấn Vũ khao nguyệt” (Trăng khuya Trấn vũ); “La Thành trúc ổ” (Rặng trúc La Thành); “Võng thị hoa điền” (Ruộng hoa chợ Võng)… (8).

    Sau khi Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ toàn Việt Nam thì quá trình đô thị hóa và việc đặt tên đường phố được chính quyền bảo hộ đặc biệt quan tâm. Vào năm 1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội và năm 1902 Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương được quy hoạch theo kiểu đô thị phương Tây và đường phố được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ.

    Người Pháp đặt tên đường ở các thành phố lớn Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn…) theo mô hình ở chính quốc, ưu tiên gọi địa danh theo phường nghề nổi tiếng từng có tại các đô thị. Cụ thể tại Paris – Pháp, thành phố có bề dày lịch sử phát triển các cộng đồng dân cư theo nghề nghiệp và những phường nghề tồn tại hàng trăm năm, chính quyền đã chọn và đặt những tên gọi theo những dấu tích này. Từ tên đường, phố du khách đến Paris có thể nhớ hay tra cứu ra nguồn gốc cư dân, nên tại đây thường thấy những con phố có tên như phố Thợ mộc, phố Lò mì, phố Thợ xây (Sau mở rộng khu vực, họ đặt tiếp tên phố thành phố Thợ mộc 1, phố Thợ mộc 2; phố Lò mì 1, phố Lò mì 2,..). Bên cạnh đó người Pháp cùng thường đặt tên danh nhân cho tên đường phố, cũng như chọn những tên công trình công cộng đặt tên đường phố để dễ tìm, dễ thấy như phố Đài phun nước, phố Tháp đồng hồ, phố Nhà thờ Đức bà, phố Cổng chợ lớn, phố Bãi đua ngựa…

    Hà Nội là thành phố chiến lược, được người Pháp đặc biệt quan tâm chia thành 8 đơn vị hành chính cấp khu phố. Các phố cũ vẫn được gọi theo tên cũ, nhưng được ghi bằng tiếng Pháp như Rue de la Soie (phố Hàng Đào), Rue des Pipes (Hàng Điếu)… Phần lớn tên các phố mới được đặt tên của các nhân vật người Pháp có liên quan đến Hà Nội và Việt Nam: như tên các Toàn quyền Đông Dương (Ernest Constan, Paul Bert…), các tướng, sĩ quan Pháp tham gia đánh chiếm Hà Nội (Francis Garnier, Henri Rivière…), các Đốc lý Hà Nội (Parreau, Morel…), cố đạo (Alexandre de Rhodes, Puginier, Landais…), bác sĩ (Pasteur, Calmette…), một số phố dùng chữ Việt mang tên các danh nhân Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Quí Đôn… vua quan nhà Nguyễn như Gia Long, Đồng Khánh (9).

    Đối với các con đường quốc lộ hay liên tỉnh, người Pháp đặt tên theo số để dễ nhớ và phân biệt. Trong cuốn Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của học giả Ngô Vi Liễn có mô tả rất nhiều đường giao thông thời bấy giờ có tên như đường thuộc địa số 1, đường thuộc địa số 2, đường thuộc địa số 3…Bên cạnh đó là đường tầu hỏa do người Pháp xây dựng, đường thủy và rất nhiều đường giao thông liên huyện khác (10).

    Một trong những người có công lớn trong việc đặt tên đường phố kiểu mẫu tại Hà Nội, khu đô thị lớn nhất cả nước là bác sĩ Trần Văn Lai (1894-1975). Khi làm Đốc lý Hà Nội, Trần Văn Lai đã thực hiện cuộc cách mạng về tên đường phố bằng việc đổi tên đường phố và các công viên ở Hà Nội, trong đó các tên phố phường xưa của Hà Nội được trả lại tên cũ bằng tiếng Việt, các phố mang tên người Pháp được đổi lại mang tên các danh nhân Việt Nam như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ… các lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học… các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… các nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… Bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt tên cho các phố Hà Nội theo các nguyên tắc: các danh nhân có ảnh hưởng lớn được đặt tên cho các phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; các tên phố có mối quan hệ với nhau được đặt gần nhau như phố Trần Nhật Duật gần Hàm Tử Quan, Hoàng Diệu gần thành Hà Nội… Để tránh trùng lặp với các tên phố của các tỉnh khác, ông đặt tên các danh nhân là Vua theo miếu hiệu như Đinh Tiên Hoàng (không gọi là Đinh Bộ Lĩnh), Lý Thái Tổ (không gọi là Lý Công Uẩn)…(11).

