Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa lại sắp về, tôi lại bâng khuâng nhớ 2 câu thơ: “Thời áo trắng tưởng chừng xa xăm quá – Dù cổng trường vẫn mở, lá còn bay”. Với người viết, dù đã rời xa mái trường đã từ rất lâu, nhưng cứ mỗi năm, khi tháng 11 về, lòng tôi lại chộn rộn về một cái Tết thầy cô. Ngày lễ thể hiện rõ nhất nét truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt ta.
Tất cả đều hướng chúng ta tìm về “chân – thiện – mỹ”
Đời người có nhiều giai đoạn, nhưng giai đoạn tuổi thơ, sống đời học sinh có lẽ là quãng đời đẹp nhất. Quãng thời gian đó, ngoài gia đình, bạn bè thì thầy cô chính là những người cha người mẹ thứ hai dạy bảo từng điều hay lẽ phải và là người kề cận bên chúng ta nhiều nhất. Đó là những người dạy cho ta những nét chữ đầu tiên, những “ê, a” của con chữ rồi sau này khi đã lớn khôn lên một chút, mỗi thế hệ thầy cô lại dạy cho ta những kiến thức mới, cái hay, cái lạ trong cuộc sống. Đúng như những câu thơ đầy cảm xúc này:
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề cao quý nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Nhưng nở cho đời những đóa hoa thơm.
Dù thầy cô hiền lành hay nghiêm khắc, tất cả đều có một điểm chung, đó là yêu thương học trò. Những lời căn dặn, những lời răn đe … tất cả đều với mục đích là để chúng ta trở thành một con người có ích cho gia đình và xã hội. Không một thầy cô nào dạy chúng ta làm điều sai trái, tất cả đều hướng chúng ta tìm về “chân – thiện – mỹ”.
Sự mộc mạc đáng trân quý
Tôi nhớ ngày xưa, cứ mỗi năm đến ngày 20/11, trước cổng trường của tôi, nhiều người tập trung lại bán hoa nhựa giả để đám học trò chúng tôi mua tặng cô giáo của mình. Thời đó thôn quê nghèo không có điều kiện như bây giờ, mỗi bạn chỉ tặng cô một bông hoa như vậy nhưng hiện rõ sự vui vẻ giữa cô lẫn trò. Dẫu chúng tôi vẫn biết khi tặng bông hoa giả không giá trị gì nhưng đó là một lời chúc và lời cám ơn sâu sắc gửi đến cô. Đáp lại, cô luôn cười rất tươi và nói “cô cám ơn”. Cùng với một ít bánh kẹo, chúng tôi xếp bàn học lại, lớp phó văn thể mỹ bắt đầu những bài hát về chủ đề thầy cô, cô cùng đám học trò chúng tôi nói hát cười đùa cứ thế trải qua một ngày 20/11 đầy vui vẻ.
Những cô giáo của chúng tôi thời đó, mỗi ngày đi dạy chỉ mang một chiếc áo sơ mi và một chiếc quần tây được may theo phong cách lúc bấy giờ. Chỉ có thứ hai trong tuần chào cờ hoặc thỉnh thoảng đôi ngày trong tuần cô mới mặc áo dài, vì điều kiện ai cũng khó khăn, đồng lương giáo viên “ba đồng ba cọc”. Rất đơn giản, cùng với chất giọng thân thương, có lẽ vì vậy mà tôi luôn khắc ghi trong trí nhớ của mình.
Lời cảm ơn những người đưa đò thầm lặng:
Ai đó đã nói rằng, “ Thầy cô giáo là những người đưa đò thầm lặng”, những người lái đò hết sức tận tâm và đầy trách nhiệm, những người lái đò ấy đã chở biết bao chuyến đò kiến thức, đưa con đò cập bến tương lai. Khi qua sông, sẽ ít người có cơ hội quay trở lại bến bờ cũ thăm người đưa đò xưa, người ta chỉ nhớ về nó trong tâm khảm mà thôi. Cứ mỗi tháng 11 ùa về, ai ai cũng sẽ nhớ về những người thầy người cô của mình, những người cầm ngọn đèn kiến thức soi cho chúng ta. Thầm cám ơn vì nhờ có họ, mà chúng ta có ngày hôm nay. Ngày 20/11, chính là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dạy bảo, truyền thụ kiến thức của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người nhà giáo đã và đang tận tâm với nghề. Những “chiến sĩ cầm bút, cầm phấn”, đã góp công sức và tâm huyết, “mòn cả tay, bạc mái đầu” cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hôm nay.
Dù thời gian thoi đưa, vạn vật đều sẽ thay đổi theo thời gian, ai rồi cũng sẽ lớn lên, trưởng thành và già đi, nhưng trong tâm trí mỗi người, mỗi bài học, mỗi lời dạy trên bục giảng của thầy cô đều là hành trang giúp chúng tôi có ngày hôm nay. Với truyền thống đạo đức “Tôn sư trọng đạo”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là người Việt Nam ai cũng sẽ chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam, ngày Hiến chương các nhà giáo. Tháng 11 về, một mùa Hiến chương nữa lại về, một lần nữa xin được bày tỏ tấm lòng biết ơn đến các thế hệ ngày trước, hôm nay và mai sau. Xin cám ơn những người đưa đò thầm lặng, luôn gieo những con chữ, những kiến thức cho biết bao thế hệ học sinh. Những nỗi vất vả bên trang giáo án, trên bục giảng sẽ luôn được chúng ta mãi khắc ghi.
Trí Bão/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 11 tháng 11 năm 2023