Bộ môn thư pháp được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khởi đầu với chữ Hán, Nho rồi đến chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Nó được xem là “món chơi” sang trọng bậc nhất, như lời sách xưa vẫn còn: Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng. Cổ nhân cũng nói rằng “Thư, tâm hoạ dã” ý nói việc viết chữ, viết thư pháp như vẽ tâm mình lên mặt giấy. Việc dùng bút lông và mực Nho thể hiện các vẻ đẹp của đường nét lên mặt giấy với chỉ hai màu đen – trắng thực sự không dễ dàng và càng không dễ để cảm nhận. Người viết và người xem thường phải thả hồn vào từng nét chấm phá, từng đường phóng bút, cách vận bút và chuyển biến của đường nét, theo trình tự vận hành, gắn liền với cá tính và từng phong cách riêng biệt.
Ở Sài Gòn có một người phụ nữ đến với thư pháp một cách tình cờ khi đã ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, đến với thư pháp một cách giản dị – như chính tính cách của bà – nhưng không lâu sau đã khẳng định được vị thế riêng của mình trong làng thư nghệ Sài Thành. Bà Mỹ Lý. Khi đam mê thực sự trỗi dậy và bất chợt nhận ra nó là khí trời, là tự do, là hơi thở và là cuộc sống bản thân mình, mỗi con người mới có thể vượt được qua những khó khăn, trở ngại mà đặt chân vào cổng chính của nghệ thuật. Nghệ sĩ Mỹ Lý bén duyên cùng nghệ thuật theo cách ấy.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn cho đến già nhưng nghệ sĩ Mỹ Lý lại rất có duyên với Hà Nội, rất yêu Hà Nội. Nhân cuộc triển lãm “Tâm Thanh Tâm Họa” của bà với thư pháp gia Lưu Thanh Hải tại Nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ ngày 12 đến 31 tháng 8 năm 2023, Tạp chí Truyền thống và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Mỹ Lý.
Gia đình truyền thống năm đời hoạt động âm nhạc
Trần Thế Vĩnh (TTV): Thưa cô, theo cháu được biết, cô xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống về âm nhạc. Cô có thể cho độc giả biết rõ hơn về gia đình mình?
Nghệ sĩ Thư pháp Mỹ Lý (NS Mỹ Lý): Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật với các nghệ sĩ cũng thành danh, có uy tín và có tầm ảnh hưởng nhất định trong lãnh vực sân khấu và âm nhạc. Ông bà nội theo cải lương, còn ba theo tân nhạc. Ông nội tôi là soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Nghệ danh Tư Chơi) từng được ví “là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương thời kỳ đầu”.
Ông nội tôi không chỉ biên soạn nhiều tuồng cải lương, mà còn là người có công cải cách, phát triển âm nhạc cải lương khi đưa nhạc Tây lên sân khấu. Bà nội tôi bà là nghệ sĩ Kim Thoa, người sáng lập đoàn cải lương Kim Thoa danh tiếng một thời. Cha tôi là nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (Nghệ danh Huỳnh Hiếu), là tác giả của ca khúc Tiếng đàn trong gió đông; ông từng đạt danh hiệu Tay trống đệ nhất Đông Dương. Chồng tôi, nghệ sĩ Nguyễn Văn Chốt, và em trai tôi – nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, đều là những tay guitar cự phách, đồng thời cũng làm hòa âm, sản xuất âm nhạc.
TTV: Thật là một gia đình danh giá! Cháu còn được biết thêm cô là một người mẹ, người bà mẫu mực, và là người chắp cách cho niềm đam mê âm nhạc của các con, các cháu!
NS Mỹ Lý: Chúng tôi có 3 con, hai trai một gái. Tiếp nối truyền thống của gia đình, hai con trai tôi là Yên Lam và Yên Lâm cũng chọn con đường âm nhạc lập thân. Con gái không theo nghề nhạc mà làm thiết kế nội thất. Yên Lam khá thành danh, đã từng nhiều lần nhận danh hiệu Nhạc sĩ được yêu thích nhất của giải thưởng Làn Sóng Xanh (một chương trình âm nhạc có uy tín lâu năm của Đài tiếng nói Nhân dân Tp. HCM, VOH – pv) và nhiều danh hiệu âm nhạc cao quý khác. Hiện nay Yên Lam là nhạc sĩ hòa âm phối khí có tiếng ở Sài Gòn. Rất hạnh phúc vì cháu nội của tôi là cháu Bào Ngư cũng theo nghề nhạc và sớm thành danh. Bào Ngư là thế hệ thứ 5 của gia đình theo nghề.
