Quan hệ giữa con người với con người trong xã hội chỉ có thể được duy trì và tồn tại thông qua sự chấp thuận chung về những chuẩn mực và quy ước văn hóa. Những chuẩn mực và quy ước này vận động và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử nhân loại và ngày càng trở nên phức tạp.
Luật pháp là một trong những lĩnh vực cơ bản nhất nằm trong nội hàm của những chuẩn mực và quy ước nói trên. Nó là một hiện tượng lịch sử có quá trình hình thành, phát triển gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và có thể coi luật pháp là công cụ quản lý đắc lực và hiệu quả nhất của quản lý Nhà nước.
Lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam là một bộ phận quan trọng của lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử phát triển của dân tộc Việt và nền văn minh Việt Nam. Không phải đợi đến khi Nhà nước độc lập của Việt Nam ra đời cùng với việc ban hành những bộ luật chính thống bằng văn bản, người Việt Nam mới biết đến Pháp luật và các chuẩn mực bằng pháp luật để quy định cách thức hành xử trong cộng đồng và xã hội. Những mầm mống đầu tiên của luật pháp bắt đầu từ những quy ước, quy định trong tập tục, tập quán và văn hóa ứng xử trong xã hội Việt Nam cổ đại.
Những người vi phạm các quy định tập tục này cũng đã bị xử lý và chịu các hình phạt của cộng đồng. Luật pháp dưới thời Văn Lang – Âu Lạc, người Việt sống trong một thứ quan hệ xã hội tuân theo những chuẩn mực không thành văn và về cơ bản có thể được xem là đã mang dáng dấp của những hình thức luật pháp sơ khai.
Đó là các phép tắc của lệ làng, luật tục và tập quán gồm các quy định đơn giản, dễ nhớ dễ thực hiện. Các hình thức của luật pháp sơ khai khi đó được quy định cụ thể đó là:
– Những quy tắc trong quản lý xã hội, cộng đồng: là những quy tắc trong điều hành công việc mang tính nhà nước, được hình thành trong quá trình phát triển và liên kết các cộng đồng cư dân trong một cơ cấu quản trị rộng lớn mang tính lãnh thổ một quốc gia, nguyên tắc chọn người tài năng tham gia quản trị đất nước, đúc rút từ các khuôn mẫu quản trị tại các cộng đồng địa phương.
– Những quy ước quản trị tại các cộng đồng địa phương có liên quan đến ruộng đất, canh tác, chăn nuôi và săn bắt, điều chỉnh các quan hệ xã hội, gia đình… những điều mà sau này sẽ trở thành lệ làng: Đây chính là những gốc gác đầu tiên của luật nước và lệ làng, là cội nguồn của luật cơ bản, giúp cho việc hình thành luật pháp sau này. Hai hình thức luật pháp sơ khai này làm nên tính đặc thù của luật pháp Việt nam, tồn tại trong suốt lịch sử: tính nhị nguyên trong quản lý, sự tương tác, gắn bó giữa phép nước và lệ làng
Sự kết hợp giữa việc quản trị đất nước với quản lý xã hội cộng đồng địa phương Nó tạo thành một hệ quản trị song hành độc đáo của Việt nam trong suốt lịch sử giữa một bên là nhà nước được thực thi qua “phép vua” và một bên là các quy chuẩn cộng đồng được gọi là “lệ làng”. Chính các quy tắc xử sự giữa các thành viên trong cộng đồng do làng xã đặt ra, dần dần được biến thành một số quy tắc của phong tục – tập quán, rồi trở thành hương ước với tính chất của một thứ luật “cấp cơ sở” nguồn luật bổ sung cho luật lệ cấp “trung ương” luật nước. Giữa lệ làng mang tính chất tự quản với luật nhà nước có mối quan hệ theo hình thức nhị nguyên: vừa thống nhất vừa độc lập với nhau.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, chính quyền xâm lược từ phương Bắc đã cố gắng tổ chức quản lý xã hội theo kiểu Trung Hoa, đặt ách đô hộ từ từ trung ương cho tới các địa phương với tham vọng đồng hóa người Việt. Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà đánh An Dương Vương, chiếm Âu Lạc thực hiện mô hình quản lý theo kiểu phương bắc, đưa con người và luật lệ phương bắc sang Việt Nam, khuyến khích ở lẫn với người Việt nhưng đã vấp phải những sự kháng cự mạnh mẽ từ các cơ sở cộng đồng làng xã.
