TS-Đạo diễn Hoàng Duẩn(ĐH Văn hóa Tp. HCM)
Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo. Ngoài việc lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc thì trong tiến trình lịch sử, người Việt Nam cũng đã tiếp nhận những tôn giáo khác của thế giới. Tuy nhiên, người Việt Nam tiếp nhận các tôn giáo bên ngoài theo cách rất riêng, đó là tiếp thu có chọn lọc. Khi đến Việt Nam, các tôn giáo điều có những biến đổi nhất định trong văn hóa (vật thể và phi vật thể). Việt Nam hiện nay có 13 tôn giáo được chính phủ công nhận và cho phép hoạt động với hàng triệu tín đồ. Trong đó đáng chú ý là các tôn giáo ngoại sinh như Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, phật giáo Hòa Hảo… Bài viết này xin được đề cập đến một số những thay đổi về văn hóa vật chất trong hai nhà thờ Công giáo đó là Nhà thờ La Vang ở Quảng Trị và Nhà thờ Cha Tam ở khu vực Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong các tôn giáo du nhập vào Việt Nam thì Công Giáo được xem là có những biến đổi khá rõ nét. Theo một số nghiên cứu, đạo Công Giáo đến Việt Nam vào khoảng thế kỷ 16, thời Lê Mạc, địa điểm đầu tiên mà các nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có mặt để đầu tiên để truyền đạo là Nam Định. Trong giai đoạn đầu khi du nhập vào Việt Nam thì Công Giáo vẫn giữ nguyên những giá trị gốc như: không được ăn đồ cúng, đốt đèn cầy màu đỏ, không được thắp nhang, không được để hình thờ cha mẹ…nhưng sau năm 1963 (công đồng Vaticano 2) thì đã được thực hiện, và điều đó chính là sự biến đổi về văn hóa vật chất trong công giáo. Lư hương còn được để giữa bàn thờ trong nhà nhưng thấp hơn bàn thờ chúa. Nhà thờ Langbiang còn có một cái cồng ngay trong cung thánh để cho người dân tộc cảm thấy gần gủi… Hiện tượng “mở” này gọi là: cách tân, cải cách để đổi mới. Vì người Việt Nam vốn có truyền thống thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên vì thế nếu không được thờ cúng các đấng sinh thành trong gia đình thì sẽ không thu hút được tín đồ.
Có thể nói một trong những biến đổi rất ấn tượng đó chính là tượng đức mẹ tại nhà thờ Thánh địa La Vang (tiểu vương cung thánh đường La Vang) nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Theo nhiều nhiên cứu thì nhà thờ đã trải qua những giai đoạn trùng tu và xây dựng mới, dưới thời Tây Sơn đạo Công Giáo không được công nhận tại Việt Nam nên đến sau hòa ước Nhâm Tuất 1862 của Tự Đức các giám mục dự kiến mở mang họ đạ La Vang nhưng không thành. Đến năm Năm 1885, Giám mục Caspar Lộc quyết định cho xây dựng tại La Vang một ngôi nhà thờ bằng ngói. Mọi vật liệu xây dựng cần thiết đã được chuẩn bị nhưng mãi đến năm 1894 mới khởi công và hoàn tất vào năm 1901, dưới ba đời linh mục chính xứ Bonnard, Patinin, Bonin. Nhà thờ ngói được Giám mục Caspar Lộc xức dầu cung hiến và khánh thành vào dịp Đại hội La Vang lần thứ nhất (từ ngày 6-8 tháng 8 năm 1901). Nội thất ngôi nhà thờ này được thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ Việt Nam chứa được vài trăm người nhưng mặt tiền thì theo kiến trúc phương Tây. Phía trước có hai tháp dang ra hai bên. Trên bàn thờ có tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Mẹ Mân Côi, thánh Đa Minh và bà thánh Catarina. Như vậy giai đoạn đầu, nhà thờ đã chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Việt trong kiến trúc, dù phía trước thì vẫn mang hình dáng của nhà thờ phương Tây nhưng bên trong là “nhà ngói” như các ngôi nhà truyền thống của người Việt Nam. Sau những lần trùng và xây dựng mới tháp chuông và những công trình như Nhà nguyện Đức Mẹ (một mái nhà tôn sau tháp cổ) vào năm 1995, Nhà nguyện Thánh Thể vào năm 2002, Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương vào năm 2004), thì vào Ngày 15 tháng 8 năm 2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường mới. Công trình Vương cung thánh đường mới dự kiến được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464 m2 “thể hiện phong cách kiến trúc Việt, mang hồn Việt qua hình dáng những tấm mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt, những họa tiết diễn tả cụ thể những ân huệ của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, sự biến đổi văn hóa thể hiện rõ nét nhất bắt đầu vào năm 1998 khi tượng Đức Mẹ La Vang do nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Văn Nhân đã được làm phép thay thế tượng cũ. Tượng này mang phong cách dân tộc từ trang phục đến nét mặt được Giáo hoàng Gioan Phaolô II làm phép ngày ngày 1 tháng 7 năm 1998 tại Roma, sau đó chuyển về Việt Nam. Hiện nay bức tượng này vẫn còn đó và giáo dân từ khắp nơi khi tham quan hoặc hành hương đến đây ai cũng đều muốn có một tấm hình kỷ niệm dưới bức tượng Đức Mẹ trong trang phục truyền thống dân tộc trên tay bế em bé là một đứa trẻ Việt Nam. Phía trước là một lư hương lớn với hoa văn truyền thống quen thuộc của lư hương Việt Nam, mặt trước của lư hương có hai con rồng hai bên chầu vào nhau, giữa mặt trước là một trái châu trong trung tâm trái châu có hình cây thánh giá. Đây quả là một sự thay đổi văn hóa vật chất rất thú vị khi Công giáo đến Việt Nam.