TTV: Nhưng cô lại không theo âm nhạc, thưa cô?
NS Mỹ Lý: Tôi tuổi Giáp Ngọ (sinh năm 1954), cái tuổi mà thầy Tử vi phán là mẫu người “vượng phu, ích tử”. Dù có nhiều cơ hội và điều kiện, nhưng tôi không quan tâm lắm đến địa vị hay danh tiếng mà chọn làm hậu phương của gia đình. Và tôi luôn thấy hạnh phúc khi những người thân yêu của mình đạt được những thành tựu trong sự nghiệp. Hiện nay tôi lại tiếp tục “sứ mệnh” đó và đang làm bạn với 8 đứa cháu. Từ thứ hai đến thứ sáu tôi chơi với 6 cháu nội, cuối tuần thì dành cho 2 cháu ngoại.
Không hoàn toàn là số mệnh, nhưng nghệ sĩ Mỹ Lý đã chủ động chọn quan điểm sống như hình mẫu điển hình của người phụ nữ truyền thống Việt Nam: luôn tần tảo, sớm hôm lao động, kiếm sống, dành cả tuổi xuân chăm lo gia đình, hy sinh tất cả cho chồng cho con, và hiện nay là cho các cháu. Không quá khi nói rằng bà chính làm người đã góp công lớn làm nên những thành công và danh tiếng cho những người thân trong gia đình mình. |
Thư pháp là duyên, là nghiệp, không phải nghề
TTV: Cháu muốn biết duyên lành nào đã đưa cô đến với thư pháp ạ?
NS Mỹ Lý: Một ngày đẹp trời cách nay đúng 20 năm (năm 2003), tôi tình cờ nghe nói là trong quận 5 có triển lãm 100 chữ Mẹ của câu lạc bộ nghệ thuật người Hoa tổ chức. Tôi tò mò đến xem và thấy bức thư pháp chữ Mẹ của họa sĩ Trần Văn Hải tại triển lãm (sau được giải nhất), một chữ Mẹ mà theo tôi là đẹp nhất cho đến bây giờ, khi đó tôi đã không sao rời mắt nổi. Tôi nhận ra mình sẽ thuộc về nó (thư pháp – pv), có nhân duyên với nó. Sau đó tôi xin gặp và xin theo học thư pháp với thầy Trần Văn Hải. Dù rất ngạc nhiên vì khi đó tôi đã 50 tuổi, nhưng thầy vẫn nhận dạy. Tôi đến với thư pháp một cách đơn giản và tình cờ như vậy!
TTV: Nhưng cô cũng phải có sự chuẩn bị nhất định nào đó, bởi vì với nghệ thuật thư pháp, chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ?
NS Mỹ Lý: Đến với thư pháp khi đã lớn tuổi, tay chân đã cứng nên cũng gặp khó khăn. Thêm nữa, mặc dù đã chủ động xin nghỉ hưu sớm nhưng ban ngày tôi vẫn phụ các con chăm cháu, phụ làm việc nhà,… nên phải tranh thủ luyện viết khi các cháu ngủ hoặc ban đêm. Tôi đã dành tới 5 năm kiên trì khổ luyện, chuyên tâm với thư pháp, vừa học thầy Văn Hải, vừa tìm phong cách, lối đi riêng cho mình. Cũng may trời cho chút năng khiếu; thời học sinh tôi được xem là người viết đẹp nhất ở trường phổ thông nên cũng có chút thuận lợi.
TTV: Còn sự chuẩn bị về mặt nội dung thì sao, thưa cô?
NS Mỹ Lý: Hiểu nôm na thì thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, phương tiện biểu tỏ tâm thức con người. Nó gắn với mỹ học và gắn với tính cách, tâm tư, tình cảm, thế giới quan, nhân sinh quan của người viết. Thế nên ngoài việc nhẫn nại rèn luyện kỹ năng viết thì người chơi thư pháp còn cần trang bị nội dung cần viết, cần trau dồi kiến văn, đọc nhiều sách vở, tìm những tư tưởng, quan niệm hay từ cổ chí kim, học tập những người đi trước để mở rộng sự hiểu biết.