    PHỐ CỔ HÀ NỘI, MINH HỌA INTERNET

    Sau cách mạng Tháng Tám thành công, việc đặt tên đường phố ở các thành phố được chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng lâm thời đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, với hàng loạt danh nhân, anh hùng dân tộc, sự kiện chống ngoại xâm trong lịch sử đã được đề xuất đặt tên cho các đường phố, các công trình công cộng thì hàng loạt những anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, những tấm gương lao động, cống hiến, đóng góp cho xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình cũng được xem xét đổi tên, đặt cho các đường phố cũ hoặc đặt cho các tên phố mới.  

    Có thể thấy việc đặt tên đường và các công trình công cộng ở nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước là khá đa dạng, tổng tích hợp nhiều cách tiếp cận khoa học và văn hóa, xã hội khác nhau, từ việc tôn trọng, lưu giữ địa danh cổ, tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ của cư dân bản địa, cách thức bố trí theo cụm nghề nghiệp (Như trường hợp các phố có tên Hàng ở Hà Nội), danh nhân, anh hùng dân tộc, người có công với đất nước, kỷ niệm sự kiện lịch sử, cách mạng…đây cũng là cách đặt tên đường hiếm gặp trên thế giới với tư duy phát triển tổng hợp, hài hòa tự nhiên – xã hội – văn hóa, vừa đảm bảo tính cấu trúc trong quy hoạch các khu vực nội, ngoại thành, vừa dễ nhớ, thuận lợi cho giao thông, liên lạc, vừa đồng thời mang tính giáo dục, tuyên truyền về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, giá trị dân tộc Việt Nam.

    Một số đề xuất về nguyên tắc xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng.

    Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, định hướng quản lý, phát triển đô thị văn minh, hiện đại và bền vững ở nước ta, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng, liên tục bổ sung, cập nhật hàng năm để có bộ dữ liệu phong phú, sẵn sang cho việc đặt tên các đường, phố, công trình mới được xây dựng trong và ngoài đô thị. Việc nghiên cứu, lựa chọn tên đưa vào Ngân hàng ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng cần nghiên cứu, cân nhắc theo một số nguyên tắc dưới đây

    MINH HỌA, INTERNET

    1. Nguyên tắc đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các danh nhân có công với đất nước và tên danh nhân có công với địa phương

    Trên thực tế trong việc nghiên cứu, tuyển chọn tên đường, phố, công trình công cộng, việc tuyển chọn tên các danh nhân cả nước bao giờ cũng có số lượng lớn, dễ xác định, xác minh từ các nguồn tư liệu hơn các danh nhân địa phương. Tỷ lệ đường phố mang tên các danh nhân Việt Nam ở các thành phố lớn là khá cao, chênh lệch nhiều so với danh nhân địa phương. Bên cạnh đó tình trạng khá phổ biến khi có sự trùng lặp đường phố mang tên các danh nhân Việt Nam ở các địa phương, trong khi lại có ít danh nhân địa phương được quan tâm nghiên cứu đưa vào danh mục đặt tên đường phố.

    Thực tế những anh hùng, danh nhân, người có công với địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa, mang bản sắc riêng của vùng đất, con người bản địa so với cả nước, vì vậy trong quá trình thu thập tư liệu, đề xuất Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng cần có sự quan tâm đặc biệt, khảo cứu, tìm các minh chứng lịch sử để đề xuất nhiều hơn và xác định một tỷ lệ phù hợp giữa nhóm danh nhân địa phương và danh nhân Việt Nam trong ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng.