Luật lệ của Triều Đà đã không thể thắng nổi các tập tục của người Việt. Chính quyền trung ương trên thực tế đã không thể khuất phục được các tập tục của cộng đồng Việt. Sau này, các chính quyền đô hộ từ Trung Quốc trên danh nghĩa là thực thi các điều luật phương Bắc nhưng thực tế lại buộc phải duy trì truyền thống tổ chức quản trị cộng đồng làng xã của người Việt. Mục tiêu của việc vận dụng luật lệ phương Bắc là để xóa bỏ bản sắc Việt, biến nước ta thành quận huyện thuộc Trung Quốc, tìm cách xóa bỏ cấu trúc và văn hóa làng xã Việt nhưng điều đó không thể thực hiện được.
Có thể coi Lý Bí là người đầu tiên thành lập một nhà nước có quy mô lớn, tự chủ đầu tiên, trong đó những nguyên tắc mang tính luật pháp cơ bản được xây dựng để quản trị đất nước cũng đã được xác định. Ông tự xưng là Hoàng Đế và cũng hướng tới việc xây dựng một hệ thống các luật lệ giúp cho việc quản trị đất nước, thông qua việc tập hợp đoàn kết, thống nhất các bộ tộc Việt. Bởi vậy trên thực tế chúng ta hoàn toàn có thể coi chính quyền của Nhà nước Vạn Xuân là lực lượng đầu tiên ban hành những nguyên tắc mang tính luật pháp để tổ chức việc quản trị một quốc gia độc lập.
Những ý tưởng về việc dựa vào các cộng đồng Việt từ nhiều bộ tộc khác nhau để định ra một phương thức riêng trong việc cai quản đất nước tự chủ đã là những nền móng cơ bản xuyết suốt quá trình hình thành luật pháp Việt Nam sau này. Đây chính là cơ sở quan trọng định hướng cho sự hình thành các đặc trưng của Luật pháp Việt Nam trong những giai đoạn độc lập tự chủ sau này với những bộ luật nổi tiếng như “Hình thư” thời Lý, “Quốc Triều Hình Luật” ban hành ở triều Trần, “Quốc Triều Hình Luật” (hay Luật Hồng Đức) ban hành thời Hậu Lê, “Hoàng Việt Luật Lệ” (hay Luật Gia Long) ban hành thời Nguyễn.
Quốc triều hình luật (Luật hồng đức)
“Quốc triều hình luật” không chỉ được đánh giá cao hơn hẳn so với những thành tựu pháp luật của các triều đại trước đó mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc biên soạn các bộ luật khác của những triều đại phong kiến Việt Nam sau này. Chúng ta đều biết, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước, Nhà nước Việt Nam đã cố gắng tập trung củng cố nền độc lập, khẳng định vững chắc chủ quyền của mình không phải chỉ bằng “binh đao và giáo mác” mà còn bằng một nền tảng văn hóa, tri thức và học vấn cao, trong đó có tri thức và học vấn và luật pháp về vấn đề quản trị đất nước.
Luật Hồng Đức là một bộ luật mang tính tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: Lĩnh vực luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân – gia đình, luật hành chính… Bản Quốc triều hình luật còn lưu trữ mang ký hiệu A.341 là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả và được coi là văn bản có giá trị nhất. Bộ luật trong sách này gồm 6 quyển, in ván khắc trên giấy bản, tổng cộng gồm 129 tờ đóng chung thành một cuốn. Sách không ghi tên tác giả, không có dấu hiệu niên đại soạn thảo hay niên đại in ấn và cũng không có lời tựa hoặc các chú dẫn khác.
Bìa nguyên bản của cuốn sách đã bị mất và được thay thế bằng một tờ bìa viết 4 chữ Hán là Quốc triều hình luật bằng bút lông. Nhìn chung, nội dung của bộ luật này đã được Phan Huy Chú ghi chép lại trong phần Hình luật chí của bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhưng thiếu mất 143 điều so với 722 điều trong cuốn sách này.