Thư pháp mang lại nhiều giá trị hữu ích, giúp rèn tính kiên nhẫn, sự tĩnh tâm. Khi viết, người viết cần tập trung tinh thần cao độ vào từng nét chữ, loại bỏ những tạp ý để nét chữ được thần thái, đoan trang. Người viết thư pháp có cơ hội tiếp cận với những lời dạy của người xưa, những vần thơ trác tuyệt, cách ngôn hay cho cuộc sống, giúp rèn luyện tư tưởng, tính cách và hướng thiện, mang lại sự an lạc trong tâm hồn.
TTV: Thưởng lãm rất nhiều tác phẩm của cô, cháu thấy hầu như cô chỉ chuyên tâm vào chữ Quốc Ngữ chứ không học viết thư pháp chữ Hán. Còn về chất liệu thì hầu như chô chỉ sử dụng xuyến chỉ và giấy gió truyền thống!
NS Mỹ Lý: Đúng vậy! Tôi không học viết chữ Hán không phải vì sợ khó, sợ khổ, sợ phải luyện lệ, khải, hành, thảo thư trong Hán tự mà tôi chủ động chọn chữ Quốc ngữ vì thấy rằng chữ Quốc ngữ với các mẫu tự Latinh viết thư pháp Việt rất đẹp. Tuy không thể biểu cảm tượng hình như chữ Hán nhưng chữ Quốc ngữ cho tôi nguồn cảm hứng vô tận của sự tự do sáng tạo, phá cách khi thể hiện ca dao, tục ngữ, những lời dạy của tiền nhân, những bài thơ, bản nhạc mang đậm hồn cốt dân tộc.
TTV: Cô vừa nhắc đến nhạc. Cháu thấy thư pháp của cô dường như không chỉ là nét bút, nét vẽ mà khi nhìn sâu vào mỗi tác phẩm, khán giả tinh tế có thể nhận thấy luôn có sự lôi cuốn của một thế giới âm nhạc trong từng đường nét mềm mại, uyển chuyển và có phần “phá cách” so với những tác phẩm thư pháp thông thường. Âu đó cũng là cái “nghiệp” âm nhạc của gia đình nhưng được biểu đạt dưới một hình thức khác!
NS Mỹ Lý: Cháu nói đúng! Dường như có mối liên hệ đặc biệt giữa âm nhạc và thư pháp mà tôi cũng không lý giải được. Ngay những ngày luyện thư pháp, tôi đã chủ động chọn thơ và nhạc làm chất liệu để sáng tạo, thổi hồn nên những con chữ. Tôi thường chọn những lời hay, ý đẹp, những câu đắt giá trong ca từ để thể hiện tác phẩm. Mỗi khi phóng bút, không chỉ là sự tập trung, tĩnh tâm cần thiết thường thấy mà trái lại, một trái tim luôn biết hát, múa theo những giai điệu lại đưa nét bút, con chữ đi xa hơn.
Tròn 20 năm lao động sáng tạo không mệt mỏi, dù đã có tên tuổi, được nhiều người yêu mến, xin chữ, treo chữ ở những nơi trang trọng, tuy nhiên nghệ sĩ Mỹ Lý chưa từng hài lòng với các tác phẩm của mình. Bà coi thư pháp là “duyên”, là nghiệp”, là cuộc sống của bà, nhưng không phải là cái “nghề” để kiếm tiền. Là “nghiệp”, với bà, còn bởi trong nghệ thuật sáng tạo con chữ phải biết vượt qua giới hạn của kỹ thuật, thỏa mãn được trực giác thông thường, mà hơn thế còn phải tạo ra được âm thanh, hình tượng, thể hiện được ý tứ sâu xa trong tâm hồn và cảm xúc chân, thiện, mỹ của tác giả. |
Triển lãm “Tâm Thanh Tâm Họa”
TTV: Bây giời chúng ta hãy nói một chút về Triển lãm “Tâm Thanh Tâm Họa” đi ạ!