    • Một ví dụ trong dự thảo Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Lào Cai có tới 391 danh nhân Việt Nam, chỉ có 54 danh nhân, người có công với Lào Cai. Trong 54 danh nhân Lào Cai được đề xuất cũng chủ yếu là danh nhân từ chống Pháp đến nay rất ít các danh nhân giai đoạn lịch sử trước. Chỉ có 7 danh nhân thời kỳ trước chống Pháp được đề xuất gồm: Phạm Thật Duật, Hoàn Văn Thùng, Nguyễn Quang Bích, Hà Chương, Hà Đặc, Vũ Văn Uyên, Phạm Văn Xảo (11). Việc bước đầu chỉ xác định 7 danh nhân lịch sử của Lào Cai thời phong kiến này chưa tương xứng với vùng đất địa linh, nhân kiệt, cửa ngõ biên giới, nơi chắc chắn xảy ra nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền của Đại Việt với các quốc gia Nam chiếu, Đại lý, các triều đại phong kiến Trung Hoa sau này.
    PHỐ NGƯỜI DÂN TỰ ĐẶT TÊN “ĐƯỜNG TẦU” MINH HỌA, INTERNET

    Để xác định tên tuổi, đóng góp của danh nhân địa phương, cần có những nghiên cứu, khảo cứu mang tính tổng hợp về lịch sử, văn hóa, con người gắn với sự phát triển các vùng đất. Như cự Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo từng tổng kết về danh nhân, anh hùng trong lịch sử dân tộc: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt không thời nào thiếu”.  Trên tinh thần đó,  cần khảo cứu một cách cẩn thận các nguồn chính sử về các sự kiện tại địa phương, các nguồn sử liệu được ghi chép khác trong các tài liệu Hán Nôm được lưu trữ hiện nay để tìm và xác định đóng góp của các nhân vật lịch sử.

    Bên cạnh những ghi chép chính sử về nhân vật là khá ít ỏi, hạn chế, thì công tác khảo cứu, tìm kiếm danh nhân cần có tổ chức những nghiên cứu điền dã tại các di tích lịch sử, khảo cứu các di tích, văn bia, gia phả các dòng họ còn ghi chép lại. Bên cạnh đó có thể tham khảo tìm kiếm, xác minh nhân vật, sự kiện từ các câu chuyện truyền thuyết lưu truyền do các người dân địa phương kể lại.

    2. Nguyên tắc đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các danh nhân có công theo tiêu chí bình đẳng giới, lứa tuổi, người kinh và đồng bào dân tộc…

    Khi các nghiên cứu dữ liệu lịch sử để xác định và tuyển chọn tên danh nhân cần xem xét các tiêu chí đảm bảo có tỷ lệ đại diện nhất định, đảm bảo sự bình đẳng về giới, lứa tuổi, dân tộc và các tiêu chí khác. Thực tế cho thấy việc này chưa được coi là tiêu chí ưu tiên, quan tâm nhiều trong việc xây dựng Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng, cũng như việc chọn lựa, đặt tên đường phố trong thực tiễn.

    Đơn cử trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), người phụ nữ duy nhất trong lịch sử thời kỳ phong kiến cải nam trang đi thi và đỗ tiến sĩ. Bà không chỉ được phong quan tước mà còn có công lao trong việc dạy học các phi tần, giúp triều đình chấm các kỳ thì Đình, thi Hội, tham mưu các việc quan trọng cho triều đình trong giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Mặc dù là nhân vật lịch sử thuộc hàng danh nhân, có tài năng, nhân cách và sự đóng góp, tuy nhiên cho đến nay Nguyễn Thị Duệ chỉ mới được đặt tên cho 2 con đường ở Hải Dương và Hà Nội.