Bộ Hồng Đức hình luật trong cuốn sách A.341 gồm có 13 chương, ghi chép trong 6 quyển (5 quyển có 2 chương/quyển và 1 quyển có 3 chương) được xếp đặt như sau:
1. Chương Danh lệ: 49 điều quy định về những vấn đề cơ bản có tính chất chi phối nội dung các chương điều khác (quy định về thập ác, ngũ hình, bát nghị, chuộc tội bằng tiền…)
2. Chương Vệ cấm: 47 điều quy định về việc bảo vệ cung cấm, kinh thành và các tội về cấm vệ.
3. Chương Vi chế: 144 điều quy định về hình phạt cho các hành vi sai trái của quan lại, các tội về chức vụ.
4. Chương Quân chính: 43 điều quy định về sự trừng phạt các hành vi sai trái của tướng, sĩ, các tội quân sự.
5. Chương Hộ hôn: 58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân-gia đình và các tội phạm trong các lĩnh vực này.
6. Chương Điền sản: 59 điều, trong đó 32 điều ban đầu và 27 điều bổ sung sau (14 điều về điền sản mới tăng thêm, 4 điều về luật hương hỏa, 9 điều về châm chước bổ sung luật hương hỏa) quy định về ruộng đất, thừa kế, hương hỏa và các tội phạm trong lĩnh vực này.
7. Chương Thông gian: 10 điều quy định về các tội phạm tình dục.
8. Chương Đạo tặc: 54 điều quy định về các tội trộm cướp, giết người và một số tội chính trị như phản nước hại vua.
9. Chương Đấu tụng: 50 điều quy định về các nhóm tội đánh nhau (ẩu đả) và các tội vu cáo, lăng mạ
10. Chương Trá ngụy: 38 điều quy định các tội giả mạo, lừa dối.
11. Chương Tạp luật: 92 điều quy định về các tội không thuộc các nhóm tội danh trên đây.
12. Chương Bộ vong: 13 điều quy định về việc bắt tội phạm chạy trốn và các tội thuộc lĩnh vực này.
13. Chương Đoán ngục: 65 điều quy định về việc xử án, giam giữ can phạm và các tội phạm trong lĩnh vực này.
Những điểm nổi bật của Luật Hồng Đức: Có thể thấy điểm mạnh của Luật Hồng Đức, đa phần các qui phạm pháp luật trong Bộ luật Hồng Đức được xây dựng theo phương thức xuất hiện đầy đủ cả ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài trực tiếp. Ví dụ Điều 585: “Trâu của 2 nhà đánh nhau, con nào chết thì 2 nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì 2 nhà cùng cày, trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng”. Trong đó: Trâu của 2 nhà đánh nhau là bộ phận giả định; con nào chết thì 2 nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì 2 nhà cùng cày là bộ phận quy định; trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng là bộ phận chế tài.
Với cách mô tả hành vi vi phạm pháp luật và chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi đó rõ ràng như vậy, người dân sẽ biết được hành vi nào nên làm, hành vi nào nên tránh, tạo điều kiện để toàn thể mọi tầng lớp nhân dân hiểu luật. Quan xử án cũng biết được cần phải xử như thế nào. Có nhiều qui phạm trong Bộ luật Hồng Đức mô tả ngắn một tình huống cụ thể. Điều này khiến qui phạm trở nên rõ ràng với người dân.
Ví dụ Điều 393: “Người cha lấy vợ trước sinh được một con trai, phần hương hoả đã giao cho giữ; nhưng người con trai ấy lại chỉ sinh được một người con gái; mà cha có vợ lẽ hay nàng hầu lại sinh được một con trai nhưng lại bị cố tật, người con trai cố tật ấy sinh được cháu trai, thì ruộng đất hương hoả phải giao cho người cháu trai con kẻ cố tật, để tỏ ra rằng dòng họ không thể để tuyệt.”. Hoặc Điều 395: “Cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng chỉ sinh con gái, con thứ lại có con trai thì phần hương hỏa giao cho con trai người con thứ; nhưng con trai người con thứ chỉ sinh cháu gái thì phần hương hỏa trước kia lại phải giao trả cho con gái người con trưởng”.