NS Mỹ Lý: Từ khi bắt đầu đến với thư pháp tôi đã ấp ủ dự định cứ tròn 10 năm thì sẽ tổ chức một triễn lãm với số tác phẩm bẳng đúng số tuổi của tôi năm đó. Và năm 2013, khi tròn 60 tuổi, tôi đã thực hiện được ý định đó khi có triển lãm cá nhân lần 1 với chủ đề “Hoa Tâm” tại Nhà Văn hoá Thanh niên Tp. Hồ Chí Minh.
Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng tôi lại rất có duyên với Hà Nội. Trước đây tôi đã tham gia 5 cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và Tết vừa rồi, tôi lại may mắn được là khách mời, đại diện khu vực miền Nam, tham gia viết thư pháp tại Hội chữ Xuân 2023 Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tôi sinh năm Giáp Ngọ, 1954, theo tuổi mụ thì năm nay tròn 70. Thật may mắn tôi lại có triển lãm chung cùng thư pháp gia Lưu Thanh Hải tại Nhà Thái học, Văn miếu – Quốc Tử Giám, từ 12 đến 31 tháng 8 năm 2023. Chủ đề của triển lãm năm nay là “Tâm Thanh Tâm Họa”. Dù là triển lãm chung nhưng tôi vẫn mang đến 70 tác phẩm như là món quà đặc biệt tri ân công chúng Hà Nội.
Bên cạnh đó tôi vẫn đang ấp ủ những ý tưởng và cố gắng ngày đêm thực hiện để có một triển lãm cá nhân với 70 bức thư pháp bằng tất cả sự lao động, sáng tạo và tình yêu với nghệ thuật chân chính, nhân dịp tròn 70 tuổi vào năm sau, 2024.
TTV: Cháu cảm ơn cô! Chúc cuộc triển lãm “Tâm Thanh Tâm Họa” của cô và đồng sự thành công rực rỡ! Kính chúc cô luôn an mạnh và vẫn giữ vững nhiệt sáng tạo để năm sau công chúng yêu thư pháp sẽ lại được thưởng lãm 70 tác phẩm xuất sắc với nhiều sắc diện phong phú, nhiều sắc thái biểu cảm thú vị, dẫn dắt người xem vào các cuộc phiêu lưu về miền tâm thức một cách huyền diệu, thích thú và say mê!
Việc viết thư pháp có thể nói là rất dễ và cũng có thể là rất khó, tuỳ vào cách viết, cách chơi chữ cũng như động cơ, mục đích của việc viết chữ là như thế nào. Theo đuổi mục tiêu lý tưởng của sự sáng tạo và tôn trọng sự vận động, chuyển biến của đường nét thì đòi hỏi từng tác phẩm phải có nét độc đáo riêng, không lặp lại; từng dấu chấm phết, từng đường cong, đường thẳng tạo thành nét chữ cũng phải khác biệt không cùng một hình dáng, cho dù cùng một ký tự. Nghệ sĩ Huỳnh Mỹ Lý với bút pháp mạnh mẽ, tràn đầy sinh khí, đường nét chắc khoẻ, đa phần khởi bút “trắc phong” tạo nét vuông vắn, góc cạnh. Cô luôn tâm niệm những lời của Nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ trong thư pháp có cường độ, trường độ và cao độ. Thư pháp gia Lưu Thanh Hải |
Đôi nét về Nghệ sĩ Huỳnh Mỹ Lý: – Bà sinh năm 1954, tại Tp. Hồ Chí Minh – Triển lãm cá nhân lần 1, năm 2013, chủ đề “Hoa Tâm” tại Nhà Văn hoá Thanh niên Tp. Hồ Chí Minh – Đã tham gia 5 cuộc triển lãm thư pháp tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội (Truyền kinh Chính học, Thăng Long – Hà Nội, Đạt Tài, Một mối xa thư, Sư đạo Tôn nghiêm) và nhiều cuộc triển lãm tại Festival Huế, Hội An, Nhà Văn hoá Thanh niên Tp. Hồ Chí Minh,… – Khách mời, đại diện khu vực miền Nam tham gia viết thư pháp tại Hội chữ Xuân 2023 Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tp. Hà Nội. |
Tác giả bài viết: Trần Thế Vĩnh/ Phó Trưởng VPĐD TP.HCM