    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bên cạnh các anh hùng, liệt sĩ được ghi công, đặt tên đường thì hiện nay cũng còn quá ít các bà mẹ Việt Nam anh hùng được đề xuất đưa vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng…

    Về tuổi tác cũng có nhiều trường hợp đặc biệt, nhân vật lịch sử xứng đáng được nêu tên như Quách Đông Dần (15661650), tấm gương người cao tuổi hiếu học và sẵn sàng cống hiến cho xã hội. Mặc dù nhà nghèo phải đi làm thuê kiếm sống và thi mãi không đỗ, song Quách Đông Dần nản chí vẫn miệt mài kinh sử và ông đỗ Tiến sĩ vào năm 1634 tức là khi đã 68 tuổi. Hiện nay cũng chưa có một đường phố nào mang tên Quách Đông Dần để giáo dục tấm gương người cao tuổi chí càng cao cho các thế hệ người Việt.

    3. Nguyên tắc đa dạng hóa chủ đề, cách tiếp cận, sắp xếp theo các cấp độ, ý nghĩa tên địa danh, sự kiện tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng thắng cảnh

    Bên cạnh các tên danh nhân thì tên địa danh, sự kiện tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng thắng cảnh là ưu tiên trong việc xây dựng Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng. Tuy nhiên một số dự thảo Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng do các địa phương soạn thảo gần đây cho thấy sự tuyển chọn vẫn chỉ dừng ở nguyên tắc thông thường, chưa mang tính hệ thống có tầm bao quát địa danh, sự kiện cả nước và địa phương. Khi xây dựng chuyên mục này cần quan tâm về tính khoa học trong sự sắp xếp và mở rộng tên địa danh. Bên cạnh các tên địa danh, sự kiện tiêu biểu của cả nước đã được bình chọn và công nhận, thì đối với các tên địa địa danh, sự kiện tiêu biểu, danh lam thắng cảnh địa phương cần xem xét các tiêu chí điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể như:  

    – Tên lịch sử, tên đẹp của những vùng đất đã ghi dấu ấn thông qua các sự kiện khai phá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc (kinh nghiệm Trung Quốc)

    – Một số đường phố gắn có địa danh nổi tiếng thì lấy địa danh đặt tên đường phố theo nguyên tắc đồng nhất địa danh và tên đường, có tác dụng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về địa danh (Kinh nghiệm Pháp).

    • Không chỉ chú trọng địa danh văn hóa mà cần chú ý một số địa danh gắn với phát triển kinh tế cần được quan tâm như các làng nghề, khu chợ buôn bán, hầm mỏ, giao thương, khai thác biển…
    • Một số địa danh gắn với tâm linh, tôn giáo đền, phủ, đình, chùa, miếu mạo…là các trung tâm có tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa vô cùng phong phú thu hút khách du lịch
    • Một số địa danh nổi tiếng mà khách du lịch thường đến tại địa phương đến cũng có thể xem xét tuyển chọn.
    • Một số tên loài hoa, thực vật, động vật mang tính đặc trưng vẻ đẹp của địa phương, nhất là các tên loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Công tác Bảo tồn đa dạng sinh học mang đặc trưng vùng miền hiện nay cũng cần tuyên truyền cho nhân dân địa phương và du khách.
    • Một số phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cũng cần được tuyển chọn góp phần nâng cao lòng tự hào, bảo vệ di sản văn hóa địa phương và khuyến khích các điểm đến du lịch.

    Việc xây dựng chuyên mục này trong ngân hàng cần có sự nghiên cứu cẩn thận, sắp xếp phân loại theo tiêu chí về đối tượng, khu vực, lĩnh vực hướng tới sự đa dạng hóa và hài hòa trong những cái tên được đề xuất.

    4. Nguyên tắc chọn danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về văn hóa xã hội

    Hiện nay nhiều dự thảo Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng có định hướng xây dựng danh mục các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về văn hóa xã hội tuy nhiên thực tế cho thấy có quá nhiều từ có ý nghĩa mà không thể đưa tất cả vào ngân hàng. Cần xác định các tiêu chí để xây dựng, sắp xếp danh chuyên mục này theo nội dung, ý nghĩa, cấp độ của mỗi từ ngữ được đề xuất, tuyển chọn. Theo những từ ngữ thể hiện giá trị chung của quốc gia, xã hội thì có các từ như: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, Dân chủ, Đoàn kết, Bình đẳng, Bác ái, Nhân văn, Nhân ái, Đồng bào, Cách Mạng, Cộng sản, Vô sản, Công nhân, Thanh niên, Phụ nữ…Theo những danh từ mới thể hiện ý chí, khát vọng của phát triển của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng đáng quan tâm như Đổi mới, Phát triển, Sáng Tạo, Dân tộc, Đoàn kết, Khoa học, Công nghệ, Văn minh, Tiến bộ, Hội nhập…