Ưu điểm của cách quy định ngắn gọn một tình huống, ngoài việc dễ thuộc, dễ nhớ, dễ vận dụng còn cho thấy từ một vấn đề pháp lý khá phức tạp đã được chuyển hóa thành một tình huống rất đơn giản. Bộ luật Hồng Đức có cách quy định chế tài dưới dạng chế tài cố định. Với mỗi một vi phạm cụ thể thì có một hình phạt cụ thể tương ứng; mức độ tăng nặng hay giảm nhẹ cũng được quy định ngay sau đó một cách cụ thể, rõ ràng.
Ví dụ Điều 466: “Đánh gãy răng, sứt tai mũi, chột 1 mắt, gãy ngón chân, ngón tay, giập xương, hay lấy nước sôi, lửa làm người bị thương và rụng tóc, thì xử tội đồ làm khao đinh. Lấy đồ bẩn thỉu ném vào đầu mặt người ta thì xử biếm 2 tư; đổ vào miệng mũi thì biếm 3 tư. Đánh gãy 2 răng, 2 ngón tay trở lên thì xử tội đồ làm tượng phường binh. Lấy gươm giáo đâm chém người, dẫu không trúng cũng phải lưu đi châu gần (người quyền quý phạm tội thì xử tội biếm). Nếu đâm chém bị thương và làm đứt gân, chột 2 mắt, đoạ thai thì xử tội lưu đi châu xa. Nếu trong khi đương xét hỏi, người bị thương lại bình phục, thì tội nhân được giảm tội 2 bậc. Nếu đánh bị thương 2 người trở lên và nhân bị thương mà thành cố tật, hay đánh đứt lưỡi, huỷ hoại âm, dương vật đều xử tội giảo; và phải đền tiền thương tổn như lệ định”.
Với chế tài cố định này, nó đã đảm bảo tính chính xác trong việc áp dụng luật của các cơ quan Nhà nước, tránh được sự tuỳ tiện trong việc áp dụng luật. Mặc dù ra đời vào giữa thế kỷ XV, nhưng bộ “Quốc triều hình luật”đã đạt được giá trị và thành tựu nổi bật, có những đặc điểm tiến bộ và ưu thế hơn hẳng các bộ luật trước và cả sau nó. Điều tiến bộ nổi bật nhất thường đề cập đến nhiều nhất chính là sự quan tâm nhiều đến địa vị của người phụ nữ, quan tâm đến quyền lợi của họ, cho họ một sự bình đẳng tương đối đối với đàn ông trong xã hội và người chồng trong gia đình.
Bên cạnh đó “Quốc triều hình luật” đã quan tâm bảo vệ những quyền cơ bản của con người. Mặc dù bị hạn chế bởi quan niệm giai cấp hẹp hòi, nhưng bộ luật này cũng đã đưa ra nhiều quy định bảo vệ con người, trong đó có cả việc bảo vệ những những ở tầng lớp dưới trong xã hội, như bảo vệ quyền dân chủ tự do của dân đinh, có nhiều điều quy định các hình phạt cụ thể chống lại sự nô tỳ hoá đối với dân đinh, đặc biệt là trong đó không có sự phân biệt về địa vị xã hội và bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người. …
Hoàng triều luật lệ (Luật gia Long)
Hoàng Việt luật lệ của triều Nguyễn là bộ luật cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở khảo xét, tham chiếu bộ luật Hồng Đức (tức Quốc triều Hình luật, là bộ luật của nhà Lê), nhưng chủ yếu là mượn bộ luật của nhà Thanh, dù đã được chỉnh sửa và cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Hoàng Việt luật lệ được soạn thảo theo quy trình chặt chẽ dưới sự kiểm soát của trực tiếp của Hoàng đế Gia Long. Theo sách Đại Nam thực lục thì năm 1811 Gia Long bắt đầu lệnh cho triều thần biên soạn bộ luật. Nguyễn Văn Thành được đặc cử làm Tổng tài cùng với Vũ Trinh và Trần Hưu chịu trách nhiệm trước nhà vua về xây dựng bộ luật. Năm 1812, Gia Long viết lời Tựa mở đầu bộ luật, trong đó khái lược về những tư tưởng và thành tựu lập pháp, chỉ rõ yêu cầu cấp thiết của việc ban hành bộ luật đồng thời khẳng định ý nghĩa của pháp luật trong thực tiễn.