Tượng đức mẹ ở nhà thờ La Vang. Phía trước là lư hương lớn – Ảnh: Huỳnh Công Duẩn
Sự biến đổi thứ hai được đề cập trong bài viết này chính là biến đổi về văn hóa vật chất trong một nhà thờ ở khu vực Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cộng đồng người Hoa sinh sống – nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê (còn gọi là nhà thờ Cha Tam). Nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê hiện nay tọa lạc tại địa chỉ 25 đường Học Lạc, phường 14, quận 5, đây là nhà thờ cổ của khu vực này. Nhà thờ Cha Tam được đô đốc Lagrandière lúc đó đang là Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh cho Sở Công trình công cộng dùng tiền công, để xây dựng để đáp ứng nhu cầu đi lễ của đồng bào người Hoa tại khu vực này. Ngày 3 tháng 12 năm 1900, nhân ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê (Saint Francisco Xavier), Giám Mục Mossard, Giám mục Giáo phận Sài Gòn, đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường. Hai năm sau, vào ngày 10 tháng 1 năm 1902, lễ cung hiến thánh đường được tiến hành một cách trọng thể. Tuy nhiên, vì linh mục Pierre d’ Assou, người đứng ra xây dựng nhà thờ và cũng là vị cha sở đầu tiên, có tên tiếng Hoa là Đàm Á Tố (đọc sang tiếng Việt là cha Tam) nên dân gian vẫn quen gọi là nhà thờ này là nhà thờ Cha Tam.
Mặt dù kiến trúc nhà thờ vẫn theo phong cách kiến trúc Gothique quen thuộc của Châu Âu, nhưng từ lúc bắt đầu xây dựng và nhất là sau những lần trùng tu nhà thờ đã mang những ảnh hưởng của văn hóa của cộng đồng người Hoa khá rõ nét trong kiến trúc. Dễ thấy nhất đó chính là cổng nhà thờ được xây dựng theo kiểu cổng Tam quan, tên nhà thờ còn được ghi bằng chữ Hán, lợp ngói âm dương màu xanh, một kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Các đầu đao cong, hai bên cây thánh giá còn có hai con cá chép, phía trên cao nóc nhà thờ còn gắn các hoa sen, hai bức liễn ở hai bên cửa ra vào cũng viết bằng chữ Hán. Đáng chú ý bốn cây cột ở gian Cung Thánh được sơn đỏ, là màu không phổ biến trong nhà thờ Công giáo. Nơi treo hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen “Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện; Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm” một nét kiến trúc rất đặc trưng trong văn hóa của người Hoa. Thiết kế ngoại thất nhà thờ mới nhìn tưởng theo kiểu kiến trúc Tây phương nhưng ẩn chứa trong đó giá trị triết học cổ Trung Hoa. Từ tầng dưới đi lên tầng trên có hai hành lang hai bên, tháp giữa vuông vức cửa sổ quay ra bốn hướng, tầng trên nữa xây bát giác với tám cửa sổ và mái trên cùng cũng chia thành tám mặt ứng với tám cửa sổ theo nguyên lý Âm Dương.
Đài Đức Mẹ trước nhà thờ cũng được lợp ngói âm dương và các vòm tròn lượn duyên dáng trong một lầu lục giác như kiến trúc trong các chùa của người Hoa. Ngày nay, cộng đồng người Việt khu vực đi lễ ở nhà thờ này cũng khá đông nên trong các thay đổi cũng đã mang thêm nhiều dấu ấn văn hóa của người Việt.
Cổng nhà thờ Cha Tam
Tượng đức mẹ trong mái vòm lục giác
Ảnh: Huỳnh Công Duẩn
Thông qua sự biến đổi về văn hóa vật thể của hai nhà thờ Công giáo vừa nêu đã phần nào thấy được rằng biến đổi văn hóa trong các tôn giáo khi đến Việt Nam là một yếu tố tự nhiên, để phù hợp và đáp ứng với nhu cầu văn hóa của người dân bản địa.