    Việc chọn danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về văn hóa xã hội cần có những xem xét, đánh giá thêm về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, mong đợi, khát vọng mang tính đặc thù của lãnh đạo và nhân dân địa phương trong chiến lược phát triển hướng đến tương lai lâu dài để có thể nhắc nhở mọi người luôn nhớ những định hướng phấn đấu đó.

    5. Nghiên cứu, ưu tiên tuyển chọn và đặt những tên hay, đẹp, mang bản sắc riêng đặt cho đường phố và công trình công cộng Lào Cai

    Thực tế cho thấy dù ở đâu, bất kỳ thành phố nào, một tên đường hay, đẹp không chỏ mang ý nghĩa kỷ niệm, giáo dục về vùng đất, con người mà còn trở thành cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật cho giới văn nghệ sĩ. Chẳng thế mà những tên đường đã đi vào thi ca, âm nhạc mang đến nhiều cảm xúc cho công chúng. Trong bài hát nối tiếng Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi đã nêu tên không ít địa danh Hà Nội: Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồng Hà, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Sông Hồng, Ô Chợ Dửa, Ô Cầu Dền, Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…Bài Hát Hà Nội Niềm tin và Hy vọng của Phan Nhân cũng nhắc đến hàng loạt địa danh: Hồ Gươm, Năm của Ô, Đông Đô, Thăng Long, Trường Sơn, Cửu Long…Bài hát Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa của Trương Quý Hải chỉ nhắc tới đường Cổ Ngư mà ở đó trong một tiết trời se lạnh bên Hồ Tây thủ đô Hà Nội, gió mùa Đông Bắc về, tâm trạng con người hoài cổ như hòa quyện dấu xưa của một kinh thành Thăng Long trầm mặc, cổ kính đã như nói lên tất cả về một nền văn hóa Thăng Long vừa mang bản sắc, cá tính riêng biệt vừa có sức hút văn hóa mạnh mẽ đối với các vùng miền cả nước.

    Việc lựa chọn các địa danh đặt tên đường phố, công trình công cộng ở địa phương cũng cần tham khảo thêm cách tiếp cận ưu tiên xây dựng các mỹ từ có giá trị, ý nghĩa từ theo cách tiếp cận trên để tạo ra nguồn cảm hứng, sức hút trong sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ địa phương và cả nước.

    TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     (1). https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dat-ten-duong-danh-so-nha-moi-nuoc-moi-thoi-moi-khac

    (2). https://chinese.com.vn/ten-duong-pho-ben-trung-quoc-pho-bien-nhat.html

    (3) https://danviet.vn/cac-quy-tac-dat-ten-duong-pho-doc-nhat-vo-nhi-tren-the-gioi-7777624928.htm

    (4) https://tuoitre.vn/ten-duong-sang-tao-20191129234126964.htm

    (5),(7), (8) Cao Xuân Dục , Đại Nam Dư địa chí ức biên, NXB Văn học, 2002

    (6). Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB KHXH, 1977

    (9). https://hcmussh.edu.vn/news/item/4580

    (10). Ngô Vi Liễn, Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ, NXB Văn hóa Thông tin, 1999

    (11) 5. Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Lào Cai, Tờ trình về việc đề nghị ban hành Quyết định Ban hành Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Lào Cai, tháng 10/2022

    TS.Nhà báo Đặng Vũ Cảnh Linh – Tham luận tại hội thảo xây dựng ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng tỉnh Lào Cai, đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số Xuân tháng 1/2023

    Đóng góp ý kiến cho bài viết

    spot_img

    Phổ biến

    spot_img