Về cấu trúc, Bộ luật Gia Long gồm 22 quyển với 398 điều luật và 30 điều tỷ dẫn trong đó, các điều khoản của Bộ luật được chia thành sáu loại tương đương với công việc của 6 Bộ phụ trách: quyển I – Những chỉ dẫn tổng quát; quyển II và III (từ Điều 1 đến Điều 45), gồm những quy định ban đầu; quyển IV và quyển V – Bộ Lại, gồm các điều từ Điều 46 đến Điều 72; các quyển VI, VII, VIII – Bộ Hộ, gồm các điều từ Điều 73 đến Điều 138; quyển IX – Bộ Lễ, từ điều 139 đến Điều 164; quyển X và XI – Bộ Binh, từ Điều 165 đến Điều 222; quyển XII đến quyển XX – Bộ Hình, từ Điều 223 đến Điều 388; quyển XXI – Bộ Công, từ Điều 389 đến Điều 398; quyển XXII – Phụ lục, là quyển cuối cùng có tiêu đề “Sách dẫn điều luật”, viện dẫn điều luật bằng cách so sánh, khi không có điều luật tương ứng thì căn cứ vào điều luật khác tương tự mà nghị xử.
Nhà Nguyễn coi Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng duy nhất được vận dụng trong quản lý và xây dựng đất nước. Để bảo vệ vương quyền và xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cao độ, nhà Nguyễn sử dụng pháp luật như là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Phần lớn các điều trong Hoàng Việt luật lệ được ban hành đều gắn với chức năng, nhiệm vụ và cách thức cai quản của 6 bộ (Lại, Công, Lễ, Hộ, Binh, Hình).
Lại luật là những quy định về tổ chức nhà nước và hệ thống quan lại; Công luật quy định về xây dựng, bảo vệ đê điều, lăng tẩm; Lễ luật quy định về ngoại giao và nghi lễ cung đình; Hộ luật quy định về quản lý dân cư và đất đai; Binh luật quy định về tổ chức quân đội và quốc phòng; Hình luật quy định về các tội danh và hình phạt.
Trong 398 điều của Luật Gia Long, có 166 điều về hình luật, 66 điều về hộ luật, 10 điều về công luật. Một số điều trong Hộ luật đã được cụ thể thành chính sách kinh tế của nhà Nguyễn. Từ việc phân chia các điều luật, có thể thấy rằng nhà Nguyễn rất quan tâm tới pháp luật trong quá trình trị nước, đặc biệt là yếu tố hình luật được đề cao, thể hiện sự hà khắc của Luật Gia Long, với mục đích bảo vệ quyền lợi và địa vị của vương triều.
Những điểm nổi bật của Luật Gia Long:
Sự ra đời của Luật Gia Long có giá trị vô cùng to lớn đối với lịch sử của pháp luật Việt Nam khẳng định quyền cai trị tối cao của nhà vua, “bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà việc bảo vệ chủ quyền chính là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền”. Bản thân vua Gia Long cũng đã rất quan tâm đến việc thực thi luật pháp cũng như việc xét xử của các vụ án.
Trong Đại Nam hội điển sư lệ, quyển 44, có ghi lại, năm 1812, vua Gia Long ra chỉ dụ cho bộ hình: “Hình ngục là việc lớn, quan hệ đến sinh mệnh của thiên hạ. Gần đây các nha môn hỏi việc hình, có nơi cứ để ứ đọng án tiết làm lụy cho bình dân, ta rất thương. Vậy hạ lệnh cho cho sở tại phải xét văn án soát tội tù, kẻ nào nhẹ thì ta tha cho, kẻ nào nặng thì tâu xin xử trí cho hình được thanh, chính được bình, xứng với lòng ta”.
Bên cạnh đó, nhà vua muốn các vụ án xét xử nhanh chóng, công minh và “có sự khoan hồng cho các công thần của bản triều”. Điều này có ý nghĩa, hướng dân chúng và quan lại hết sức phụng sự cho triều đình. Mặt khác việc đưa ra các điều luật đã giúp ổn định trật tự xã hội, ngăn chặn người dân làm điều ác, con người có bổn phận làm theo những quy phạm đạo đức, giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước.
Tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước, tránh được tình trạng dân nổi dậy chống lại triều đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Luật Gia Long cũng có quy định “bát nghị”, đó là những quy định đối với việc xét xử tám loại người trong xã hội, sẽ được quan xử án ưu tiên, giảm nhẹ hình phạt, dựa trên cống hiến, địa vị, tài năng của họ trong xã hội.
Ngoài ra bộ luật có ý nghĩa quan trọng, tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người già, phụ nữ, trẻ em và người cô quả, tàn tật, dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, người tự thú và cả những người phạm tội (đang chịu hình phạt). Trong Hoàng Việt luật lệ, quyển 1, phần Biểu đồ các lệ chuộc tội có quy định: Riêng các loại tội nhân già cả, trẻ thơ, tàn tật, đàn bà…, thì đã có chiếu cố để tỏ ý thương già yêu trẻ, thương hại người tàn tật, khoan dung nghệ nhân và thương xót đàn bà.
Nhà Nước phải quản lý theo ý chí chung của các cộng đồng, tuân thủ những nguyên tắc tồn tại cao nhất cho ý chí của các cộng đồng. Còn các cộng đồng lại mang tính tự quản và tự chịu trách nhiệm trước luật pháp chung. |
Với các đối tượng này, luật có quy định là không được dùng hình để khảo vấn. Nếu người già, trẻ em phạm tội thì được xem xét nộp tiền chuộc. Luật cũng có những điều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ thân thể người phụ nữ và người dân thường có hoàn cảnh đặc biệt, ngay cả với những đối tượng đã là phạm nhân thì luật cũng xem xét để giảm án, hưởng ân xá. Điều này chứng tỏ rằng, trong Luật Gia Long đã có yếu tố xét đến yếu nhóm đối tượng cần được ưu tiên và có xét đến yếu tố thân nhân trong quá trình thẩm án.
Pháp luật truyền thống và sự điều chỉnh mối quan hệ với các tổ chức cộng đồng
Pháp luật Việt Nam là sản phẩm của lịch sử Việt Nam, sản phẩm của một chặng đường dài lao động, đấu tranh không biết mệt mỏi vì sự tồn vong và phát triển của dân tộc.
Nó phản ánh những đặc trưng cơ bản trong cách tổ chức và quản lý xã hội của người Việt, gắn liền với điều kiện và môi trường sống, con người và văn hóa, phong tục tập quán cùng với các triều đại phong kiến và các cộng đồng cư dân ở Việt Nam Pháp luật Việt Nam phản ánh những quan điểm và giá trị sống cơ bản của người Việt và văn minh Việt, chứa đựng những khuôn mẫu, thước đo điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình và cá nhân.
Người Việt truyền thống, sống và tuân thủ theo những luật lệ đặc thù của mình, vừa là luật lệ chính thống của chính quyền nhà nước, vừa là luật lệ của cộng đồng làng, xóm. Phong tục tập quán, các quy chuẩn về đạo đức và nhân cách. Những Bộ luật chính thống như luật triều Lý, triều Trần,Quốc triều hình luật triều Hậu Lê và Hoàng Việt Luật Lệ triều Nguyễn đã là những bộ luật quan trọng nhất trong pháp luật cổ nước ta Những đặc điểm về địa lý, môi trường sinh thái, hoạt động lao động sản xuất đã tạo nên những đặc trưng cơ bản trong việc quản lý xã hội ở Việt Nam.
Có lẽ tính “nhị nguyên” tồn tại và thể hiện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong suốt lịch sử đã là một trong những điểm đặc biệt trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Nếu điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống, lao động đã buộc người Việt Nam phải sống chung lưng, sống dựa vào nhau trong cuộc mưu sinh cùng cộng đồng xung quanh, thì trong luật pháp, tục tập, văn hóa… các giá trị về tôn trọng sự đoàn kết cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng nhất. Pháp luật nhà nước trong mọi trường hợp đều cố gắng bảo vệ và duy trì tính cộng đồng nói trên.
Chế độ công điền, với những kiểu biến dạng khác nhau của nó, kéo dài trong suốt lịch sử lao động sản xuất ở Việt Nam, đã làm giảm bớt phần nào những sự đối kháng xã hội, là cơ sở cho những quan hệ gắn bó giữa con người với con người. Khác với nhiều dân tộc khác, trong nấc thang giá trị xã hội, những chuẩn mực về đức hy sinh, sự trung thành với toàn thể cộng đồng được đặt lên vị trí cao nhất. Trong một đất nước mà tính cố kết cộng đồng được tôn trọng như vậy, chính sự thống nhất chung trong luật nước và tập tục từ cộng đồng đã tạo ra tính nhị nguyên trong luật pháp cổ Việt Nam.
Nhà nước phải quản lý theo ý chí chung của các cộng đồng, tuân thủ những nguyên tắc tồn tại cao nhất cho ý chí của các cộng đồng. Còn các cộng đồng lại mang tính tự quản và tự chịu trách nhiệm trước luật pháp chung. Đây chính là điều mà chúng ta vẫn thường nghe nói về cái được gọi là “phép vua thua lệ làng” vậy. Chẳng hạn như, ngay sau khi chuyển kinh đô về Thăng Long, kho binh nhà nước cạn kiệt, nhưng vua Lý Thái Tổ vẫn ban chiếu tha tô tha thuế trong ba năm liền, khuyến khích người dân trong các cộng đồng khai hoang, mở ruộng. Chính tư tưởng dựa vào tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau trong cộng đồng của chính quyền nhà nước đã khuyến khích sự liên kết, gắn bó trong các cộng đồng dân cư, tạo nên tinh thần tập thể, đoàn kết.
Ở đây tính nhị nguyên trong pháp luật đã được thể hiện ở chỗ, việc quản trị đất nước chính là sự kết hợp chặt chẽ và năng động giữa việc quản trị bằng phép vua (luật pháp) với quản trị tự quản của lệ làng (quy ước cộng đồng). Tính nhị nguyên trong luật pháp có mặt tich cực nhưng cũng có những mặt hạn chế. Hiện tượng phép vua thua lệ làng khiến cho việc vận dụng luật pháp trung ương không thực sự mạnh mẽ, thống nhất. Thái độ ứng xử của người dân với luật pháp không chặt chẽ, sự tôn trọng pháp luật không cao, người dân sống theo tập tục, tập quán hơn nhiều là theo pháp luật.
Đây là điều mà chúng ta cần nghiên cứu trong việc xây dựng luật pháp hiện nay đặc biệt là những điều khoản luật pháp có liên quan đến các tổ chức cộng đồng. Nghiên cứu về cách thức tổ chức và quản lý xã hội, đặc biệt là việc vận dụng pháp luật trong quản trị của người xưa để “ôn cố tri tân”, rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay vẫn luôn là một đề tài cần thiết. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được suy xét và phân tích sâu hơn. Phương thức quản lý xã hội của người Việt xưa, cho đến nay vẫn để lại những bài học thực sự sâu sắc cho thế hệ chúng ta.
Mô hình luật nước, lệ làng truyền thống đã chỉ cho chúng ta thấy những mặt tích cực cùng với những hạn chế, thậm chí là di hại của nó. Tuy nhiên trong điều kiện phát triển mới hiện nay nó cũng có thể giúp chúng ta hình dung được một hệ thống quản trị đất nước dựa trên những nguyên tắc quan trọng nhất, đó là:
Thứ nhất, phải tạo lập được một sự thống nhất chung về luật pháp trên phạm vi toàn quốc gia, dựa trên những nhu cầu cơ bản của sụ ổn định và phát triển tiến bộ của đất nước.
Thứ hai, nó phải là sự thống nhất ý nguyện cơ bản của mọi người dân, mọi nhóm xã hội và cộng đồng xã hội. Luật pháp phải gắn liền với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích, nhu cầu trong cuộc sống của những cộng đồng và con người cụ thể. Trong trường hợp này vai trò của các tổ chức xã hội, hội dân sự từ các cấp trung ương tới địa phương là hết sức cần thiết và quan trọng.
TS Nhà báo Đặng Vũ Cảnh Linh/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 12 tháng 9 năm 2020